LTS: Những bất cập về việc làm sáng kiến kinh nghiệm đã được nhiều thầy cô giáo phản ánh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Thầy giáo Thiên Ấn tiếp tục chỉ ra những lãng phí trong việc yêu cầu giáo viên mỗi năm đều phải có sáng kiến hoặc công trình khoa học, đề án...
Đồng thời, thầy cũng nêu lên những áp lực mà hầu hết các giáo viên tại tất cả các bậc học đang phải chịu do vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP tại các Điều 18, 19, 20, 25, 26 và 27 về tiêu chí phân loại đánh giá công viên chức ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm thì đều phải có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận diện.
Như vậy, gần 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, sự nghiệp của cả nước, hằng năm muốn được cơ quan, đơn vị đánh giá, phân loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì không thể thiếu ít nhất một sản phẩm nêu trên.
Riêng ngành giáo dục có trên 1,2 triệu thầy, cô giáo (trừ diện không hoàn thành nhiệm vụ) từng năm học phải “sản sinh” ra và nộp lên cấp quản lý một công trình khoa học, đề tài hoặc sáng kiến.
Mỗi giáo viên, viên chức được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ phải có ít nhất một công trình khoa học hoặc sáng kiến mỗi năm. (Ảnh: laodong.com.vn) |
Mỗi sáng kiến chỉ viết 7-10 trang giấy thôi nhưng với số lượng người tham gia lên tới hàng triệu như thế, khối lượng giấy in cùng công sức, thời gian nhiều vô cùng. Nếu quy ra tiền tiêu tốn hàng mấy trăm tỉ đồng.
Có lẽ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy nếu thực hiện đúng như Nghị định 56 thì “tội” cho đội ngũ nhà giáo, những người thẩm định, đánh giá sáng kiến nên trong Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục, tại Điều 10, Khoản 2 quy định: đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:
a) Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;
b) Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh. Riêng hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên;
c) Giáo viên, giảng viên là tác giả chính bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;
Ngân sách đang tiêu tốn một số tiền lớn cho Sáng kiến kinh nghiệm |
d) Công chức, viên chức và người lao động tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế của đơn vị đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền.
Tại Điều 11, Khoản 2, một số thành tích được tính là sáng kiến áp dụng khi xét, công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ:
a) Tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền;
b) Giáo viên, giảng viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh, sinh viên đạt một trong các giải nhất, nhì, ba hoặc Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế;
c) Tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được nghiệm thu;
d) Giáo viên, giảng viên đạt giải nhất, nhì, ba trong các hội thi do cấp tỉnh, Bộ tổ chức.
Tuy nhiên, trong thực tế, năm học 2015-2016 vừa qua, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên được “đặc cách”, tính như sáng kiến vì đạt các thành tích nêu trên không nhiều, nhất là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các trường ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, chất lượng đầu vào của học sinh chưa tốt.
Như vậy, áp lực, mệt mỏi phải làm sáng kiến tiếp tục “hành hạ”, “tra tấn” hầu hết đội ngũ nhà giáo ở tất cả bậc học.
Nghị định 56/2015/NĐ-CP, Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT đã có hiệu lực gần một năm rưỡi nhưng nhiều trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo rất lúng túng, bất nhất trong việc tổ chức triển khai, tổ chức thực hiện.
Bây giờ, cả bảo vệ, văn thư, kế toán trường học cũng viết sáng kiến kinh nghiệm |
Phòng tổ chức - cán bộ thì chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo phải có hội đồng đánh giá, chấm sáng kiến và mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc biên chế nhà nước đều phải làm và nộp sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học.
Trong khi đó, bộ phận phụ trách thi đua - khen thưởng lại bảo không cần phải làm hết, diện cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký các danh hiệu thi đua, các hình thức khen từ cấp huyện, cấp sở trở lên mới làm.
Rồi từng đơn vị trường cũng không thống nhất, có trường làm, có trường không. Đã là văn bản quy định của nhà nước thì không thể có chuyện nơi có, nơi không, chỗ này thế này, chỗ kia thế khác.
Câu chuyện về đề tài, sáng kiến trong ngành giáo dục đến thời này vẫn chưa có hồi kết, đặc biệt là chất lượng và hiệu quả của nó qua thực tiễn.