Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm?

14/06/2016 07:05
Trần Vũ
(GDVN) - Đừng quên, việc viết và công nhận sáng kiến kinh nghiệm người thầy phải có lòng tự trọng, không nên vì thành tích thi đua mà đánh mất đức tính trung thực.

LTS: Với một “rừng” sáng kiến kinh nghiệm của các thầy cô giáo ở các cấp học hiện nay đang trở thành nỗi “kinh hãi” của nhiều người. 

Bởi phần lớn các sáng kiến kinh nghiệm này được ra đời bởi sự thúc ép bằng các mệnh lệnh hành chính, bằng các chỉ tiêu thi đua, đôi khi là lợi ích cá nhân chứ không phải đúc kết từ tâm huyết, kinh nghiệm giảng dạy.

Một đề xuất “Nên bỏ thi sáng kiến kinh nghiệm giáo viên” được chia sẻ trên Diễn đàn “Chúng tôi là giáo viên tiểu học” đã nhận được hàng nghìn lượt like (thích) và hàng trăm bình luận bày tỏ ý kiến đồng tình.

Dưới góc độ là một giáo viên Tiểu học, thầy Trần Vũ cho rằng: Không nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm. Tại sao lại như vậy? Trong bài viết này, thầy chỉ ra điều đó. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 


Ngày 19/5/2016, báo Tuổi trẻ có đăng tải bài viết “Khốn khổ vì sáng kiến kinh nghiệm” của tác giả Thùy Trang, bài viết có đoạn: 

Năm nay lần đầu tiên các trường thực hiện theo Nghị định 56 của Chính phủ về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức viên chức. 

Trong đó, một trong các tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì mỗi viên chức phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được các cấp thẩm quyền công nhận. 

Hầu hết giáo viên đang than khổ, cho rằng quá bất hợp lý khi đánh giá giáo viên chỉ theo tiêu chí trên
”.

Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 1
Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Cũng trên báo Tuổi trẻ ngày 19/5/2016, tác giả H.HG có viết bài “Hãy bỏ quy định bắt giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm” trong đó có dẫn những lo lắng của giáo viên: 

Giáo viên chúng tôi hiện đang phải chịu rất nhiều áp lực, thưa Bộ trưởng. Và một trong những áp lực đó là việc yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Mới đầu năm học, chúng tôi còn chưa biết học sinh giỏi, dở ra sao, sức học như thế nào thì đã phải đăng ký đề tài sáng kiến kinh nghiệm (đến cuối học kỳ 1 mới phải nộp báo cáo).

Thế nên phải nghĩ đại ra một đề tài gì đó cho xong. Có năm tôi cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ, cuối học kỳ 1 tôi xin đổi đề tài sáng kiến kinh nghiệm cho phù hợp với đối tượng học sinh mình đang dạy. Nhưng không được duyệt. Thế là phải “chém gió” thôi
” .

Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 2

Có thầy cô, nhà quản lý nào dám lên tiếng sau ý kiến này của thầy Nguyễn Cao?

(GDVN) - Năm nào chấm và công bố giải xong cũng để lại muôn vàn lời thị phi từ các đơn vị trường học…

Nghĩa là cán bộ, giáo viên, nhân viên sợ bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”, khi không có hoặc không còn ý tưởng để viết sáng kiến kinh nghiệm hàng năm, nếu thực hiện Nghị định số 56/NĐ-CP của Chính phủ.

Rồi họ sợ người chấm không công bằng, không khách quan hoặc chấm sáng kiến kinh nghiệm nào cũng đạt bởi số lượng quá nhiều.

Đúng là họ có lý của họ khi kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bỏ quy định bắt giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm.

Nhưng, tôi cho rằng không thể bỏ sáng kiến kinh nghiệm một khi giáo viên đăng ký phấn đấu danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” các cấp và khi đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Mà chỉ nên bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm ở mức: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” và “Hoàn thành nhiệm vụ” theo Nghị định 56 của Chính phủ, bởi những lý do sau đây: 

Theo Thông tư số: 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục, có quy định tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên: 

“Phải đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và phải có sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm các cấp công nhận hoặc đạt các điều kiện để quy đổi; mặt khác theo nguyên tắc thi đua là giáo viên phải tự nguyện đăng ký danh hiệu đó”.

Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 3

Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm

(GDVN) - Giáo viên ở nhiều địa phương đang băn khoăn rằng: Từ Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT ban hành đến việc áp dụng thực tế ở từng địa phương tại sao lại khác nhau?

Đầu năm học cán bộ, viên chức trong ngành, tự nguyện đăng ký phấn đấu danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” từ cấp cơ sở trở lên thì việc phải viết sáng kiến kinh nghiệm là đương nhiên. 

Nếu không đăng ký các danh hiệu thi đua đó, thì đâu có văn bản nào quy định bắt phải viết sáng kiến kinh nghiệm.

Còn để được đánh giá và phân loại là cán bộ, viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo Nghị định số 56/NĐ-CP của Chính phủ thì phải có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cũng là đương nhiên và không có gì phải than khổ, kêu bất hợp lý.

Bởi lẽ sáng kiến kinh nghiệm là những bài học kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình dạy học đã được kiểm nghiệm, nếu được đúc kết lại hiệu quả giảng dạy sẽ được nâng cao và hơn thế nữa nó có thể vận dụng trong đơn vị hoặc trong ngành GD&ĐT.

Do vậy sáng kiến kinh nghiệm là cơ sở để đánh giá mức độ phấn đấu của người thầy, nên không thể bỏ được, nếu như muốn được xếp loại ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Vì sao giáo viên muốn bỏ quy định viết sáng kiến kinh nghiệm?

Đúng là, khi chấm để công nhận sáng kiến kinh nghiệm cũng có vấn đề, như bài báo: “ Khốn khổ vì sáng kiến kinh nghiệm” nêu, một hiệu trưởng của trường THCS ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết:

Bản thân tôi cũng cảm thấy có nhiều bất cập, cũng biết có nhiều giáo viên chép tài liệu trên mạng, thậm chí ra tiệm photocopy thuê người ta làm để có sáng kiến nộp nhưng tôi cũng cố lơ đi, không gây thêm áp lực cho thầy cô”.

Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 4

Thầy giáo trực tiếp lên tiếng về tệ “vàng thau lẫn lộn” ở sáng kiến kinh nghiệm

(GDVN) - Nhiều người năm nào cũng đăng ký các danh hiệu thi đua nhưng lại, không bao giờ có suy nghĩ, dành thời gian, công sức để làm sáng kiến kinh nghiệm.

Vậy là, sáng kiến kinh nghiệm không phải là ý tưởng của người viết, mà “sao chép” trên mạng cũng được Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm công nhận sao?  

Hiệu trưởng nhà trường là chủ tịch Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm có biết sáng kiến kinh nghiệm nào là sao chép hay không?  

Nếu biết, sao không mạnh dạn gạt bỏ nó đi hay là do không đủ năng lực để chấm hoặc do tình cảm, nể nang, thiếu trách nhiệm, để rồi đánh giá sáng kiến kinh nghiệm nào cũng đạt và chuyển hết về Phòng GD&ĐT huyện thẩm định? 

Rồi đến chuyện thầy, cô ở Phòng GD&ĐT phải than thở, như trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cái Nước, Cà Mau nêu: 

Hiện toàn huyện có 1.699 giáo viên thì có 1.699 sáng kiến kinh nghiệm gửi về, trong khi cán bộ ở phòng có 12 người đều được huy động làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật để thẩm định từng sáng kiến của giáo viên, tất cả đều phải hoàn thành trong tháng 5 để kịp đánh giá giáo viên cuối năm”.

Đừng quên, trong việc viết và công nhận sáng kiến kinh nghiệm người thầy phải có lòng tự trọng, không nên vì thành tích thi đua mà đánh mất đức tính trung thực. 

Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 5

Có thầy cô, nhà quản lý nào dám lên tiếng sau ý kiến này của thầy Nguyễn Cao?

(GDVN) - Năm nào chấm và công bố giải xong cũng để lại muôn vàn lời thị phi từ các đơn vị trường học…

Rồi trong bài viết: “Hãy bỏ quy định bắt giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm” còn có đoạn:  

Cũng chính sự vất vả đó mà có cán bộ một sở GD&ĐT ở phía Nam đã thừa nhận: “Việc thẩm định sáng kiến kinh nghiệm là một việc kinh khủng không thua kém giáo viên khi mỗi năm các thầy cô phải “nặn” ra một sáng kiến kinh nghiệm. 

Người nào “nặn” không được thì lên mạng chép, sửa đổi vài câu chữ và ký tên của mình. Vì sáng kiến kinh nghiệm nhiều quá nên hội đồng thi đua cấp thành phố rất khó có thể đọc kỹ và đọc hết. 

Từ người viết đã không viết những vấn đề của thực tế, đến người chấm cũng không có thời gian thẩm định một cách nghiêm túc nên sáng kiến kinh nghiệm viết ra rồi nhét vào tủ chứ không thể nhân rộng là vì vậy
”.

Sao lại thế, có lẽ chính đây là nguyên nhân để giáo viên sợ viết sáng kiến kinh nghiệm vì Hội đồng xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm không đảm bảo được tính khách quan?

Thiết nghĩ, thành viên Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm các cấp phải là những người có tâm trong sáng, có tinh thần trách nhiệm, không thể tùy tiện đánh giá những sáng kiến kinh nghiệm xuất phát từ sự trăn trở trong ý tưởng của người thầy đã từng áp dụng có hiệu quả trong việc dạy và học xếp loại như những sáng kiến kinh nghiệm “sao chép”. 

Tôi cho rằng, những sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm các cấp công nhận, không nên “nhét vào tủ” cất đi, mà phải được phổ biến rộng rãi trên website của ngành GD&ĐT và các cơ sở trường học để cán bộ, giáo viên đối chiếu và vận dụng vào việc giảng dạy, công tác. 

Tôi tin rằng, những lý do mà giáo viên muốn bỏ sáng kiến kinh nghiệm trên đây, hoàn toàn có thể khắc phục được, nếu như Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư Hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 56/NĐ-CP của Chính phủ về việc “Đánh giá và phân loại cán bộ, công chức viên chức”, quy định lại như sau:

Chỉ có cán bộ, viên chức phân loại ở mức: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” mới phải có sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận.

Có như thế, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành mới yên lòng, không còn phải sợ hoặc kiến nghị bỏ quy định bắt giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. 

Trần Vũ