Cần cải thiện chính sách tuyển sinh và học bổng để HS chọn Công nghệ sinh học

14/02/2025 06:28
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ sinh học cần chú ý đến nhiều vấn đề như chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.

Công nghệ sinh học được xác định một trong ba trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi vậy, việc đẩy mạnh đào tạo ngành học này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đơn vị đào tạo chú trọng kết nối giữa giảng dạy, nghiên cứu với thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của nhà trường được thiết kế theo hướng ứng dụng, tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ sinh học y tế, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp thông minh và xử lý môi trường...

Được biết, Khoa Công nghệ sinh học và Môi trường (đơn vị quản lý ngành Công nghệ sinh học) thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp để trao đổi, chia sẻ xu hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và kinh doanh. Những hội thảo này giúp nâng cao hiểu biết của sinh viên và kết nối các bên liên quan.

Sinh viên còn được tham gia các chương trình thực tập tại doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, viện kiểm nghiệm. Đặc biệt, sinh viên thực tập chuyên ngành công nghệ sinh học trong y tế được đến các bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175...

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng là một trong những đơn vị đào tạo ngành Công nghệ sinh học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, phía Khoa đặc biệt chú trọng đến những hoạt động kết nối giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024, Khoa Sinh học tích cực mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư sản xuất phát triển Nông nghiệp Wineco, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ an đại dương, Công ty Cổ phần Wakamono…

Những mối quan hệ hợp tác này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, mà còn hỗ trợ người học về thực tập và việc làm, đóng góp tích cực cho xã hội, mở ra triển vọng mới trong việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, hướng tới phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, Khoa Sinh học phát triển và mở rộng hoạt động của các câu lạc bộ trong viên chức và người học. Các các câu lạc bộ vừa là sân chơi học thuật vừa là nơi khuyến khích viên chức và người học phát triển năng lực nghề nghiệp và khởi nghiệp, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho người học.

SV CNSH 2.png
Sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tham gia Cuộc thi "Sinh viên HPU2 với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII. Ảnh: NTCC. Thiết kế: Hồng Linh.

Đề cập đến việc đào tạo ngành Công nghệ sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Phó trưởng khoa Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin:

"Hướng đào tạo ngành Công nghệ sinh học của khoa tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Công nghệ sinh học nông nghiệp và công nghệ sinh dược. Khoa có 5 bộ môn là Sinh học, Công nghệ vi sinh, Công nghệ sinh học thực vật, Công nghệ sinh học động vật, Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học ứng dụng. Đây cũng là những định hướng chính của trong giảng dạy và nghiên cứu, nhằm phát huy thế mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của khoa đã được tham khảo, đối sánh với nhiều chương trình đào tạo quốc tế để vừa bắt kịp xu thế vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Định kỳ, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh để chương trình đào tạo được cập nhật và ngày càng hoàn thiện hơn.

Bên cạnh đó, khoa Công nghệ sinh học có mối quan hệ hợp tác với một số trường đại học/ viện nghiên cứu có thế mạnh về Công nghệ sinh học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số quốc gia châu Âu.

Đây là cơ hội hợp tác, tìm kiếm dự án nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo cũng như tìm kiếm nguồn học bổng và các chương trình trao đổi cho giảng viên và người học. Khi được đi trao đổi ở các trường đại học/viện nghiên cứu quốc tế, người học sẽ được tiếp cận các công nghệ mới và thực tiễn ở nước ngoài".

Cô Hạnh thông tin thêm, ý thức được tầm quan trọng của việc kết nối với doanh nghiệp trong nghiên cứu và đào tạo, trong tiến trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học và công nghệ sinh dược của khoa, người học được tham quan các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất để có cái nhìn cơ bản, toàn diện về ngành học ngay từ năm thứ nhất.

Tiếp đó, sinh viên tham gia kỳ thực tập nghề nghiệp với thời lượng từ 10 đến 13 tín chỉ tại các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ngoài Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trước khi tốt nghiệp, người học thực hiện đề tài nghiên cứu trong 4-6 tháng để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Khoa khuyến khích người học thực hiện các nghiên cứu cấp thiết để giải quyết một vấn đề thực tiễn tại cơ sở thực tập.

Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học từ phổ thông

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới có đặt ra nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Trong đó có nêu: "Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học".

Trong khi thực tế, hiện tại, số lượng thí sinh chọn học các môn khoa học tự nhiên có xu hướng giảm ở cấp trung học phổ thông, ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực trong đó có ngành Công nghệ sinh học.

Để khắc phục điều này, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn: "Đầu tiên, cần tích hợp kiến thức cơ bản về công nghệ sinh học trong môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở và môn Sinh học ở cấp trung học phổ thông; tạo hứng thú thông qua các nội dung thực tiễn như công nghệ chỉnh sửa gen, ứng dụng công nghệ sinh trong y tế và môi trường.

Tiếp theo, học sinh cần được tham gia các cuộc thi khoa học, triển lãm công nghệ sinh học và tham quan các trung tâm nghiên cứu hoặc doanh nghiệp công nghệ sinh học để hiểu rõ tiềm năng ngành; sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để chia sẻ câu chuyện thành công, ứng dụng nổi bật của công nghệ sinh học từ đó truyền cảm hứng cho học sinh và phụ huynh".

Với quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, vấn đề nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cần đẩy mạnh giáo dục STEM từ cấp phổ thông bằng cách phát triển chương trình dạy học và đào tạo giáo viên tích hợp. Xây dựng và triển khai các chương trình học tập tích hợp giữa các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) nhằm khơi dậy sự hứng thú và phát triển tư duy khoa học cho học sinh. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp giảng dạy STEM, giúp họ truyền cảm hứng và tri thức cho học sinh.

Tăng cường liên kết giữa giáo dục và doanh nghiệp bằng cách hợp tác với doanh nghiệp công nghệ sinh học và tổ chức các chương trình trải nghiệm thực tế. Tạo cơ chế hợp tác giữa các trường học và doanh nghiệp trong ngành công nghệ sinh học để cung cấp thông tin, tài liệu học tập và cơ hội trải nghiệm cho học sinh. Mời các chuyên gia, nhà khoa học đến trường chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Cải thiện chính sách tuyển sinh và học bổng nhằm tạo động lực cho học sinh. Cung cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho học sinh có thành tích xuất sắc trong các môn khoa học tự nhiên, khuyến khích các em lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Xem xét việc sử dụng kết quả học tập và các hoạt động ngoại khóa liên quan đến khoa học tự nhiên trong quá trình tuyển sinh đại học.

Phát triển chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Đảm bảo chương trình đào tạo đại học và sau đại học về công nghệ sinh học phù hợp với xu hướng phát triển của ngành, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Khuyến khích sinh viên tham gia các chương trình trao đổi, học tập tại các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đảm bảo cơ sở vật chất và nguồn lực về công nghệ sinh học. Tăng cường đầu tư vào phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Cung cấp kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu khoa học, khuyến khích tinh thần sáng tạo và đổi mới.

Đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về ngành công nghệ sinh học. Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng và triển vọng nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hạnh cho biết: "Với chương trình Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, Khoa Công nghệ sinh học đã, đang và sẽ đồng hành với giáo viên và học sinh một số trường trung học phổ thông trong việc hỗ trợ, đẩy mạnh mô hình nghiên cứu khoa học, những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực công nghệ sinh học từ cấp dưới".

Green and Beige Illustrative Biology Folder Label (3).png
Ảnh: vnua.edu.vn. Thiết kế: Hồng Linh.

Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ sinh học

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ sinh học, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nêu quan điểm, cần thay đổi chương trình đào tạo, tích hợp các xu hướng công nghệ mới, cập nhật những tiến bộ trong công nghệ sinh học như công nghệ gen (CRISPR), công nghệ tế bào gốc, trí tuệ nhân tạo (AI) trong sinh học và sản xuất bền vững. Kết hợp công nghệ sinh với các ngành khác như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Ngoài ra, phải tăng tỷ lệ giờ thực hành trong tổng thời gian đào tạo, đồng thời thiết kế các dự án thực tiễn ngay từ năm nhất để sinh viên áp dụng kiến thức sớm hơn. Phát triển mô hình đào tạo "học kỳ doanh nghiệp" để sinh viên tham gia thực tập tại các cơ sở nghiên cứu hoặc doanh nghiệp liên quan.

Trang bị thêm phòng thí nghiệm đạt chuẩn với các thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu như máy giải trình tự gen, hệ thống lên men công nghiệp và công nghệ sinh học tế bào. Đầu tư vào các phòng thí nghiệm chuyên sâu theo từng lĩnh vực như công nghệ sinh học y tế, công nghệ sinh học môi trường, và công nghệ sinh học thực phẩm.

Mời các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo doanh nghiệp đến giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Hợp tác với các viện nghiên cứu và trung tâm công nghệ để đồng tổ chức các khóa học ngắn hạn.

Xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ sinh học cùng doanh nghiệp. Tạo cơ chế "đặt hàng đào tạo" để doanh nghiệp tài trợ học bổng và thực tập cho sinh viên, đồng thời đặt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Năm 2024, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với doanh nghiệp xây dựng 1 phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học trong môi trường với mức đầu tư khoảng gần 2 tỷ đồng.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC. Thiết kế: Hồng Linh.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC. Thiết kế: Hồng Linh.

Bên cạnh một số ý kiến tương đồng trong việc đẩy mạnh đào tạo ngành Công nghệ sinh học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành bổ sung các vấn đề sau:

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề để giảng viên cập nhật tri thức mới và nâng cao năng lực giảng dạy. Hỗ trợ giảng viên tham gia vào các dự án nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đầu tư và cung cấp các máy móc và trang thiết bị nghiên cứu tiên tiến để sinh viên và giảng viên có thể thực hiện các thí nghiệm và nghiên cứu chất lượng cao. Xây dựng không gian học tập và nghiên cứu khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác giữa sinh viên và giảng viên.

Tăng cường hỗ trợ phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, giúp sinh viên định hướng và phát triển năng lực cần thiết cho thị trường lao động. Tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu với các chuyên gia và nhà tuyển dụng, mở rộng mạng lưới quan hệ và cơ hội lựa chọn việc làm.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm trao đổi sinh viên và giảng viên, tham gia dự án và nghiên cứu quốc tế. Khuyến khích chương trình trao đổi với các trường đại học và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao chất lượng đào tạo. Tham gia vào các dự án nghiên cứu và hợp tác quốc tế để nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của ngành.

Hồng Linh