Ngày 21/4, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học với chủ đề “Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.
Tham dự hội thảo có PGS.TS. Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngân hàng Thế giới, các nhà hoạch định chính sách giáo dục từ Trung ương, địa phương, các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia..
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch.
PGS.TS. Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: hcmcpv.org.vn |
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: Các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, làm rõ về tự chủ đại học như hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách về tự chủ đại học, mô hình tự chủ đại học trên thế giới và Việt Nam, đánh giá đổi mới quản trị đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; thảo luận làm rõ về tự chủ tổ chức nhân sự, vai trò của Hội đồng trường; tự chủ về tài chính và các nguồn tài trợ; tự chủ về học thuật và quốc tế hóa giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh…
Tự chủ đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan – Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong gần một thập kỷ qua, vấn đề tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ chỗ các cơ sở giáo dục chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước.
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, Luật số 34/2018/QH14 quy định về cơ cấu tổ chức, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng đại học, Hội đồng trường, Giám đốc đại học, Hiệu trưởng các trường đại học. Luật không quy định chi tiết, cụ thể các cơ cấu bên trong tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường để phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng, định hướng phát triển, công tác quản lý điều hành.
Về nhân sự, cơ chế tự chủ cho phép các trường đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng. Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm chủ động trong công tác tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ tiến sĩ và có năng lực nghiên cứu, đồng thời, sắp xếp, cơ cấu lại và giảm biên chế tuyển dụng các vị trí viên chức, hành chính và người lao động phục vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.
Hiện chỉ có 141/232 cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện tự chủ, 154/170 cơ sở giáo dục đại học đã thành lập Hội đồng trường theo Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (đạt tỷ lệ 90,6%).
Phó Giáo sư Ngô Phương Lan phát biểu về tự chủ đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Một số nguyên nhân của việc chậm thành lập Hội đồng trường được xác định, là do cơ sở giáo dục còn khó khăn về nhân sự, thiếu người đủ tiêu chuẩn làm Chủ tịch Hội đồng trường, chưa đồng thuận trong tập thể lãnh đạo, đảng ủy nhiệm kỳ mới chưa được bầu, hoặc do cơ quan quản lý trực tiếp chưa phê duyệt.
Về phát triển đội ngũ giảng viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ bình quân tại các cơ sở giáo dục đại học tăng từ 25% năm 2018 lên 31% của năm 2021. Cơ cấu nhân sự hỗ trợ giảm xuống nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Tự chủ về tài chính, tài sản: Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, 32,76% trường đại học đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), và 13,79% số lượng trường đã tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2).
Tuy nhiên, theo cơ cấu thu chi cho thấy, do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở giáo dục chủ yếu dành để chi trả cho con người, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn: Cơ sở giáo dục được quyền ban hành, tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với các quy định của pháp luật; Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trừ lĩnh vực quốc phòng và an ninh thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý trực tiếp.
Cơ sở giáo dục quyết định phương thức tổ chức, quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo, xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo phù hợp với quy định về khung trình độ quốc gia Việt Nam, về chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức thực hiện và đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học, thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực hiện quyền tự chủ được nhà nước giao, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao trong các lĩnh vực hoạt động của các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc, bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với năng lực, điều kiện và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị thành viên, đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối, thống nhất và kiểm tra giám sát của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy liên thông, liên kết toàn diện giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung, tạo thêm giá trị gia tăng để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo: Ảnh: Ảnh: hcmcpv.org.vn |
6 kiến nghị về tự chủ đại học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Sau khi nêu lên một số kết quả đã đạt được từ việc tự chủ đại học của các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan đã nêu lên 6 kiến nghị để tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học:
Cần có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện về những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc của các cơ sở giáo dục khi thực hiện quyền tự chủ.
Cần xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục đại học trong mối tương quan tương quan tương đối với hệ thống giáo dục đại học trên thế giới.
Quản lý nhà nước về giáo dục đại học nên thực hiện ở các nội dung có tầm vĩ mô, còn các khâu quản lý và tổ chức thực hiện nên giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động thực hiện.
Các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ, cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất, nhất quán, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực thi quyền tự chủ.
Cần sớm ban hành quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, mối quan hệ giữa Hội đồng đại học với Hội đồng trường, với Đảng ủy và Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu. Bổ sung, hoàn thiện các thiết chế liên quan để phân định hóa, hiện thực hóa vai trò của Hội đồng trường trong các trường đại học.
Cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tự chủ nguồn nhân lực, tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, quản lý sinh viên, tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục, tự chủ trong các chuẩn mực học thuật, tự chủ trong nghiên cứu và giảng dạy, tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường.
Theo Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, các khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau, nếu không được quyền tự chủ trong mặt này thì quyền tự chủ ở các mặt khác không thể phát huy đầy đủ được.
Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời”, hoặc trao quyền tự chủ nhưng vẫn bị “trói buộc” bởi cơ chế.
Đầu tư công cho giáo dục đại học của Việt Nam còn hạn chế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. Ảnh: P.L |
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói rằng, mức đầu tư công cho giáo dục đại học của Việt Nam còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học Việt Nam/GDP giai đoạn năm 2018 – 2020 cho thấy, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học hiện mới chỉ đạt 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, phương thức và định mức phân bổ nguồn lực công cũng có nhiều bất cập, thiếu trọng tâm và trọng điểm, dựa chủ yếu trên các định mức truyền thống mà không căn cứ vào kết quả hoạt động dẫn đến dàn trải, không hiệu quả. Mức chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học nhìn chung còn thấp, có sự phân tán giữa hệ thống giáo dục đại học và các viện nghiên cứu.
Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích cho hoạt động hợp tác đối tác công – tư trong giáo dục đại học cũng như chính sách về học bổng, tín dụng sinh viên có độ phủ thấp, giá trị chưa đủ cao.
Năng lực thực hiện tự chủ của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế. Năng lực thực thi của Hội đồng trường nhiều nơi còn yếu, dẫn đến việc thực hiện chưa hiệu quả việc quyết nghị các chủ trương, định hướng cũng như các hoạt động quản lý, điều hành nhà trường.
Tâm lý e dè, nể nang, ngại va chạm, ngại đổi mới còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý một số cơ sở giáo dục đại học khiến cho quá trình triển khai thực hiện tự chủ thiếu quyết liệt.
Trách nhiệm giải trình, nhất là về chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng cũng như giải trình về hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.