Chuyện "chạy trường, chạy lớp", ở nước ta trong thời gian qua đã được dư luận lên tiếng phê phán, cảnh báo rất nhiều.
Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “chạy trường, chạy lớp” sẽ có ngay 52.200.000 kết quả trong vòng 0.40 giây.
Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên Google - Ảnh Nguyễn Nhật Minh |
Không chỉ phụ huynh học sinh chạy trường, chạy lớp, ngay cả giáo viên cũng tham gia kỳ thi “chạy” này.
Giáo viên “chạy” để được dạy lớp có nhiều học sinh khá giỏi, gia đình có điều kiện, từ đó có thể dễ dàng “vận động” đóng góp, dạy thêm…
Chạy trường, chạy lớp đang khá phổ biến ở khu vực đô thị (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Phụ huynh chạy trường, chạy lớp cho con, vì muốn con em mình được học trường “điểm”, lớp chọn, học với giáo viên giỏi, giáo viên “tốt”, có môi trường giáo dục tốt hơn, cơ sở vật chất “xịn xò” hơn.
Người không có điều kiện thì tìm cách lách luật, như gửi hộ khẩu con mình vào địa phương có trường “xịn xò” xét tuyển, người có điều kiện thì dùng tiền để “chạy”.
Chạy trường, chạy lớp: không có lửa, sao có khói um?
Ngày 04/8/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Phụ huynh "tố" phải góp tiền để chọn GV "tốt", Hiệu trưởng TH Đội Cung nói gì?” của tác giả Trung Dũng.
Bài viết đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của độc giả.
Anh Lê An, một phụ huynh học sinh lớp 2 ở Vũng Tàu chia sẻ “Chuyện chạy lớp, chọn cô giáo “tốt” cho con đã râm ran trong dư luận từ lâu, nhưng không bằng, không cớ.
Phụ huynh “chạy” họ cũng chẳng nhận, nhà trường lại càng không nhận. Nay Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Phụ huynh "tố" phải góp tiền để chọn GV "tốt", Hiệu trưởng TH Đội Cung nói gì?”, chưa đọc bài, tôi cũng dám chắc hiệu trưởng khẳng định không có chuyện đó, nhưng không có lửa làm sao có khói, mà lại là khói um như vậy?”.
Thực tế, chất lượng giáo viên nói chung, ở tiểu học nói riêng, không đồng đều, nên mới có chuyện phụ huynh chọn giáo viên “tốt”.
Với bậc tiểu học, vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp vô cùng quan trọng trong kết quả giáo dục của một học sinh. Vì thế, chuyện chạy lớp diễn ra chủ yếu ở trường tiểu học, còn ở trung học có thi tuyển, ít xảy ra hơn.
Giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học được phụ huynh đánh giá “tốt”, thường được phụ huynh lựa chọn, gửi gắm con mình vào lớp do giáo viên “tốt” chủ nhiệm.
Có giáo viên được phụ huynh đánh giá là giáo viên “tốt”, có 100% phụ huynh lớp 1 trong trường Tiểu học Trần Thị Lý (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chọn con học lớp giáo viên “tốt” chủ nhiệm, cũng đã xảy ra chuyện “Hiệu trưởng bị tố nhận tiền chạy lớp”.[1]
Mong muốn được học trường tốt, giáo viên tốt, là mong ước chính đáng của học sinh, phụ huynh. Ngay bản thân người viết, cũng mong muốn con em mình được học trường tốt, giáo viên tốt.
Nạn “chạy trường, chạy lớp” đã và đang làm xói mòn niềm tin của xã hội vào giáo dục, làm hình ảnh thầy cô giáo trở nên xấu xí, méo mó trong mắt học sinh.
Để xóa “chạy trường” các cơ sở giáo dục cần được đầu tư công bằng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho mọi học sinh.
Cần công khai, minh bạch, quy trình tuyển sinh, danh sách trúng tuyển, áp dụng tuyển sinh xếp lớp trực tuyến.
Thực tế, giáo viên được phụ huynh đánh giá là giáo viên “tốt” có thể không phải là giáo viên dạy giỏi, nhưng rất yêu trẻ, yêu nghề.
Để xóa “chạy lớp”, mỗi giáo viên hãy phấn đấu, biểu hiện rất yêu trẻ, yêu nghề, để được phụ huynh đánh giá là giáo viên tốt.
Để đảm bảo công bằng cho cả người dạy, người học, biên chế lớp cần được công khai, minh bạch, đơn giản nhất là tổ chức bốc thăm chọn lớp.
Phụ huynh học sinh bốc thăm chọn lớp cho con, giáo viên bốc thăm chọn lớp chủ nhiệm, quá trình tổ chức bốc thăm phải được giám sát, minh bạch.
Nếu không giám sát, công khai minh bạch, việc bốc thăm dễ dàng trở thành hình thức, càng làm mất niềm tin của phụ huynh.
Với công nghệ thông tin hiện nay, có thể cho phụ huynh chọn lớp ngẫu nhiên trực tuyến trên phần mềm không khó, đảm bảo công bằng tuyệt đối, tránh được thị phi chạy lớp đầu năm học.
Việc chọn lớp, chọn giáo viên “tốt” hiện nay của một bộ phận phụ huynh cũng là gợi ý thêm một kênh thông tin cho các cơ sở giáo dục trong đánh giá giáo viên cuối năm.
Nên chăng, đánh giá giáo viên cuối năm, ngành giáo dục nên bổ sung thêm tiêu chí “Đánh giá của phụ huynh, học sinh”.
Đánh giá giáo viên cuối năm có tiêu chí “Đánh giá của phụ huynh, học sinh”, chắc chắn giáo viên phải cố gắng trở thành giáo viên tốt trong mắt phụ huynh, học trò.
Tất cả giáo viên rèn luyện, phấn đấu, trở thành giáo viên tốt, nạn chạy trường, chạy lớp, không cần chống cũng biến mất, là giải pháp bền vững của giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/da-nang-hieu-truong-bi-to-nhan-tien-chay-lop-giao-vien-boc-tham-nhan-lop-20171104164605012.htm