Chỉ tiêu bủa vây, mũi dùi dư luận khiến nghề giáo thật sự áp lực

29/10/2023 07:25
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ai công khai tước đi quyền đánh giá học sinh của thầy cô, chỉ là áp lực về chỉ tiêu khiến mỗi giáo viên không dám đánh giá đúng chất lượng học sinh.

“Chỉ tiêu” được hiểu như mức quy định phải đạt tới trong kế hoạch đã đề ra trước đó hay còn là định mức được quy định sẵn. Chỉ tiêu thúc đẩy lòng nhiệt tình, sự cố gắng để thực hiện tốt công việc mang lại hiệu quả cao.

Thế nhưng, không ít nơi, chỉ tiêu được đưa ra ở một định mức cao ngất ngưỡng, vượt quá sức thực hiện dù có nỗ lực, có cố gắng đến mức nào dẫn đến “chỉ tiêu” trở thành nỗi sợ, sự áp lực nặng nề, thậm chí là sự ám ảnh cho những người thực hiện.

Ảnh minh họa trên giaoduc.netẢnh minh họa trên giaoduc.net

Nghề giáo hiện nay là một trong những ngành nghề luôn lấy “chỉ tiêu” làm thước đo. Mải mê chạy theo chỉ tiêu, áp chỉ tiêu vào các kết quả công việc, giáo viên đã mất dần quyền được đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Hàng loạt chỉ tiêu bủa vây

Năm nào cũng vậy, trong các hội nghị đầu năm (hội nghị công đoàn, hội nghị công nhân viên chức) thì hàng loạt các chỉ tiêu giáo dục được đưa ra. Chỉ tiêu luôn cao ngất ngưỡng mà giáo viên thường gọi vui là (chạm đỉnh 100%).

Chỉ tiêu lên lớp thẳng 100%; Chỉ tiêu năng lực phẩm chất: 100%; Chỉ tiêu hoàn thành phổ cập 100%; Chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo 100%; Chỉ tiêu về hạnh kiểm 100% (hạnh kiểm từ loại khá trở lên đối với học sinh trung học)..Ngoài ra còn hàng loạt chỉ tiêu khác như chỉ tiêu về học sinh giỏi, xuất sắc, chỉ tiêu về các giải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia…

Trong khi, chất lượng giáo dục lại phụ thuộc rất lớn đầu vào của học sinh. Thay vì cần khảo sát thực trạng chất lượng học sinh để đưa ra chỉ tiêu phù hợp thì phần lớn người ta chỉ dựa vào chỉ tiêu của năm học trước và áp chỉ tiêu cho năm học sau với tiêu chí chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước.

Ví như năm trước, chỉ tiêu lên lớp thẳng đã đăng ký 98% thì năm sau không được phép đăng ký thấp hơn mà phải luôn ở mức 99% hoặc 100%.

Giáo viên thực hiện việc đánh giá đúng theo năng lực, phẩm chất đạt được thì gần như không có chuyện chỉ tiêu lên lớp thẳng của một trường học (ít thì vài trăm học sinh đến hàng ngàn học sinh) lại đạt được mức 100%.

Giáo viên mất dần quyền được đánh giá đúng học sinh

Không ai công khai tước đi quyền đánh giá học sinh của các nhà giáo. Chỉ là áp lực về chỉ tiêu, tự mỗi giáo viên không dám thể hiện cái quyền trách nhiệm của mình.

Nếu giáo viên đánh giá học sinh theo đúng năng lực thật, thì e rằng cuối năm mỗi lớp học ít nhất cũng có từ 1 đến 2 học sinh ở lại lớp.

Một trường học có khoảng 20 lớp, số học sinh ở lại lớp có khi lên đến nửa trăm. Như thế thì làm sao chỉ tiêu lên lớp thẳng đạt mức 99%, thậm chí 100% như hiện nay?

Giáo viên đánh giá chất lượng giáo dục thật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đua của trường, của bản thân.

Nhà trường sẽ dễ dàng vin vào lý do, thầy cô giảng dạy chưa nhiệt tình, dạy chưa đúng phương pháp, chưa phát huy đúng năng lực phẩm chất của học sinh.

Câu nói giáo viên thường nghe nhất: “Thầy cô dạy dỗ thế nào mà chất lượng như vậy? Cần xem lại cách dạy của mình đi”. Không giáo viên nào sau khi đã nỗ lực giảng dạy hết mình lại bị những câu nói như vậy quy chụp mà an lòng. Thế là, tự mỗi thầy cô sẽ tự tước đi quyền được đánh giá đúng học sinh của mình.

Học sinh không thuộc bài, không dám cho điểm yếu. Có người tự “cấy” điểm khống, có người chỉ bài cho các em học để kiểm tra lại vào tiết học sau, có khi kiểm tra đến vài lần cho đến khi đạt tới điểm trung bình mới thôi.

Học sinh học yếu, không dám để ở lại lớp. Giáo viên sẽ làm đủ mọi cách để các em được lên lớp hợp pháp. Hoặc là, gà bài, mớm đề trước, hoặc là khi kiểm tra cố tình xếp học sinh yếu ngồi gần học sinh giỏi để được giúp đỡ.

Không chỉ du di trong đánh giá học tập mà hạnh kiểm của học sinh giáo viên cũng không thể thẳng tay xếp loại chưa đạt.

Bậc tiểu học, xếp loại về phẩm chất năng lực học sinh gồm 3 mức: Tốt; Đạt; Cần cố gắng.

Bậc trung học hiện hạnh kiểm được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y) sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.

Việc xếp loại hạnh kiểm học sinh liên quan trực tiếp đến việc lên lớp thẳng của các em.

Một học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu hay phẩm chất năng lực cần cố gắng thì phải rèn luyện trong hè hoặc lưu ban. Nếu học sinh lưu ban sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ tiêu thi đua đã ký cam kết. Vì thế, khi xếp loại hạnh kiểm cho học sinh, nhiều thầy cô giáo luôn nhẹ tay, thậm chí tự mình phải du di để nâng lên.

Khi các hình thức kỷ luật dần bị tước bỏ

Nhiều năm về trước, một học sinh vi phạm về đạo đức như bạo lực học đường, vô lễ với giáo viên… có những học sinh chửi thầy cô bằng những ngôn từ tục tĩu, có em còn dùng cả vũ lực thường nhận được hình thức kỷ luật như nêu tên trước lớp, trước cờ, phạt lao động công ích, chép phạt, mức độ nghiêm trọng hơn đình chỉ học có thời hạn.

Tuy nhiên hiện nay, những hình kỷ luật luật nêu trên đã không còn tồn tại. Thậm chí, thầy cô còn không được phép nặng lời khi các em mắc lỗi. Không được nêu tên trước lớp gọi là xúc phạm học sinh. Không được nhắc trong nhóm chung của lớp gọi là bêu xấu, là làm nhục trước đám đông. Giáo viên chỉ được nói lời nhẹ nhàng, nhắc nhở với giọng nhỏ nhẹ…

Nếu nặng lời với các em, lỡ bị quay clip, hay bị phụ huynh tố cáo trên các phương tiện truyền thông thì với bất cứ lý do gì, thầy cô vẫn là người sai trước và nhận hậu quả nặng nề.

Không chỉ bao công sức nỗ lực, phấn đấu trong một năm tan biến, có khi bao cống hiến, hy sinh trong cả quãng đời làm nhà giáo sẽ đứng trước nguy cơ bị “bay màu”.

Chỉ tiêu thi đua bị cột, cùng với biết bao mũi dùi dư luận chĩa vào khi giáo viên sơ sẩy, lập tức sẽ bị bêu rếu lên mạng rồi biết bao người không hiểu chuyện lao vào chửi bới bằng đủ loại ngôn từ. Vì thế, các thầy cô giáo hiện nay không thể mạnh tay xếp loại thẳng theo đúng sự rèn luyện của các em.

Nhiều thầy cô nói, xếp loại học sinh cũng là đang xếp loại cho chính mình. Bởi thế, dù muốn hay không giáo viên luôn phải nương nhẹ.

Khi nhà giáo không dám đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, không dám thẳng tay xếp loại (dù em xứng đáng) đã tạo cho các em sự dựa dẫm, xem nhẹ việc học, việc rèn luyện. Học sinh dần có suy nghĩ, học thế nào cũng được lên lớp, vi phạm thế nào cũng được bỏ qua. Và giáo viên mất dần quyền giảng dạy và giáo dục học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên