LTS: Khi đọc bộ sách Tiếng Việt lớp 1 – chương trình Giáo dục công nghệ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang được phổ cập ở 40 tỉnh thành, tác giả Trần Hương Giang gửi thư tới những người làm trong ngành giáo dục.
Bức thư này, phải nói là chứa nhiều nước mắt và sự lo lắng cao độ cho tương lai của mọi người...
Đến ngày 16/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 1842/CV-NXBGDVN gửi từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tư cách là nhà xuất bản bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại với nội dung nhằm trả lời ý kiến của tác giả Trần Hương Giang.
Sau khi đọc xong công văn, tác giả Trần Hương Giang vẫn chưa thấy được giải đáp những băn khoăn của mình.
Hôm nay, tác giả mạnh dạn gửi thư tới Giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của Giáo sư đang công tác tại Trung tâm Công nghệ giáo dục và GS.TS Vũ Văn Hùng - Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với mong muốn được giải đáp những thông tin nằm trong nội dung Bộ sách.
Để rộng đường dư luận, Tòa soạn đăng tải nguyên văn bức tâm thư này.
Kính gửi: Giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của Giáo sư đang công tác tại Trung tâm Công nghệ giáo dục.
Đồng kính gửi: GS.TS Vũ Văn Hùng - Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Vậy là sau hơn 2 tháng, chính xác là 2 tháng 18 ngày kể từ khi bài viết “Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?” được đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đã nhận được công văn trả lời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vào ngày 16/12/15 , câu trả lời có trong bài viết "NXB Giáo dục trả lời "lo lắng cho tương lai" khi con trẻ học sách GS.Hồ Ngọc Đại"
Trước hết, tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm của các Quý vị tới những bài viết của tôi. Mặc dù rất bận nhưng các Giáo sư của Trung tâm Công nghệ giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dành thời gian để trả lời những thắc mắc của một người dân thì đó quả là một sự ưu ái rất lớn đối với tôi.
Sau khi đọc công văn trả lời của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tôi mạn phép có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về vấn đề “Sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã có một quá trình biên soạn, chỉnh lý, hoàn thiện khá lâu dài.
Trong quá trình này, tác giả không ngừng cập nhật những thành tựu nghiên cứu của mình về việc dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 cũng như tiếp thu ý kiến của người sử dụng.
Thực tế cho thấy việc sử dụng bộ sách này vào việc dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 rất có hiệu quả. Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ trên kết quả thực tế đó đã có văn bản đồng ý cho phép sử dụng bộ sách này trên diện rộng như là một nỗ lực đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông.”
Hình ảnh chụp từ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại xuất bản năm 2014 với bản năm 2015 (Ảnh: Trần Hương Giang) |
Để làm rõ vấn đề này, mời Quý vị dành thời gian đọc thêm bài viết “Giáo viên phản ứng với đoạn văn dạy trẻ lớp 1 trong sách Tiếng Việt” (Báo Infonet.vn)
Tôi xin trích nguyên văn phần trả lời của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có trong bài viết như sau:
“Không có sơ xuất ở bất cứ chỗ nào, tất cả đều có ý đồ, thậm chí ở từng dấu phẩy. Bởi vì cuốn sách dạy cho trẻ con biết cuộc sống hàng ngày, dạy cho trẻ những niềm vui bình thường, có thể có những từ trẻ con không hiểu hết ý nhưng chúng phải đọc được hết.
Điều này giúp trẻ không đọc vẹt. Mục tiêu của tôi đặt ra trong độ tuổi này là giúp trẻ đọc thông viết thạo ngay cả những từ ít được sử dụng chứ không phải trẻ chỉ đọc được những từ quen mắt.
Quyển sách đã được hoàn thiện và đưa vào giảng dạy 35 năm nay nên tôi khẳng định không có chỗ nào là bất hợp lý”.
Vâng tôi tôn trọng mục tiêu và quan điểm của Giáo sư. Nhưng khi mục tiêu của tôi và những vị phụ huynh có cùng quan điểm như tôi khác với Giáo sư thì mâu thuẫn này sẽ phải giải quyết ra sao?
Theo tôi, hãy để những vị phụ huynh nào có cùng mục tiêu với Giáo sư thì học chương trình của Giáo sư. Còn ngược lại, chúng tôi cần phải được tôn trọng phải không thưa Giáo sư?
Hình ảnh chụp từ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại xuất bản năm 2014 với bản năm 2015 (Ảnh: Trần Hương Giang) |
Tôi xin phép được đại diện cho hàng vạn vị phụ huynh trên cả nước có cùng quan điểm như tôi khẳng định rằng: Bộ sách này có nhiều chỗ rất bất hợp lý và không phù hợp với con chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn không muốn con chúng tôi tiếp tục trở thành vật thử nghiệm đối với chương trình này.
Về kết quả thực tế mà Bộ GD&ĐT lấy đó làm căn cứ để cho phép sử dụng bộ sách này trên diện rộng, tôi xin hỏi là Bộ đã tiến hành khảo sát, đánh giá một cách khách quan chưa? Nếu đã làm thì làm từ bao giờ, ở đâu và kết quả cụ thể ra sao?
Còn tôi, tôi đã hỏi những vị phụ huynh có con đang học chương trình này ở trường con tôi đang học, ở khu dân cư tôi đang sống và tại nơi tôi đang làm việc. Họ đều tỏ thái độ không đồng tình với những điều bất hợp lý trong bộ sách.
Ngay cả những giáo viên mà tôi từng trao đổi, họ đều có chung suy nghĩ như vậy, họ cảm thấy mình không được tôn trọng, bị ép phải dạy chứ còn thực tình là họ không muốn nhưng ngại nói ra. Hầu hết những buổi hội thảo, dự giờ thực chất chỉ là những buổi diễn mà thôi.
Hình ảnh chụp từ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại xuất bản năm 2014 với bản năm 2015 (Ảnh: Trần Hương Giang) |
Thứ hai, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Việc xuất bản bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đảm bảo đúng quy trình xuất bản, thực hiện đúng Luật Xuất bản.
Trong những năm gần đây, việc sử dụng bộ sách này của giáo viên và học sinh trên diện rộng ổn định và hiệu quả, không phát sinh vấn đề gì”.
Tôi cho rằng điều này đang mâu thuẫn với thực tế. Sau khi xem bộ sách của chương trình này được in năm 2014, tôi nhận thấy chúng đều mắc những sai sót mà những bài viết trước tôi đã chỉ ra.
Tôi không rõ Luật Xuất bản của Việt Nam có quy định cần phải đính chính khi sách có sai sót không?
Trước đây, thời tôi còn học phổ thông trong mỗi cuốn sách đều có trang dành cho “Lời nói đầu” của tác giả và cuối sách in kèm theo tờ đính chính sửa những lỗi trong sách ghi rất chi tiết dòng nào, trang bao nhiêu.
Mặc dù hồi đó sách được in bằng giấy tối màu chứ không sáng đẹp như bây giờ nhưng điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như sự tôn trọng người đọc của Nhà Xuất bản.
Giờ đây, cầm trong tay những cuốn sách học của con được biên soạn “công phu”, màu sắc bắt mắt mà tôi cảm thấy buồn và thương con vô cùng.
Cho con đi học, chúng tôi đều đóng góp đầy đủ các khoản, sách vở đồ dùng học tập mua theo đúng yêu cầu của nhà trường.
Để làm được điều đó chúng tôi phải đánh đổi bằng sức lao động của mình chứ chúng tôi không đi xin cũng không yêu cầu ai phải rủ lòng thương con chúng tôi. Nhưng đổi lại, chúng tôi được gì? Hay chỉ là thái độ thiếu tôn trọng của những người làm giáo dục.
Phải chăng, các Giáo sư, Tiến sỹ của Trung tâm Công nghệ giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà lại cảm thấy việc nhận lỗi và sửa lỗi là một việc khó khăn đến thế hay sao?
Tại sao các vị không trả lời thẳng thắn những vấn đề đã được đặt ra trong các bài viết của tôi? Hay các lỗi đó quá nhỏ không đáng phải sửa?
Về những nội dung trong văn bản trả lời của Trung tâm Công nghệ giáo dục, quan điểm của tôi đã được nêu rõ trong những bài viết "Mong con "ăn biết nhai, nói biết nghĩ", bà mẹ trẻ gửi tâm thư tới GS.Hồ Ngọc Đại" nên tôi xin phép không nhắc lại ở đây.
Hình ảnh chụp từ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại xuất bản năm 2014 với bản năm 2015 (Ảnh: Trần Hương Giang) |
Tuy nhiên trong mục “8. Dùng nhiều từ địa phương nhưng kỳ vọng thống nhất phát âm trong cả nước” có khẳng định:
“Từ được dùng trong sách rất sống động, được sử dụng phổ biến, rất phổ thông... Giáo sư Hồ Ngọc Đại không chủ trương dạy phương ngữ, nhưng ông rất tôn trọng từ ngữ của từng địa phương ... ”. Tôi thấy ở đây có sự mâu thuẫn.
Nếu Giáo sư “tôn trọng từ ngữ của từng địa phương” bằng cách đưa vào sách để dạy thì sao lại mong muốn làm “nhòa đi phương ngữ”?
Mà đã sử dụng từ ngữ địa phương thì sao lại bảo là “rất phổ thông”? Điều này tôi thực sự không hiểu.
Dù thế nào đi nữa, với trực giác và kinh nghiệm của một người mẹ đã từng lắng nghe để hiểu được tiếng khóc của con mình tôi nhận thấy con tôi không cần phải được dạy để chiếm lĩnh bất cứ những đối tượng nào mà cháu không hấp thu, không hiểu nghĩa, không phù hợp để rồi không biết phải làm gì với những đối tượng ấy. Việc chiếm lĩnh đó là việc làm vô nghĩa (theo quan điểm của riêng tôi).
Cuối cùng tôi xin hỏi các Giáo sư, Tiến sỹ của Trung tâm Công nghệ và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rằng:
Thứ nhất, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chỉnh sửa những sai sót mà tôi đã chỉ ra trong bộ sách cũng như ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước gần 600 nghìn học sinh của năm học này cùng hàng trăm nghìn học sinh của những năm học trước và hàng triệu ông bố bà mẹ.
Chúng tôi đầu tư tiền cho con đi học để con mình đọc nhanh hơn 10 tiếng/phút, viết nhanh hơn 10 tiếng /15 phút so với phương pháp khác (theo nhận định của Trung tâm Công nghệ giáo dục).
So sánh trang bìa hai cuốn sách in năm 2014 và năm 2015 (Ảnh: Trần Hương Giang) |
Và để rồi con chúng tôi nhìn “bánh xe” thì gọi là “vỏ xe”, chỉ vào “xe đạp” nói là “giỏ xe”, thấy “cái thang” thì bảo là “nấc thang”, “qua đường” thì viết thành “cua đường”, “cuộc họp” thì viết thành “quộc họp” ... những từ ngữ thô tục như câu chuyện trong sách, nói những câu lủng củng chẳng lọt tai và đặc biệt là nói xong thì không hiểu mình nói gì.
Trong khi Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã từng khẳng định “khi 5 - 6 tuổi trẻ đã nói rất sõi, rất tinh tế” vậy mà khi vào lớp 1 lại dạy những câu vụng về, những từ thô thiển. Ai sẽ là chịu trách nhiệm trước những tác hại mà chương trình này gây ra đối với con chúng tôi?
Thứ hai, trong quá trình học, khi con tôi hỏi nghĩa của những câu, từ và thắc mắc về những điều bất thường trong sách thì tôi sẽ phải giải thích với con thế nào?
Và đặc biệt là trong học kỳ 2, các cháu sẽ làm quen với bài toán giải. Nếu con tôi không hiểu được nghĩa của những câu, từ trong bài toán thì làm sao cháu giải được thưa các Giáo sư?
Mục tiêu của chương trình này là đọc thông viết thạo tiếng Việt trong môi trường “chân không về nghĩa”.
Còn các môn học khác các cháu sẽ làm thế nào để tiếp thu được nếu không hiểu nghĩa của tiếng Việt.
Nếu giải thích nghĩa cho các cháu thì theo như quan điểm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục chúng tôi sẽ phạm sai lầm là làm “vẩn đục ngữ âm – đối tượng Tiếng, mà không bắt được đối tượng, không thể có Khái niệm. Mà không hình thành được Khái niệm thì không thể có Tư duy. Mà không có Tư duy thì học để làm gì? Tư duy mới là năng lực của việc HỌC”.
Vậy theo các Giáo sư thì tôi sẽ phải làm gì với gần chục quyển sách mà nhà trường bán kèm với sách tiếng Việt? Chúng tôi sẽ phải làm gì để dạy con hiểu các môn học khác ngoài môn tiếng Việt?
Trong bài viết “Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục” Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói rằng:
“Đây mới là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất.
Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm.Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác”.
Về vấn đề này, tôi hoàn toàn nhất trí với Giáo sư và tôi không muốn mình sẽ phạm sai lầm đối với con tôi.
Một lần nữa, tôi rất mong sớm nhận được câu trả lời cũng như những hướng dẫn cụ thể và có trách nhiệm của các Giáo sư, Tiến sỹ về những thắc mắc của tôi để tôi có thể hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ đối với con mình.
Tôi trân trọng cảm ơn.
Người viết: Trần Hương Giang