Cho phép thi lại một kỹ năng IELTS, thí sinh được lợi gì?

14/04/2024 07:06
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo chuyên gia, việc cho phép thi lại 1 kỹ năng IELTS giúp giảm rủi ro về chi phí cho thí sinh khi không đạt điểm tổng, hoặc điểm cấu phần đúng nguyện vọng

Ngày 3 tháng 4 năm 2024, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ra công văn số 587/QLCL – QLVBCC đối với Hội đồng Anh và công văn số 588/QLCL – QLVBCC đối với Tổ chức giáo dục quốc tế IDP Việt Nam để cấp phép tổ chức IELTS One Skill Retake tại Việt Nam. [1], [2]

Như vậy, từ tháng 4/2024, IELTS One Skill Retake - tính năng cho phép thí sinh thi lại một kỹ năng bất kỳ trong cả bốn kỹ năng – Nghe, Nói, Đọc hoặc Viết của bài thi IELTS để cải thiện điểm thi được chính thức mở đăng ký ở Việt Nam.

Nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho rằng, việc cho phép thi lại một kỹ năng giảm rủi ro về chi phí cho thí sinh khi không đạt điểm tổng, hoặc điểm cấu phần đúng nguyện vọng. Việc này sẽ giảm được rất nhiều phí thi lại cho một lượng lớn thí sinh (Ước tính trung bình trên thế giới thí sinh thường phải thi lại ít nhất một lần để đạt các điểm thành phần cũng như điểm cấu phần theo mong muốn. Khảo sát dữ liệu từ các trung tâm đào tạo IELTS ở Việt Nam cũng chỉ ra điều tương tự).

Bên cạnh đó, việc cho phép thi lại một kỹ năng sẽ giải quyết được vấn đề về nguồn lực tài chính khi phí thi lại kỹ năng thấp hơn phí thi lại toàn bộ kỳ thi; chi phí cơ hội về thời gian cũng sẽ giảm xuống đáng kể.

Trên thực tế, có thể thấy rằng, kỹ năng yếu nhất của thí sinh Việt Nam khi thi IELTS được đánh giá là kỹ năng sản sinh ngôn ngữ: Nói và Viết. Đặc biệt kỹ năng Viết là điểm yếu của nhiều học sinh đã nói tốt. Việc kỹ năng Viết nằm ở cuối format của kỳ thi cũng ảnh hưởng tới điểm thi do đó là thời điểm thí sinh đã bắt đầu cảm thấy mệt sau khi làm 2 kỹ năng trước đó.

3ac1098b-97c1-41f2-be25-a8ff385738e1-e160221334316420240128143051-17122211077911500849666.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Cũng theo thầy Tâm, những kỳ thi chuẩn hóa của các tổ chức khảo thí Hoa Kỳ vốn nổi tiếng là khó khăn vì việc quản trị thời gian, sức khỏe để hoàn thành một kỳ thi dài thời gian cũng là một yếu tố để đánh giá thí sinh. Chính vì vậy, dự đoán là chính sách này sẽ giúp thí sinh nâng điểm tổng lên một cách đáng kể khi có thể lựa chọn một kỹ năng để tập trung ôn luyện thi lại.

Với việc cho phép thi lại một kĩ năng IELTS, cô Nguyễn Quỳnh Trang - nguyên Phó Trưởng bộ môn chất lượng cao Khoa Sư phạm Tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra một số những lợi ích tiềm năng dành cho các bạn thí sinh.

Thứ nhất, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây chính là điểm mạnh nhất của việc này, bởi, thay vì phải thi lại toàn bộ bài thi lần thứ hai, từ nay, thí sinh có thể thi lại kỹ năng còn yếu, giúp tiết kiệm thời gian ôn luyện và chi phí thi cử.

Thứ hai, giúp cải thiện bảng điểm cho những thí sinh “Học tài thi phận”, trên thực tế, có rất nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến điểm số của thí sinh như thiếu ngủ, căng thẳng quá mức hay muộn giờ làm ảnh hưởng tâm lý khi tham gia thi, .... Do vậy, bài thi lại một kỹ năng này sẽ là giải pháp “cứu cánh”, giúp nâng bảng điểm cho thí sinh.

Thứ ba, giảm áp lực và rủi ro của thi cử. Khi chỉ cần thi lại một kỹ năng, thí sinh sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn, giảm bớt áp lực thi cử so với việc làm một bài thi đủ 4 kỹ năng. Đồng thời, với nhiều trường hợp, có một số kỹ năng thí sinh có thể đạt điểm cao hơn bình thường nên sẽ có xu hướng không muốn thi lại kỹ năng đó để bảo toàn số điểm.

Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now, hiện tại mới có công văn cấp phép cho việc tổ chức thi lại một kỹ năng này nhưng chưa biết các cơ sở giáo dục có chấp nhận chứng chỉ IELTS có kỹ năng thi lại này hay không.

Nếu việc này được các cơ sở giáo dục chấp nhận rộng rãi tất nhiên sẽ tốt và tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho thí sinh. Bởi từ trước đến nay, khi điểm thi IELTS có điểm số không như mong muốn (thường có đúng sai 0.5), thường thí sinh sẽ lựa chọn phúc khảo, sau khi phúc khảo nếu lên được điểm thì tốt, còn không lên được điểm sẽ phải thi lại toàn bộ 4 kỹ năng, gây tốn thời gian.

Trong khi đó, với việc cho phép này, thí sinh chỉ cần thi một kỹ năng duy nhất nên không cần phải ôn luyện đầy đủ cả 4 kỹ năng mà chỉ cần tập trung vào một kỹ năng duy nhất nên sẽ có tính ôn tập trung cao, dễ đạt kết quả mong muốn.

Tuy nhiên, thầy Nguyên cũng bày tỏ băn khoăn rằng, nếu không được chấp nhận bởi các cơ sở, tổ chức giáo dục thì việc cho phép thi lại một kỹ năng như vậy có thực sự tiết kiệm hay không và chi phí cho một lần thi lại như vậy cũng hơi cao.

Cũng theo thầy Nguyên, điểm hạn chế của vấn đề này là điểm mới được cập nhập bên cạnh điểm cũ thay vì xóa hẳn điểm cũ, điều này làm cho chứng chỉ của các thí sinh không được “đẹp”.

Có thể tạo nên sự bất công cho các thí sinh không có cơ hội thi lại

Thầy Ngô Huy Tâm cũng chỉ ra mặt trái của việc thí sinh được phép thi lại một kỹ năng IELTS. Theo thầy Tâm, việc cho thi lại kỹ năng đơn lẻ như vậy sẽ làm giảm tính cạnh tranh của kỳ thi. Hơn nữa, việc này sẽ thúc đẩy thị trường IELTS tăng trưởng mạnh hơn, song song với đó là càng ngày sẽ càng có nhiều trường sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển đầu vào. Vậy nên, nếu chứng chỉ ngoại ngữ nội như VSTEP không phát triển mạnh, thực sự IELTS sẽ gần như là độc tôn ở vị trí chứng chỉ phổ biến nhất.

Mặt khác, với chất lượng đầu vào đại học sẽ cần nâng tiêu chuẩn của thang điểm IELTS. Nếu trước nay chúng ta rất khó đạt được 9.0 IELTS thì với chính sách này, số thí sinh đạt 9.0 cũng sẽ gia tăng nhiều hơn, các thang điểm khác cũng dự báo sẽ tăng lên về số lượng. Tuy nhiên, việc cơ quan chủ quản có tăng độ khó cho kỳ thi hay không còn bỏ ngỏ.

IMG_3513.JPG
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Còn theo cô Nguyễn Quỳnh Trang, vấn đề này có thể gây ra một số hạn chế khi khuyến khích tâm lý chủ quan, học để thi. Khi biết mình có cơ hội thi lại một kỹ năng, nhiều thí sinh sẽ có tâm lý bỏ bê một kỹ năng để học ba kỹ năng còn lại. Điều này xuất phát từ tâm lý “học để thi” thay vì mong muốn thực sự cải thiện, nâng cao trình độ tiếng Anh toàn diện của mình.

Bên cạnh đó còn tạo thêm áp lực cho thí sinh. Mặc dù chỉ cần thi lại một kỹ năng, tuy nhiên việc học và tiếp tục luyện thi lại, đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp sẽ làm cho thí sinh thêm áp lực, mệt mỏi và cũng tốn thêm chi phí cho chính gia đình và thí sinh.

Việc được phép thi lại một kỹ năng như vậy cũng gia tăng thêm tính cạnh tranh. Khi mọi thí sinh đều có cơ hội nâng thang điểm của mình lên, điều kiện nhận vào các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải nâng cao và khắt khe hơn nếu vẫn lấy tổng điểm 4 kỹ năng làm tiêu chuẩn. Điều này đồng thời sẽ tạo nên sự bất công cho các thí sinh không có cơ hội thi lại (do điều kiện tài chính hay các lí do khác).

Cũng theo cô Quỳnh Trang, bất lợi lớn nhất của việc thi lại một kỹ năng IELTS này chính là sử dụng IELTS để xét tuyển đầu vào đại học khiến sự chính xác của việc đánh giá khả năng Tiếng Anh bị giảm xuống.

Bởi, có thể nhiều thí sinh sẽ nghĩ tới “chiến thuật” học tủ ba kỹ năng và để một kỹ năng lại, việc đánh giá kỹ năng thực sự của thí sinh sẽ bị giảm xuống. Lý do là việc thi lại chỉ một kỹ năng sẽ giúp thí sinh tăng thang điểm kỹ năng đó nhanh chóng trong thời gian ngắn thay vì là sự tích lũy, nâng cao năng lực thực sự trong thời gian dài hạn.

Điều này sẽ tạo nên khó khăn với nhiều nhà trường, cơ sở giáo dục trong việc đánh giá năng lực tiếng Anh thực sự cho học sinh, sinh viên và thí sinh khi sử dụng chứng chỉ này xét tuyển đầu vào và xét đầu ra.

Hơn nữa, việc tạo cơ hội cho các thí sinh cải thiện cũng sẽ tạo áp lực cho chính những thí sinh đó vì khi điểm trung bình của tất cả thí sinh tăng lên, yêu cầu vào các trường đại học trong và ngoài nước tất yếu cũng phải nâng lên. Từ đó, chính những thí sinh, học sinh tham gia thi sẽ phải chịu nhiều áp lực thi cử hơn, nhất là thí sinh chỉ đủ điều kiện và nguồn lực để thi một lần duy nhất.

Ngoài ra, cô Quỳnh Trang cũng đưa ra lưu ý cho thí sinh rằng, bài thi này chỉ cho phép thí sinh thi lại chỉ một kỹ năng, do đó nếu thiếu luyện tập chỉ một điểm thành phần tốt sẽ khó cải thiện điểm cả bảng điểm được (theo lí thuyết phải tăng một thang điểm của một kỹ năng mới bằng 0.25 điểm tổng điểm trung bình của bài thi IELTS).

Mặt khác, với mức lệ phí IELTS One Skill Retake là 2,940,000 đồng, bằng 60% chi phí thi IELTS 4 kỹ năng thông thường, theo cá nhân cô Quỳnh Trang, lệ phí thi như vậy là tương đối phù hợp khi chúng ta cân nhắc những lợi ích có được so với việc phải làm lại một bài thi đủ cả 4 kỹ năng. Tất nhiên, nếu thí sinh có thể thi một lần đạt được ngay lập tức số điểm IELTS như mục tiêu đặt ra sẽ là tối ưu nhất về chi phí và sức lực nhất.

Được biết, IELTS One Skill Retake là một tính năng mới được thiết kế giúp các thí sinh đạt điểm thi IELTS mong muốn mà không cần tham gia thi lại toàn bộ bài thi và dù chọn thi lại kỹ năng nào, lệ phí thi cũng đều như nhau.

Thí sinh có thể đăng ký thi lại IELTS trong vòng 60 ngày sau khi đã nhận kết quả ở lần thi đầu tiên. Sau khi hoàn thành bài thi lại, thí sinh sẽ nhận được bảng điểm (Test result form) thứ hai với điểm số mới. Thời gian nhận bảng điểm mới này là từ 3-5 ngày, theo các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS.

IELTS One Skill Retake hiện đã có mặt hơn 60 quốc gia trên thế giới như Úc, Campuchia, Hồng Kông, Ấn Độ, Malaysia, Nepal, New Zealand, Oman và Philippines,… và dự kiến tính năng này sẽ được ra mắt trên toàn thế giới trong năm nay.

Hiện, tại Việt Nam, bài thi IELTS được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để xét miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh. Không những vậy, nhiều trường đại học cũng dùng IELTS để xét tuyển đầu vào, bằng cách quy đổi theo thang điểm riêng rồi kết hợp với điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm thi đánh giá năng lực.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.britishcouncil.vn/thi/ielts/one-skill-retake

[2]: https://ielts.idp.com/vietnam/about/ielts-one-skill-retake

Tường San