Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

13/11/2023 14:18
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa có chuyến thăm, làm việc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo và giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc có ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc.

Trước khi bước vào buổi làm việc chính thức, tại Không gian truyền thống của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh của nhà trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã thực hiện nghi thức dâng hoa.

Từ những giá trị được hình thành trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 65 năm, các thế hệ sinh viên của trường luôn tiếp nối truyền thống tốt đẹp, sáng ngời của học sinh, sinh viên Việt Nam, chính là truyền thống yêu nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức dâng hoa (ảnh: V.D)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức dâng hoa (ảnh: V.D)

Dịp này, Chủ tịch nước đã trồng tặng nhà trường một cây mai vàng, được đưa đến từ quê hương Vĩnh Long của ông.

Chủ tịch nước cũng đến thăm khoa Triết học, thăm sinh viên khoa Báo chí và truyền thông của trường.

Chủ tịch nước thăm sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông của nhà trường (ảnh: V.D)

Chủ tịch nước thăm sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông của nhà trường (ảnh: V.D)

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhà trường được thành lập từ năm 1957, với tiền thân là Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 34 ngành bậc đại học, 34 ngành bậc thạc sĩ, 18 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ trong 7 lĩnh vực, với quy mô hơn 17.000 sinh viên và học viên.

Ở khu vực phía Nam, nhà trường là đơn vị đầu tiên mở các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới như: Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học.

Nhà trường là nơi quy tụ của nhiều nhà khoa học, nhà giáo ưu tú và sinh viên giỏi. Đến nay, nhà trường đã đào tạo cho xã hội hơn 80.000 cử nhân khoa học, hơn 6.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Theo Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, nhà trường còn là nơi hội tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, thu hút sinh viên và học viên đến từ hơn 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến học tập và nghiên cứu.

Hợp tác quốc tế cũng là một trong những điểm mạnh của nhà trường, Cho tới nay, trường đã có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới.

Kiến nghị với nhà nước, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan nêu: Cần có sự quan tâm kịp thời đối với các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là các ngành khoa học ở lĩnh vực xã hội.

Nếu không có sự quan tâm kịp thời, những ngành khoa học cơ bản có nguy cơ bị tụt hậu trước cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho các ngành cơ bản trong tương lai.

Ngoài ra, để đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận giáo dục đại học, nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp để sinh viên được tiếp cận với giáo dục đại học.

Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan còn mong nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt hơn, để thầy cô giáo, giảng viên yên tâm công tác, có điều kiện cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Đến thăm, làm việc với nhà trường nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, nhà trường đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao, lớn nhất khu vực phía Nam của đất nước, quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.

Trường đã thu hút, đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên tài năng. Nhiều cựu sinh viên của nhà trường nay đã thành danh trong nhiều lĩnh vực, có đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước. Phần lớn sinh viên là những người ưu tú, có hoài bão, cống hiến, năng động, sáng tạo.

Trong giảng dạy, nghiên cứu và phụng sự xã hội, nhà trường đã có nhiều bước đột phá để đưa khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của trường được đón nhận, đánh giá cao, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương, vùng và đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: V.D)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: V.D)

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác sinh viên và văn hóa đại học được chú trọng, triển khai thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Nhà trường luôn nằm trong nhóm đầu các trường có phong trào thanh niên, sinh viên xuất sắc của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Qua nghe báo cáo của nhà trường, Chủ tịch nước nhận thấy trường đã xác định được mục tiêu, phương hướng và định vị tầm vóc của mình trong tương lai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rất vui mừng về điều đó, và chia sẻ thêm 4 điều để trường nghiên cứu thêm:

Một là, kiên trì đổi mới tư duy, hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Thứ hai, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Tiếp tục chú trọng hướng mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế, thu hút nhiều kết quả trong đào tạo cán bộ, giảng viên, sinh viên cũng như trong liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác nghiên cứu với các đối tác học thuật quan trọng, tiếp nhận, đối thoại, đóng góp và áp dụng những khung lý thuyết mới, phương pháp mới, cách tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phục vụ xã hội.

Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên, để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, có kỹ năng tư duy học tập suốt đời, khơi dậy khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân, góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao, tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô tự nghiên cứu, học tập, trau dồi và phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, có trình độ cao, có năng lực sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có cơ chế để thu hút cán bộ và các nhà khoa học giỏi ở trong và ngoài nước về làm việc tại trường. Khuyến khích, động viên cán bộ tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, làm việc có ý thức trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc, giữ gìn đạo đức liêm chính trong khoa học.

Việt Dũng