Chuẩn bị năm học mới, Quảng Trị kiến nghị xây thêm nhà công vụ cho giáo viên

29/08/2023 06:41
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị kiến nghị có thêm nhà công vụ cho giáo viên vùng khó để các thầy cô yên tâm công tác

Trước thềm năm học mới 2023 – 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị có kiến nghị với cơ quan chức năng hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên vùng khó yên tâm công tác.

Trước thềm năm học 2023 – 2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị về những khó khăn, phương án khắc phục trong quá trình chuẩn bị năm học mới.

Còn khó khăn về đội ngũ và chất lượng

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các đơn vị, trường học đã chú trọng, triển khai tốt việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Trẻ 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ 99,98% và học 2 buổi/ngày đạt tỉ lệ100%. Tỉ lệ học 2 buổi/ngày của cấp tiểu học đạt 95,6%; huy động học sinh vào lớp 1 đạt tỉ lệ 99,97.

Tổng số trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ 96,09%. Tổng số thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề đạt tỉ lệ 92,94%. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt 97,03%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ghi nhận những đóng góp, Sở Giáo dục và Đào tạo được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Đặc biệt, ngành đã phối hợp với Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Hội nghị làm việc của Đoàn công tác Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tỉnh Quảng Trị đạt hiệu quả.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị - Đơn vị Cụm trưởng đã ban hành kế hoạch, tổ chức các hoạt động trong Cụm hiệu quả và tổ chức thành công Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 Cụm thi đua số 6.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị)

Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị)

Bên cạnh những thành tựu tiêu biểu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà, bà Lê Thị Hương cũng đã có chia sẻ nhiều khó khăn của Quảng Trị trước thềm năm học mới.

Theo đó, về đội ngũ giáo viên tại Quảng Trị, ở một số nơi chưa đồng bộ về cơ cấu và vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

Ở một số môn học, giáo viên chưa được đào tạo hoặc còn thiếu giáo viên để dạy học như: Giáo viên Tin học, Ngoại ngữ (cấp tiểu học); giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (cấp trung học cơ sở); giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật (cấp trung học phổ thông); hầu hết các trường mầm non trong toàn tỉnh đều không có thầy cô dạy thay khi giáo viên bận công việc.

Việc tích hợp các môn cấp trung học cơ sở còn tạo ra khó khăn trong việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Việc tổ chức dạy học Hoạt động trải nghiệm còn lúng túng, thiếu khoa học. Ở một số trường học, công tác bồi dưỡng thường xuyên chưa thực sự hiệu quả, chưa thể hiện rõ việc áp dụng các nội dung bồi dưỡng vào trong các hoạt động dạy học; một số trường học lựa chọn chuyên đề và tổ chức sinh hoạt chưa phù hợp và chưa thực sự hỗ trợ giáo viên tháo gỡ khó khăn trong dạy học.

Cũng theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, hiện tại tỉnh này vẫn còn tình trạng chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền và các môn học, trong đó chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số còn chênh lệch với học sinh vùng thuận lợi.

Chất lượng giáo dục đại trà của một số môn học còn thấp. Công tác phân luồng học sinh sau trung học trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Hoạt động của nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hiện nay gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý giáo dục học sinh còn thiếu chặt chẽ.

Tình trạng học sinh vi phạm nền nếp, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Một số địa bàn vùng biên giới và đô thị có nguy cơ ma túy xâm nhập vào học đường...

Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nhiều trường học thiếu phòng học, phòng bộ môn, thư viện, thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị phòng học bộ môn; tỷ lệ nhà vệ sinh và nước sạch chưa đạt chuẩn còn cao.

Công tác mua sắm thiết bị dạy học còn gặp khó khăn, quy trình thủ tục đấu thầu kéo dài, các danh mục thiết bị dạy học có những điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện nên cung cấp cho các trường học chưa kịp thời, gây khó khăn trong tổ chức dạy và học theo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tuy có nâng lên nhưng chất lượng giáo dục ở một số đơn vị chưa xứng tầm, khai thác chưa hiệu quả cơ sở vật chất, thiếu quan tâm bổ sung trang thiết bị và đầu tư chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục.

Một số trường học còn thiếu quỹ đất để xây dựng các hạng mục công trình trường học và làm sân chơi, bãi tập cho học sinh, nhất là các trường thuộc thành phố Đông Hà và các huyện miền núi. Nhiều trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đến thời điểm công nhận lại không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Kiến nghị hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên

Trên cơ sở khó khăn, tồn tại, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định nhiều phương hướng khắc phục.

Về phương hướng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, ngành sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu các cấp của tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách địa phương phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời ưu tiên phân bổ nguồn lực của Nhà nước để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả về “Chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung các nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho giáo viên và học sinh đáp ứng hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực; ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Quan tâm, chăm lo công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đội ngũ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, có khả năng thích ứng với sự thay đổi; chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo. Kiến tạo môi trường làm việc, môi trường sư phạm thân thiện để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để giáo viên luôn phát huy được năng lực chuyên môn, đam mê, yêu nghề, mến trẻ; hạn chế thấp nhất và không để xảy ra tình trạng giáo viên bỏ nghề.

Trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan chức năng.

Nhà công vụ cho giáo viên miền núi ở Quảng Trị còn khó khăn, thiếu thốn, bất cập. Ảnh: LC

Nhà công vụ cho giáo viên miền núi ở Quảng Trị còn khó khăn, thiếu thốn, bất cập. Ảnh: LC

Trong đó, Quảng Trị kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục mầm non mới; phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, điểm trường chính của trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn hầu hết là con em người dân tộc thiểu số, giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng được hỗ trợ chính sách.

Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở điểm trường chính của trường mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chính phủ xây dựng chế độ cải cách tiền lương, các chính sách cho đội ngũ nhà giáo và sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non theo đặc thù công việc của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Với lý do, giáo viên mầm non thực hiện 03 nhiệm vụ: nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ với thời gian 40 giờ/tuần và mức lương giáo viên mầm non thấp so với cấp học khác.

Ngoài ra, đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quảng Trị kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai Dự án kết nối nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục thuộc các huyện khó khăn, trong đó có huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

"Hiện nay nhiều giáo viên công tác tại các trường vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng chưa có nhà công vụ để ổn định, an tâm công tác. Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây nhà công vụ cho giáo viên", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị kiến nghị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Bộ Nội vụ về việc giao biên chế cho các địa phương hàng năm đảm bảo đủ định mức để thực hiện nhiệm vụ được giao tại các cơ sở giáo dục trong đó cũng cần quan tâm đến các vị trí nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ, cô nuôi… Đồng thời việc thực hiện giảm biên chế cũng phải tính đến đặc thù của ngành Giáo dục và thực tiễn của các địa phương.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, trước thềm năm học mới, các trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có sự chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng bước vào năm học 2023 – 2024 với nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ về mục tiêu và kỳ vọng của năm học 2023 – 2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết

Để giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt kết quả tốt trong năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Quảng Trị đã xác định 09 nội dung trong phương hướng, mục tiêu chung và 14 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện hiệu quả trong năm học 2023 - 2024; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học.

Rà soát quy hoạch và sắp xếp lại quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục nhằm giảm các điểm lẻ không phù hợp.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ và tăng cường các hoạt động xây dựng xã hội học tập.

Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thực hiện chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa đối với các cơ sở giáo dục.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Quảng Trị xác định chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Trần Phương