Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, áp dụng công nghệ số trong học tập và giảng dạy đã đạt được những thành công bước đầu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học ở tỉnh Quảng Trị đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.
Nhân dịp xuân Nhâm Dần, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị về việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn.
Phóng viên: Thưa Giám đốc, trong thời gian qua, khi dịch Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị có kế hoạch giảng dạy, học tập như thế nào để chủ động ứng phó với tình hình mới?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Trong thời gian qua, khi dịch Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể tổ chức hoạt động giáo dục chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch Covid - 19 diễn biến trên địa bàn theo các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn trong đó có Công văn số 1978/SGDĐT-GDTrH-GDTX về việc tổ chức dạy học ứng phó với tình hình dịch Covid - 19, thiên tai đối với học sinh trung học từ năm học 2021-2022, theo đó, ngành giáo dục và đào tạo đã xác định 2 hình thức chủ yếu là dạy học qua internet và dạy học qua truyền hình, yêu cầu:
Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid - 19 và phòng chống thiên tai, vừa chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhằm cung cấp kiến thức cho học sinh, hoàn thành chương trình năm học và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Các cơ sở giáo dục xây dựng cụ thể kịch bản dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh để chủ động triển khai thực hiện trong mọi tình huống diễn ra của dịch bệnh và thiên tai, không để việc học tập của học sinh bị gián đoạn.
Tiến sĩ Lê Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị |
Phóng viên: Điều gì giúp ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị luôn chủ động trong việc dạy và học để ứng phó với dịch bệnh Covid - 19 cũng như thiên tai?
Tiến sĩ Lê Thị Hương:: Dịch bệnh đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với quốc gia, toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo. Thực tế ở Quảng Trị, trong những điều kiện gian khó, sự chủ động của các thầy cô giáo và các em học sinh đã thực hiện tốt mục tiêu kép.
Dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng học sinh ở Quảng Trị chỉ dừng đến trường chứ không dừng học đã chứng minh, với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tất cả thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đã ứng phó với từng đợt dịch bùng phát trên địa bàn bằng sự sáng tạo không ngừng.
Đặc biệt trong khó khăn, nhưng với sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, các địa phương và toàn ngành giáo dục, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả.
Để có được sự chủ động như vậy, những năm trước đây, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia để nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức nhiều lớp tập huấn về các phần mềm và phương pháp thiết kế, soạn bài giảng E-Learning cho giáo viên các cấp học theo từng môn học, ngành học.
Đồng thời ngành cũng đã có nhiều tài khoa học về lĩnh vực công nghệ thông tin được học sinh thực hiện để tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, cuộc thi sáng tạo trẻ… cấp tỉnh và cấp quốc gia đạt giải cao. Một số giáo viên đã tích cực tham gia diễn đàn giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin và gửi bài giảng E-Learning dự thi toàn quốc và đã có 3 giáo viên lọt vào top 50 sản phẩm xuất sắc trong toàn quốc...
Trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị cho thấy, giáo viên được tiếp cận nhiều phần mềm phục vụ trong soạn giảng, tổ chức nhiều buổi hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học…Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học đã đem lại hiệu quả cao trong dạy học, giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo và khả năng tìm tòi khám phá tri thức, giúp học sinh định hướng và phát triển năng lực bản thân tốt.
Từ việc giáo viên tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học đã tác động lớn đến thái độ và tư duy học tập của học sinh. Nhiều học sinh đã hình thành kỹ năng sử dụng công nghệ thông như phương tiện để hỗ trợ học tập và nghiên cứu, giúp các em đạt được những kết quả tốt trong học tập và sáng tạo.
Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin ở Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. |
Do vậy, có thể nói Quảng Trị đã có sự chuẩn bị tốt để sẵn sàng chuyển đổi số và chủ động ứng phó khi dịch Covid - 19 có những diễn biến phức tạp và thiên tai, dịch họa bất ngờ.
Phóng viên: Tiến sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phương pháp dạy học được ngành giáo dục cũng như các trường ở Quảng Trị đã thực hiện như thế nào?
Tiến sĩ Lê Thị Hương:: Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã xác định rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu lớn của ngành.
Vì vậy, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng các phần mềm và phương pháp thiết kế, soạn bài giảng E-Learning cho giáo viên các cấp học theo từng môn học, ngành học.
Cung cấp cho giáo viên nhiều phần mềm phục vụ trong soạn giảng, tổ chức nhiều buổi hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học… phát động phong trào thiết kế bài giảng điện tử, tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning do Bộ tổ chức, tạo môi trường thuận lợi để giáo viên toàn ngành có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Thông qua hội đồng bộ môn đã yêu cầu mỗi giáo viên, tổ bộ môn xây dựng được các tư liệu dạy học bao gồm các bài giảng điện tử, bài giảng R-Learning, các thí nghiệm ảo, các bộ câu hỏi theo hướng phát huy năng lực học sinh… để đưa lên thư viện học liệu của ngành.
Hầu hết giáo viên trung học phổ thông và trung học cơ sở, giáo viên tiểu học đã có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học vững vàng, ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành phương tiện không thể thiếu trong các tiết lên lớp hằng ngày của mỗi giáo viên, nhiều giáo viên đã thực hiện 100% các giờ dạy có ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học đã đem lại hiệu quả cao trong dạy học, giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo và khả năng tìm tòi khám phá tri thức, tăng tương tác giữa thầy - trò ở trong và ngoài lớp học, giúp học sinh tham gia tích cực, chủ động hơn vào quá trình học tập, thúc đẩy học sinh tự học, khai thác sử dụng các kho học liệu mở và phần mềm miễn phí sẵn có. Nhiều học sinh đã hình thành kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin như phương tiện để hỗ trợ học tập và nghiên cứu, giúp các em đạt được những kết quả tốt trong học tập và sáng tạo
Phóng viên: Đối với một tỉnh còn khó khăn như Quảng Trị, việc chuyển đổi số trong giáo dục gặp những thuận lợi và khó khăn nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Lê Thị Hương:: Mặc dù là một tỉnh nghèo, còn khó khăn như Quảng Trị, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị với sự quyết tâm vào cuộc của toàn ngành, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đã tích cực tham mưu, huy động các nguồn lực để thực hiện chuyển số trong toàn ngành giáo dục và đào tạo.
Khai thác và phát huy hiệu quả tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin hiện có, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, chương trình hỗ trợ cho giáo dục, chủ trương thuê cơ sở hạ tầng viễn thông và dịch vụ công nghệ, hợp tác công tư đối với các hạ tầng có nguồn đầu tư lớn như: thuê dịch vụ máy chủ để giảm kinh phí đầu tư, một số dịch vụ dùng chung toàn ngành…
Hội thảo về Đề án chuyển đổi số và Giáo dục thông minh của ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. |
Xác định cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành là nền tảng cơ bản, là “trái tim” của chuyển đổi số nên ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã tiên phong trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành của tỉnh từ việc đồng bộ dữ liệu từ các phần mềm quản lý nhà trường cung cấp miễn phí. Nhờ đó đã giảm được nhiều chi phí đầu tư và thời gian hoàn thành.
Cơ sở dữ liệu ngành đã cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, chính xác được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, phục vụ công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ ra quyết định của các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục, góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo. Đến nay, ngành đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý.
Trong đó, có gần 400 trường học mầm non, phổ thông; gần 13.000 học sinh được số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...; hơn 14.000 giáo viên được số hóa hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương... Ngoài ra còn số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy - học ngoại ngữ.
Ngành đã huy động nguồn nhân lực hiện có của ngành để tiến hành số hóa toàn bộ hồ sơ dữ liệu lưu trữ về kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 1974 đến nay, giúp cho công tác quản lý dữ liệu số được an toàn bền vững; giúp cho việc tìm kiếm, tra cứu, xác minh…văn bằng chứng chỉ của người dân được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị có nguồn nhân lực công nghệ thông tin đam mê, tâm huyết và trách nhiệm, đã quy tụ được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành có trình độ công nghệ thông tin từ Sở, các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học tâm huyết, tích cực sẵn sàng thực hiện chuyển số trong ngành giáo dục và đào tạo.
Hiện Quảng Trị có hơn 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ công nghệ thông tin từ đại học trở lên (trong đó có nhiều thạc sĩ).
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đứng trước nhiều khó khăn, rào cản. Hạ tầng mạng và các thiết bị sử dụng đầu cuối còn thiếu thốn và chưa đồng bộ tại nhiều trường học, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phóng viên: Đặc thù điều kiện về cơ sở vật chất giữa vùng thành thị và miền núi ở Quảng Trị có sự chênh lệch khá lớn, vậy ngành giáo dục đã khắc phục như thế nào?
Tiến sĩ Lê Thị Hương:: Ở các vùng khó, đặc biệt là hai huyện Đakrông và Hướng Hóa điều kiện người dân còn nghèo, tỉ lệ học sinh có máy tính hoặc có điện thoại thông minh phục vụ học tập là rất thấp, vì vậy ngành hết sức quan tâm các đơn vị vùng khó.
Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã chỉ đạo thực hiện đa dạng hoá huy động nguồn lực để tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông và các đối tác khác kết nối mạng giáo dục đến các đơn vị trường học, cung cấp miễn phí hạ tầng viễn thông ở các trường vùng khó. Các nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các chương trình hỗ trợ giáo dục… Ngành đều ưu tiên dành cho các đơn vị vùng khó.
Vì vậy hiện nay 100% đơn vị trường học đã có internet, cơ bản có máy tính để phục vụ công việc và học tập.
Tuy nhiên còn nhiều điểm trường lẻ ở các vùng cao vẫn chưa có kết nối internet và máy tính phục vụ học tập, các đơn vị này được hỗ trợ các thiết bị phát sóng 3G, 4G để kết nối.
Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi các tổ chức chung tay hỗ trợ máy tính cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở các vùng khó có điều kiện để học tập.
Hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới công tác quản lý và dạy học của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. |
Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã tiếp nhận được gần 40 tỷ đồng và hơn 3.000 máy tỉnh bảng từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tài trợ để trao tặng cho học sinh nghèo không có thiết bị học tập trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã lập danh sách các trường/điểm trường chưa có internet gửi Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ sóng internet. Tiến hành khảo sát chất lượng sóng ở các đơn vị trường học để phối hợp với các đơn vị viễn thông nâng cấp hạ tầng viễn thông và chất lượng sóng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học.
Phóng viên: Từ thực tiễn của mình, ngành giáo dục Quảng Trị có những giải pháp và kiến nghị nào đối với các cấp, các ngành để hỗ trợ chuyển đổi số?
Tiến sĩ Lê Thị Hương:: Từ thực tiễn chuyển đổi số, ngành giáo dục có những giải pháp và kiến nghị đối với các cấp, các ngành để hỗ trợ chuyển đổi số như sau:
Về giải pháp của ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị:
- Khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quản lý thông tin tốt nghiệp; tích hợp các phần mềm, các hệ thống thông tin quản lý hiện có của ngành lên cổng thông tin điện tử; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu của ngành với các ban ngành trong tỉnh.
- Triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở giáo dục; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử; tích cực triển khai các giải pháp tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
- Mở rộng triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến trong toàn ngành thêm đến nhiều điểm cầu; triển khai hội họp, hội nghị, chuyên đề trực tuyến; dạy học trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá; tiếp tục bổ sung và đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống ngân hàng câu hỏi, kho học liệu số, kho bài giảng e-Learning trong toàn ngành.
- Xây dựng nền tảng dạy học trực tuyến và kiểm tra đánh giá trực tuyến của ngành.
- Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Về đề xuất kiến nghị:
- Để chuyển đổi số thành công, cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật số đáp ứng với yêu cầu phát triển;
- Thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đặc biệt các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...;
- Tăng cường về cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Cấn có sự thống nhất, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các tổ chức, đơn vị.
- Khi xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin cần có sự thống nhất, liên kết, chia sẻ dữ liệu và kế thừa các hệ thống đã có.
- Phát triển toàn diện, đồng bộ về: Chuyển đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm triển khai; Cơ chế, chính sách; Phát triển hạ tầng kỹ thuật số; Phát triển dữ liệu số; Phát triển nền tảng số; Phát triển nguồn nhân lực số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
* Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cung cấp