Đề án "thí điểm đào tạo song bằng" tại 7 trường trung học cơ sở công lập ở Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đang tồn tại nhiều bất cập, mâu thuẫn chính sách.
Để có cái nhìn đa chiều về đề án thí điểm này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ? |
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Oanh ca ngợi chương trình song bằng là cơ hội cho học sinh Hà Nội được tiếp cận, học tập từ "kho kiến thức nhân loại ngay tại Việt Nam".
Hơn nữa, học sinh học chương trình song bằng sẽ được Hội đồng khảo thí quốc tế Cambride cấp bằng có giá trị suốt đời.
Trước đó có ý kiến cho rằng chương trình thí điểm đào tạo học song bằng có thể "vỡ trận" bởi học sinh học cùng một lúc hai chương trình là quá nặng, đáng chú ý một chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Về việc này, bà Lê Thị Oanh cho hay:
“Hai chương trình học khác biệt, GCSE cho học sinh bản địa, học sinh Anh Quốc. Bởi vậy, học sinh Việt Nam không theo được vì muốn theo chương trình học này cần có nền tảng.
Còn chương trình học IGCSE được thiết kế cho quốc tế. Tức là ai cũng có thể tiếp cận, học được. Lý thuyết của chương trình học này rất hay, một kho kiến thức, dữ liệu của nhân loại.
Ai cũng có thể sử dụng được, nhưng trên cơ sở phù hợp với năng lực, mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của từng nước.
Học đến đâu thi đến đó, đơn vị đánh giá độc lập của quốc tế sẽ cho phép người học thi ở bất cứ trình độ nào. Hơn nữa, chứng chỉ đó có giá trị suốt đời”.
Bà Lê Thị Oanh nhấn mạnh:
“Đây là chương trình họ thiết kế cho học sinh quốc tế chứ không phải cho người bản địa. Nước nào cũng có thể học được”.
Nguy cơ tham nhũng chính sách trong giáo dục Thủ đô từ thí điểm song bằng |
Chúng tôi đặt câu hỏi với Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam:
Vậy việc học sinh tham gia thí điểm đào tạo song bằng, phụ huynh và học sinh bỏ tiền bạc và thời gian, nhà trường cam kết chất lượng như thế nào với họ?
Bà Lê Thị Oanh cho biết:
“Cambrigde có yêu cầu rất khắt khe, học sinh phải có bao nhiêu giờ thì đạt, hàng loạt các tiêu chí mới được dự thi. Giáo viên dạy chương trình đó cũng phải có chứng chỉ của Cambridge.
Bởi như thế giáo viên mới hiểu được chương trình, hiểu được triết lý, hiểu được cách tiếp cận của chương trình thì mới vận hành được.
Đối với chương trình của Cambridge họ yêu cầu anh học từng này giờ anh phải đạt được trình độ như thế này, còn không đạt được thì họ không cho học tiếp.
Đó là giá trị của bản quyền vì anh nằm trong hệ thống của tôi, nếu anh không đạt yêu cầu tôi có thể dừng anh bất kỳ lúc nào. Đó chính là cam kết chất lượng.
Hội đồng khảo thí Cambridge có thể dừng học đối với học sinh không đạt bất cứ lúc nào.
Họ kiểm tra, kiểm soát luôn cả quá trình đào tạo chứ không chỉ đầu vào và đầu ra. Ngay cả trong quá trình vận hành quản lý nếu không đạt yêu cầu của họ thì họ cũng có thể dừng”.
Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam ở cả hai khối là trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ảnh: Vũ Phương. |
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho thí điểm, học sinh và phụ huynh đã được tìm hiểu về chương trình thí điểm đào tạo song bằng như thế nào, bà Lê Thị Oanh cho biết thêm:
"Trường tổ chức 5 buổi thảo luận, tư vấn tuyển sinh trước khi các con bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp song bằng.
Nhà trường đã thông tin đầy đủ, chi tiết về giáo viên, chương trình, học phí, kết quả đầu ra để phụ huynh và học sinh nắm rõ trước khi quyết định.
Phụ huynh các con có thời gian thảo luận và dự thi tiếp vòng cuối cùng. Khi đã là thành viên của Trường, các con sẽ hoạt động theo lộ trình như hiểu về giáo viên, chương trình, sách học và những khó khăn.
Chứng chỉ các con được cấp sẽ ghi rõ gồm những môn gì. Đến thời điểm này nếu phụ huynh và các con thấy không phù hợp vẫn có thể không theo học."
Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP và trước đó là Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các trường phổ thông công lập không được phép liên kết đào tạo với các tổ chức nước ngoài.
Chúng tôi đặt câu hỏi, cụ thể như Trường Hà Nội – Amsterdam không thuộc diện được liên kết, hợp tác đào tạo với Hội đồng Khảo thí quốc tế Cambridge, chương trình song bằng đang "thí điểm" có trái quy định tại 2 Nghị định nói trên?
"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau |
Bà Lê Thị Oanh khẳng định:
“Trường Hà Nội – Amsterdam không liên kết với Cambridge mà chỉ là áp dụng chế độ thỉnh giảng đối với giáo viên”.
Trường Hà Nội – Amsterdam không liên kết với Cambridge thì đơn vị nào cấp bằng? Mối quan hệ giữa Hà Nội – Amsterdam với Cambridge là gì?
Bà Lê Thị Oanh lý giải:
“Mình phải thỏa mãn hàng loạt các tiêu chí mà Cambridge đưa ra. Đây cũng là yêu cầu chung trên toàn thế giới”.
Như vậy mối quan hệ giữa Trường và Cambridge có được xem là hợp tác đào tạo về giáo dục giữa hai bên?
Bà Lê Thị Oanh nhấn mạnh:
“Đây là hội nhập quốc tế, không phải hợp tác, mà đó là một sân chơi chung mà ai cũng có thể vào được với điều kiện đủ tiêu chuẩn. Đây là chương trình toàn cầu hóa, mình đáp ứng được họ sẽ cấp cho mình chứng nhận được công nhận trên toàn cầu.
Như Trường Hà Nội – Amsterdam, khu vực tiếng Pháp, giáo viên có chứng chỉ dạy tiếng Pháp sẽ được cấp một cái label (danh hiệu), cái label đó sẽ nằm trong số 200 label được công nhận toàn cầu.
Nghĩa là quyền lợi của trường mình và 200 trường trên toàn cầu là giống nhau. Quyền lợi của giáo viên sẽ là dạy ở đây hoặc dạy ở bất kỳ trường nào trong số 200 trường trên”.
Như vậy có hay không việc Trường Hà Nội – Amsterdam sử dụng dịch vụ khảo thí, chương trình, sách giáo khoa và nhận được sự giám sát, hỗ trợ quá trình đào tạo, quản lý của Cambridge?
Bà Lê Thị Oanh trả lời rằng:
“Đó là một tổ chức giáo dục quốc tế, họ tuân theo luật của quốc tế, để đạt được mục tiêu thì họ yêu cầu các thành viên phải thỏa mãn tất cả các tiêu chí. Trường Hà Nội – Amsterdam cũng là thành viên và phải thỏa mãn các tiêu chí đó.
Cambridge và Trường Hà Nội – Amsterdam cũng không hợp tác. Trường nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì vào. Đăng ký được sử dụng chương trình, sử dụng hệ thống chương trình độc lập chuẩn quốc tế”.
"Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội |
Vấn đề được dư luận quan tâm chính là việc nhiều trường tại Hà Nội tham gia thí điểm đào tạo song bằng phải thuê một đơn vị trung gian đứng ra tư vấn để tuyển giáo viên nước ngoài.
Cách làm này có đảm bảo thu chi tài chính công khai và minh bạch? Thu chi tài chính của các lớp song bằng dựa trên nguyên tắc nào? Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có hướng dẫn nào về việc thu chi tài chính các lớp song bằng hay không?
Bà Lê Thị Oanh cho biết:
“Học phí chương trình song bằng Cambridge đối với học sinh trung học cơ sở là 5,6 triệu đồng/tháng, còn đối với khối trung học phổ thông là 7,5 triệu đồng/tháng.
Trường chi trực triếp cho giáo viên và định mức không quá 90 đô la Mỹ/giờ. Học phí chỉ trả nhiều khoản như giáo trình, giáo viên; tiếp đó là chi cho phí bản quyền.
Trường Hà Nội – Amsterdam trực tiếp tuyển giáo viên mà không thông qua đơn vị trung gian nào”.
Để dư luận yên tâm về việc nhà trường trực tiếp tuyển dụng và quản lý giáo viên nước ngoài chứ không qua doanh nghiệp trung gian như lời Hiệu trưởng Lê Thị Oanh khẳng định, chúng tôi đã đề nghị nhà trường cung cấp đề án “thí điểm đào tạo song bằng”.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Oanh từ chối cung cấp đề án thí điểm song bằng của Trường Hà Nội – Amsterdam. Bà Oanh khẳng định:
“Trường làm kế hoạch sau đó nộp lên Sở. Sở sẽ tổng hợp và ra đề án chung trình lên thành phố. Trường nộp lên Sở và Sở giữ, trường không giữ”.
Nếu nhà trường nói không có đề án, thì nhà trường căn cứ vào đâu để thực hiện chương trình đào tạo song bằng, căn cứ vào đâu để tuyển sinh?
Bà Lê Thị Oanh trả lời rằng:
“Trường thực hiện theo chỉ đạo của Sở bằng lộ trình, cam kết thực hiện từng thời điểm."