Có bao nhiêu GV nhận xét học sinh theo yêu cầu cần đạt trong chương trình mới?

24/01/2024 06:36
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới, không có các nội dung: Học còn yếu, chưa cố gắng trong học tập; Chăm ngoan...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Theo đó, Thông tư 22 quy định 2 hình thức đánh giá là bằng nhận xét và bằng điểm số. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét, ngoài ý kiến chính của giáo viên, còn có sự tham gia phối hợp của phụ huynh, và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học trò. Cả đánh giá bằng nhận xét và điểm số đều được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ.

Tuy nhiên, khác với các Thông tư quy định về đánh giá học sinh trung học trước đây, Thông tư 22 cho phép một số môn chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét.

Cụ thể, các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt.

Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 và phải làm tròn đến chữ số thập phân thứ nhất nếu điểm là số nguyên hoặc số thập phân. [1]

Tính đến nay, trung học cơ sở đang thực hiện Thông tư Số 22/2021/TT-BGDĐT ở lớp 6, 7, 8; trung học phổ thông thực hiện ở lớp 10, 11.

Ảnh chụp nhận xét của giáo viên trong phần mềm quản lý.

Ảnh chụp nhận xét của giáo viên trong phần mềm quản lý.

Mục đích của việc đánh giá theo Thông tư 22 là xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập; cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp.[1]

Ảnh chụp một số yêu cầu cần đạt của môn Toán lớp 6 trong chương trình mới

Ảnh chụp một số yêu cầu cần đạt của môn Toán lớp 6 trong chương trình mới

Mẫu nhận xét học sinh vẫn motip cũ

Người viết đã tìm hiểu việc giáo viên nhận xét, đánh giá học sinh ở một số cơ sở giáo dục, thấy nổi lên một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nội dung giáo viên nhận xét đánh giá chưa thực hiện đúng mục đích của Thông tư 22.

Ví dụ, môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Nội dung giáo dục địa phương … ở lớp 6 trong yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới, không có các nội dung: Học còn yếu, chưa cố gắng trong học tập; Chăm ngoan, có ý thức học tập tốt; Có cố gắng trong học tập; Chậm cần cố gắng trong học tập; Học yếu chưa cố gắng; [2] … Theo khảo sát, tìm hiểu của người viết, những nội dung này được nhiều giáo viên ghi trong nhận xét cuối kì, cuối năm cho học sinh

Thứ hai, với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số, phần lớn giáo viên nhận xét theo khung điểm, các học sinh có cùng khung điểm có nhận xét hoàn toàn giống nhau, hoặc tương tự nhau, chỉ khác biệt rất nhỏ.

Ví dụ, học sinh có điểm trung bình dưới 5,0, có chung nhận xét “Học còn yếu, chưa cố gắng trong học tập”; học sinh điểm trung bình trên 8.0, có chung nhận xét “Chăm ngoan, có ý thức học tập tốt” …

Học sinh có cùng khung điểm có nhận xét hoàn toàn giống nhau, đã nói lên một thực tế, nhận xét của giáo viên chỉ mang tính hình thức, không phản ánh đúng mục đích đánh giá cũng như không vì sự tiến bộ của người học.

Một đồng nghiệp chia sẻ: “Tôi dạy môn Toán của 4 lớp 6, mỗi lớp hơn 40 học sinh, tên học sinh còn chả nhớ hết chứ chưa nói đến nhớ em nào chưa đạt yêu cầu nào, mức độ nào.

Kiểm tra cuối kì xong, chỉ chấm bài trong 3 ngày, sau đó phải nhập điểm, nhận xét cho kịp, nếu không sẽ bị khóa hệ thống, nhận xét cuối kì, cuối năm chỉ có thể căn cứ vào điểm trung bình. Nên chuyện "cắt dán" nhận xét cũng không phải hiếm. Không phải giáo viên nào cũng đối chiếu được yêu cụ thể về năng lực như mô tả của chương trình.

Giáo viên vào điểm, nhận xét chậm, đúng giờ hệ thống bị khóa. Giáo viên lại phải làm giải trình lý do, mới được mở lại, đồng nghĩa thi đua của giáo viên đó bị ảnh hưởng, nên giáo viên cũng áp lực lắm”.

Giải pháp nào giúp giáo viên thực hiện đánh giá đúng mục đích của Thông tư 22?

Theo lý thuyết, giáo viên nếu đánh giá học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới, các em sẽ biết nội dung nào mình đã đạt, nội dung nào mình chưa đạt, mức độ đạt như thế nào, từ đó biết bổ sung kiến thức, kĩ năng, nâng cao chất lượng học tập, giúp học sinh tiến bộ.

Đánh giá học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới cũng giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp cho từng học sinh, cho từng lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Qua thực tế, người viết đề xuất một số giải pháp để triển khai nội dung trên thực chất hơn:

Thứ nhất, lãnh đạo nhà trường phải quán triệt nội dung đánh giá học sinh cho giáo viên bộ môn, đánh giá phải theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới.

Thứ hai, các cơ sở giáo dục nên gia hạn thời gian chấm bài; thời gian vào điểm, nhận xét trên phần mềm quản lý.

Các cơ sở giáo dục giới hạn thời gian nhập số liệu trên phần mềm quản lý để lấy số liệu làm báo cáo kịp thời. Tuy nhiên, nhận xét không ảnh hưởng đến chất lượng, số liệu thống kê. Cấp trên có thể sử dụng số liệu dù giáo viên chưa nhận xét xong.

Thứ ba, với giáo viên, cần xác định rõ yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới của bộ môn, từ đó làm ma trận, ra đề bám sát yêu cầu cần đạt.

Khi chấm bài, cho điểm chi tiết vào bài, dựa trên điểm chi tiết sẽ dễ dàng thấy rõ kết quả của mỗi học sinh với từng nội dung yêu cầu cần đạt, từ đó có nhận xét chính xác cho mỗi học sinh.

Việc nhận xét theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới của bộ môn sẽ tốn nhiều công sức của giáo viên, nhưng hiệu quả đến đâu thì bản thân người viết là giáo viên cũng chưa rõ.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch khảo sát thực tế tác dụng giáo dục của việc nhận xét theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình mới của bộ môn, để có điều chỉnh phù hợp, làm sao để quy định đi vào thực tiễn cuộc sống, tránh tình trạng giáo viên nhận xét mang tính hình thức.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7488

[2]https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDT/Attachments/1540/5.%20Mon%20Toan%20ban%20ngay%2026%204.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường