Cô gái Yên Bái chia sẻ hành trình giành học bổng toàn phần ở "xứ sở bạch dương"

20/06/2023 06:49
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau khi chiến thắng tại kỳ thi Olympic tiếng Nga, Tạ Nhật Vinh đã xuất sắc giành được học bổng du học toàn phần tại “xứ sở bạch dương”.

Tạ Nhật Vinh (sinh năm 2002, quê Yên Bái) hiện đang là du học sinh tại Đại học Sư phạm Quốc gia Nga mang tên A.I.Herzen. Sau một năm rưỡi sinh sống và học tập ở nước ngoài, Nhật Vinh từ cô con gái út được cả nhà bao bọc nay đã tự lập và trưởng thành hơn nhiều.

Nữ sinh cho biết, ngày học phổ thông chỉ nghĩ mình học tốt môn Toán, nhưng ngày thi đại học Vinh lại bất ngờ khi thấy điểm ngoại ngữ của mình cũng không phải thấp.

Không giống với các bạn ở các thành phố được làm quen và học tiếng Anh từ sớm, năm lớp 4, Nhật Vinh mới có cơ hội được học tiếng Anh. Ngoài giờ học trên lớp, em tự mày mò, học hỏi thêm về ngôn ngữ.

Nhật Vinh chia sẻ: "Có lẽ là do bản thân có năng khiếu nên em học khá nhanh. Kiến thức ngoại ngữ như tiếng Anh em tiếp thu tốt và nhớ lâu. Em cũng thường xuyên ôn tập, sử dụng ngoại ngữ, hàng ngày trau dồi thêm để không bị quên kiến thức".

Sau khi chiến thắng tại kỳ thi Olympic tiếng Nga, Tạ Nhật Vinh đã xuất sắc giành được học bổng du học toàn phần tại Nga. (Ảnh: NVCC).

Sau khi chiến thắng tại kỳ thi Olympic tiếng Nga, Tạ Nhật Vinh đã xuất sắc giành được học bổng du học toàn phần tại Nga. (Ảnh: NVCC).

Tốt nghiệp lớp 12, trước khi trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nhật Vinh đã dành thời gian tìm hiểu về các khoa của trường.

Trong đó, em vô cùng ấn tượng với ngôn ngữ Nga. Với suy nghĩ lúc bấy giờ, Vinh cho rằng ngôn ngữ mới này sẽ cho em thêm nhiều cơ hội trải nghiệm, được làm nhiều công việc mới mẻ, thú vị hơn các ngôn ngữ khác.

Ngoài ra, Nga còn là một đất nước thân thiện, có mối quan hệ bền vững với Việt Nam cũng là điều khiến Vinh cảm thấy hứng thú để tìm hiểu về con người, văn hóa quốc gia này. Nhật Vinh sau đó trở thành sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga của trường.

"Bản thân em từ nhỏ đến khi học đại học chỉ có suy nghĩ mong muốn được ở gần gia đình, bố mẹ, học hành rồi có một công việc ổn định. Vốn là con út nên cũng được bố mẹ và anh trai cưng chiều, bao bọc nên từ đầu cũng không có ý định đi du học. Tuy nhiên, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi khi em bắt đầu tìm hiểu và học tiếng Nga", Nhật Vinh tâm sự.

Khi vào trường học, nữ sinh được các giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết với ngành học ngôn ngữ. Vinh thú nhận, bản thân cũng có sẵn tính tò mò, thích tìm hiểu về văn hóa, con người nên rất hào hứng khi được tìm hiểu về kiến thức mới tại trường.

Dần dà, Vinh biết tới kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tổ chức. Theo đó, nếu có được giải thưởng cao của kỳ thi, sinh viên sẽ có cơ hội nhận được học bổng du học của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga.

"Ngay lập tức trong khoảnh khắc em đọc được dòng thông tin đó, em xác định sẽ nắm bắt bằng được cơ hội, giành học bổng để thực hiện chuyến du học tại Nga trong 5 năm", nữ sinh nhớ lại.

Nhật Vinh trải nghiệm nhiều hoạt động tại Đại học Sư phạm Quốc gia Nga mang tên A.I.Herzen cũng những người bạn mới. (Ảnh: NVCC).

Nhật Vinh trải nghiệm nhiều hoạt động tại Đại học Sư phạm Quốc gia Nga mang tên A.I.Herzen cũng những người bạn mới. (Ảnh: NVCC).

Theo chia sẻ của Vinh, năm học đó, sinh viên chỉ cần xét học bạ cũng sẽ có cơ hội du học. Tuy nhận được cơ hội dễ dàng, Nhật Vinh vẫn lựa chọn tham gia kỳ thi Olympic tiếng Anh.

Vinh cho biết nếu có giải cao ở kỳ thi, cơ hội được nhận học bổng sang Nga du học là 100% và khả năng được chọn trường bản thân mong muốn sẽ cao hơn rất nhiều so với sinh viên chỉ xét học bạ.

Hành trình học tập, ôn luyện và tham gia thi kỳ Olympic tiếng Nga đối với Nhật Vinh là một kỷ niệm đặc biệt và khó quên nhất.

Nữ sinh bộc bạch: "Với những người lần đầu tiếp xúc với tiếng Nga như em, giai đoạn đầu gặp rất nhiều thử thách và khó khăn. Em sẽ phải học và chủ động tự học rất nhiều".

Vinh phân tích, bảng chữ cái tiếng Nga có nguồn gốc từ bảng Cyrillic chứ không phải Latin, vì vậy có nhiều sự khác biệt về cách đọc, cách viết và có nhiều chữ cái mới so với tiếng Anh.

Ngoài ra, tiếng Nga không phổ biến ở nhiều quốc gia, điều này cũng khiến cho việc tìm kiếm tài liệu học tập khó khăn hơn rất nhiều.

Ngoài sự tự thân, Vinh nhận được sự hỗ trợ, giảng dạy rất nhiệt tình từ giảng viên trong quá trình học tập và ôn luyện. Điều đặc biệt hơn là Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga đã tạo ra sân chơi với sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

Theo nữ sinh chia sẻ, em sẽ được tham gia thi với những bạn có cùng trình độ và thời gian học tiếng Nga chứ không phải thi với người đã học từ lâu.

Thời điểm Vinh và các bạn tham gia kỳ thi Olympic tiếng Nga là thời điểm dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nên đã bị muộn hơn kế hoạch rất nhiều. Lịch thi cũng chỉ được báo trước có vài ngày. Tính từ thời gian bắt đầu học đến kỳ thi Nhật Vinh mới chỉ có 5 tháng học ngôn ngữ mới này.

Vinh kể: "Lúc đó em còn đang học quân sự ở Hòa Lạc, không có nhiều thời gian để ở trường ôn luyện. Thú thật em cũng có chút e ngại nhưng các cô đã động viên, tin tưởng chúng em có thể làm được".

Nhóm thi của Nhật Vinh chỉ được các giảng viên dặn dò, ôn luyện lại kiến thức đúng 1 tối trước khi bước vào kỳ thi. Khối lượng kiến thức vận dụng hoàn toàn được sinh viên tích lũy trong suốt 5 tháng được thầy cô giảng dạy.

Tạ Nhật Vinh đã xuất sắc giành được giải Nhất của kỳ thi Olympic tiếng Nga và ẵm trọn "tấm vé vàng" học bổng 100% sang Nga du học. (Ảnh: NVCC).

Tạ Nhật Vinh đã xuất sắc giành được giải Nhất của kỳ thi Olympic tiếng Nga và ẵm trọn "tấm vé vàng" học bổng 100% sang Nga du học. (Ảnh: NVCC).

Buổi sáng Vinh hoàn thành bài thi Nghe, buổi chiều tham gia thi Nói và vấn đáp với giám khảo người Nga và người Việt Nam. "Buổi sáng sau khi thi xong chúng em nhận được kết quả đủ điều kiện đi tiếp, em vỡ òa trong niềm vui và nhanh chóng chuẩn bị cho bài thi Nói".

Đây cũng là phần thi khiến Vinh lo lắng, hồi hộp nhất. Do phải ngồi đối thoại trực tiếp nên không có quá nhiều thời gian để suy nghĩ, buộc sinh viên phải tư duy và trình bày nhanh, logic và thuyết phục nhất.

Bài thi Nói gồm giới thiệu bản thân, giám khảo và thí sinh sẽ cùng bàn luận về 1 vấn đề, miêu tả một bức tranh bất kỳ và hai câu hỏi về đất nước Nga.

Trong hai câu hỏi cuối, có một phần nằm ngoài sự hiểu biết của Vinh. Khi đó, bằng một thái độ cầu tiến, tâm lý bình tĩnh nữ sinh đã trả lời ban giám khảo với đại ý: "Phần kiến thức này em chưa được biết và tìm hiểu đến. Nhưng nếu có cơ hội được đặt chân đến nước Nga chắc chắn em sẽ dành thời gian để học hỏi, trau dồi nhiều hơn".

Theo Vinh, câu trả lời này đã phần nào giúp em ghi điểm với ban giám khảo trong trường hợp gặp phải một câu hỏi khó, chưa có kiến thức để trả lời một cách thuyết phục.

Nhớ lại cảm giác sau khi hoàn thành xong bài thi, Nhật Vinh cho biết: "Vì quá hồi hộp nên em không thể nhớ mình đã nói những gì, em chỉ biết đã vận dụng tất cả kiến thức để đưa vào bài nói. Thậm chí em đã nói được những từ, những câu mà trước đây em không thể phát âm".

Bằng sự quyết tâm, tự tin và tinh thần cầu tiến của mình, Tạ Nhật Vinh đã xuất sắc giành được giải Nhất của kỳ thi và ẵm trọn học bổng toàn phần sang Nga du học.

Để đưa đến quyết định đi du học là một thử thách, trở ngại không chỉ với Vinh mà còn với gia đình em. Khi Vinh đã cầm trên tay tấm vé sang Nga du học, thay vì vui mừng bố mẹ và anh trai lại khá buồn và có ý giữ em ở lại Việt Nam.

Để thuyết phục gia đình, Nhật Vinh đã khá chật vật, em hiểu tâm ý của bố mẹ không muốn con gái phải bươn chải nơi đất khách quê người. Cuối cùng, bằng sự quyết tâm và chân thành, Vinh đã nhận được cái gật đầu, vỗ vai động viên từ bố mẹ.

Cuối tháng 12 năm 2021, Nhật Vinh đáp chuyến bay đến Nga để bắt đầu hành trình của một du học sinh.

Nhắc đến lý do lựa chọn Đại học Sư phạm Quốc gia Nga để du học, nữ sinh cho biết bản thân vốn rất yêu thích thành phố Saint-Petersburg - nơi được mệnh danh là thành phố yên bình.

Trường A.I.Herzen đã được em chọn làm nguyện vọng 1. Qua việc tìm hiểu trên mạng, đọc review của các thế hệ trước, Vinh nhận thấy đây là ngôi trường có lịch sử phát triển lâu đời và chất lượng đào tạo tốt về chuyên ngành ngôn ngữ mình theo đuổi.

Theo chia sẻ của nữ sinh, học bổng toàn phần em nhận được là học bổng do hai nhà nước Việt Nam và Nga ký kết. Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ trợ cấp vé máy bay 2 chiều từ Việt Nam sang Nga và trở lại sau khi đã hoàn thành xong 5 năm du học.

Ngoài ra, Vinh còn được nhận 420 đô la Mỹ/tháng (tương đương khoảng hơn 9 triệu đồng) để sinh hoạt và được chi trả toàn bộ tiền bảo hiểm, làm visa.

Về phía Chính phủ Nga, Nhật Vinh được miễn 100% học phí trong 5 năm du học. Hàng tháng tùy theo trường và năng lực học tập nữ sinh sẽ nhận được thêm từ 30-50 đô la Mỹ để hỗ trợ học tập.

Nữ sinh thừa nhận, thời gian mới sang Nga có cảm giác chơi vơi, nhớ nhà, thậm chí có lúc muốn buông xuôi.

Tuy nhiên, suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua, Nhật Vinh nghĩ đến hành trình giành được cơ hội du học và cả tương lai rộng mở. Nữ sinh biến những tủi thân, khó khăn trở thành động lực để bản thân phấn đấu tiến bộ hàng ngày.

Chia sẻ với các bạn học sinh có chung mơ ước đến “xứ sở Bạch Dương” du học, Nhật Vinh cho biết điều đầu tiên cần chuẩn bị một tinh thần thật vững vàng để đối mặt với khó khăn bước đầu.

Về kiến thức, cần phải ý thức tự trau dồi hàng ngày và có sự tự tin nhất định vào năng lực của bản thân. Bật mí về cách học ngoại ngữ, nữ sinh chia sẻ cần sự chủ động, liên tục học thêm kiến thức và sử dụng ngôn ngữ mới như một thói quen.

"Để học tốt ngoại ngữ em không chỉ học về cách nói, ngữ pháp mà em tìm hiểu cả về văn hóa. Bởi theo em ngôn ngữ và văn hóa luôn đi đôi với nhau. Khi mình tìm hiểu về 2 điều đó mình như được biết về một bầu trời kiến thức mới và em học cách yêu ngôn ngữ", Nhật Vinh nói.

Hiện tại, Vinh vừa kết thúc 1 năm học tiếng Nga trước khi chính thức bước vào năm học. Dù đã có kiến thức cơ bản, nữ sinh vẫn tham gia học để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Tuy bắt đầu kỳ học trễ hơn các bạn cùng trang lứa, Vinh vẫn cảm thấy việc học là cần thiết để có thời gian làm quen với cuộc sống, văn hóa, môi trường học tập ở Nga.

Theo góc nhìn của Vinh, môi trường học tập ở hai nước đối với ngành Ngôn ngữ học tương đối giống nhau. Thông thường, lớp Ngôn ngữ học không có quá nhiều sinh viên nên Vinh và sinh viên đều nhận được sự chỉ dẫn tận tình, tỉ mỉ, nhiệt huyết từ giảng viên.

Trong thời gian tới, mục tiêu ngắn của của nữ sinh là đảm bảo kiến thức để tốt nghiệp ra trường. Sau đó, có thể Vinh sẽ ở lại Nga xin học bổng học lên thạc sĩ hoặc về Việt Nam để kiếm việc làm.

Nhật Vinh chia sẻ dự định của bản thân là khi học xong sẽ về nước với mong muốn tìm công việc đúng với chuyên ngành và liên quan đến tiếng Nga: phiên dịch, hướng dẫn viên,... để ổn định cuộc sống và gần gia đình.

Phương Nga