Cô giáo đam mê sáng tạo để lớp học không còn giới hạn bởi bốn bức tường

13/05/2018 08:11
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là động lực để cô Tô Thị Như Quỳnh sáng tạo, nghiên cứu khoa học và may mắn là một trong năm giáo viên Việt Nam được tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu.

Trở về từ Diễn dàn giáo dục toàn cầu tại Singapore, cô Tô Thị Như Quỳnh lại tiếp tục với công việc thường nhật của một giáo viên Vật lí tại trường Trung học Phổ thông Số 3 Thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Chuyến đi tiếp tục hun đúc đam mê truyền cảm hứng sáng tạo, nghiên cứu khoa học tới học sinh, đồng nghiệp của cô.

Là một giáo viên trung học phổ thông nhưng cô Quỳnh đã có trong tay nhiều thành tích giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học mà nhiều đồng nghiệp mơ ước.

Đam mê mang điều mới mẻ, tiến bộ tới học sinh

Điều gì khiến một giáo viên đang công tác ở một tỉnh địa đầu Tổ Quốc, nơi vẫn có những học sinh dân tộc thiểu số, sáng đến lớp, chiều về làm rẫy cùng bố mẹ…say mê với sáng tạo như vậy?.

Với cô Quỳnh, động lực là học sinh hào hứng và bất ngờ khi lớp học không chỉ có 35 học sinh giới hạn bởi bốn bức tường như thường ngày.

Chia sẻ văn hóa và truyền thống các dân tộc của các bạn học sinh bán trú trường Trung học Cơ sở Thanh Kim – Sapa – Lào Cai và các bạn Trung học Cơ sỏ Việt Úc – Hoàng Văn Thụ - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Chia sẻ văn hóa và truyền thống các dân tộc của các bạn học sinh bán trú trường Trung học Cơ sở Thanh Kim – Sapa – Lào Cai và các bạn Trung học Cơ sỏ Việt Úc – Hoàng Văn Thụ - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
  

Hôm nay, lớp học của các em là một lớp học mở, lớp  học không có biên giới, không có khoảng cách bởi việc ứng dụng các công cụ hiện đại của Microsoft như Onenote, Skype, Sway…

“Các em học sinh đã rất tự tin trao đổi và chia sẻ cùng các bạn trong nước và quốc tế về dự án học tập của bản thân.

Đó là những cuộc trao đổi của học sinh trường Trung học Phổ thông Số 3 với học sinh Indonexia về dự án phòng chống xâm hại trẻ em. Các học sinh bán trú tại Sapa chia sẻ với các học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh về văn hoá truyền thông của dân tộc các em…Khoảng cách địa lý được xóa nhòa. Các em học sinh dân tộc ít người, vùng xâu vùng xa đều có cơ hội thể hiện bản thân”, cô Quỳnh chia sẻ.

Không những vậy, cô còn mạnh dạn ứng dụng những công cụ hiện đại của Microsoft trong dạy học cho học sinh với những dự án giúp các em giải quyết được vấn đề thực tiễn như dự án “Điện năng và hành động của chúng ta”, “Thiết kế nguồn điện từ đất và cây xanh”, và cùng tham gia dự án “Phòng chống xâm hại trẻ em – Five safe fingers” do thầy Ngô Thành Nam khởi xướng và rất nhiều dự án khác nữa.

Nghe những lời chia sẻ say sưa của cô, tôi thầm nghĩ chắc chắn tình yêu nghề giáo, đam mê với nghề của cô phải vô cùng cháy bỏng. Bởi chỉ có đam mê khởi nguồn từ chính trong trái tim của một nhà giáo mới giúp cô tìm tòi, ứng dụng vô vàn điều mới mẻ vào việc dạy học, hỗ trợ các em học sinh ở nơi đây nghiên cứu khoa học.

Cô giáo đam mê sáng tạo để lớp học không còn giới hạn bởi bốn bức tường ảnh 2Duyên nợ với nghề “bà Tổng” nơi địa đầu Tổ Quốc

Cô Quỳnh nhớ lại, khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, cô đã ước mơ trở thành một cô giáo. Ước mong ấy trở thành sự thật khi được cô nhận tin mình đỗ vào trường đại học Sư phạm Hà Nội I,

Một ngôi trường trong tâm tưởng của cô là nơi đào tạo biết bao thế hệ giáo viên, giảng viên ưu tú cho đất nước. Đó là nơi chắp cánh cho ước mơ, trang bị hành trang cần thiết để cô Quỳnh có thế đứng trên bục giảng.

“Đam mê đó càng được hun thúc hơn khi tôi biết đến “gia đình” MIE Experts Việt Nam (Cộng đồng giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin Việt Nam). Tôi được tham gia, kết nối và chia sẻ với cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam những đổi mới trong dạy học nhằm phát triển năng lực học sinh”, cô Quỳnh cho hay.

Học sinh là động lực. Đồng nghiệp là người giúp đỡ hỗ trợ. Cô Quỳnh kể với chúng tôi tên từng thầy cô, anh, chị đồng nghiệp như cô Tô Thị Diễm Quyên, thầy Ngô Thành Nam… đã hướng dẫn cô tận tình việc ứng dụng công nghệ thông tin sáng tạo trong dạy và học.

Cô Tô Thị Như Quỳnh (ngoài cùng bên trái) cùng các giáo viên Việt Nam tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Ảnh: NVCC
Cô Tô Thị Như Quỳnh (ngoài cùng bên trái) cùng các giáo viên Việt Nam tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Ảnh: NVCC

Mong ước tạo ra một thế hệ học sinh đáp ứng yêu cầu hiện đại

Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, bản thân cô tiếp tục truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho chính các học sinh của mình.

Các học sinh được cô Quỳnh hướng sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả như lập trình trên Arduino, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AIML, các công cụ của Microsoft trong việc thực hiện dự án “Nguồn điện điện từ đất và cây xanh”.

“Dự án này với mong muốn giúp các bạn học sinh nghèo vùng cao có điện sử dụng trong sinh hoạt hay dự án “Cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói hỗ trợ người khuyết tật”.

Qua việc thực hiện những dự án này, các em được học về lập trình với Arduino và biết đến trí tuệ nhân tạo.

Từ đó giúp các em phát triển không những năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn mà còn tạo điều kiện giúp các em phát triển năng lực ICT theo logic của Computational thinking – tư duy máy tính, một năng lực cần thiết của thế kỉ 21, khi mà cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ”, cô Quỳnh phân tích.

Cô Tô Thị Như Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các giáo viên từ các nước tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Ảnh: NVCC
Cô Tô Thị Như Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) cùng các giáo viên từ các nước tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về chuyến đi tới Singapore tham dự Diễn đàn giáo dục toàn cầu vào tháng 3 vừa qua, cô Quỳnh thấy mình thật may mắn.

“Lần đầu tiên tôi được tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ với các nhà giáo dục toàn cầu.

Tôi đã học tập được rất nhiều điều bổ ích về phương pháp giáo dục hiện đại không thể tách rời công nghệ, mô hình giáo dục STEM để tạo ra một thế hệ học sinh đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

Cô giáo mầm non giỏi công nghệ thông tin

Tại diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2018, Microsoft nhấn mạnh đến Computational thinking – tư duy tính toán, một kĩ năng cần thiết của thế kỉ 21, thời đại công nghệ số hóa.

Tôi hy vọng rằng, với những kiến thức và kĩ năng học tập từ cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, từ những giáo viên toàn cầu, bản thân sẽ góp được một phần nhỏ để giúp học sinh quê hương tôi, ở thành thị cũng như vùng sâu, vùng xa phát triển được những năng lực cần thiết khi sống trong một xã hội học tập, một xã hội công nghệ”, cô Quỳnh tâm sự.

Dấu ấn thành tích của cô Tô Thị Như Quỳnh

- Hàng năm, cô Quỳnh đều tham gia bồi dưỡng HSG đạt giải cấp

- Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì cấp tỉnh năm học 2016 – 2017 với dự án “Nguồn điện từ đất và cây xanh” và năm học 2017 – 2018 với dự án “Robot hỗ trợ người khuyết tật điều khiển bằng giọng nói.

- Hướng dẫn học sinh dự thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn đạt giải Nhất Quốc gia năm 2016 – 2017 với dự án “Nguồn điện từ đất và cây xanh”.

- Đạt giải Nhất cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp cấp Quốc gia năm 2014 – 2015.

- Đạt giải Nhì chung cuộc cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp Quốc gia năm 2016 – 2017.

- Đạt giải Nhì toàn cầu cuộc thi Hacktheclassroom – HackSway do Microsoft tổ chức năm 2016 – 2017 với dự án STEM “Eclectrical power made from land and plant”.

Đỗ Thơm