Có giáo viên xin đi dạy hợp đồng, đến khi nhận việc lại "biệt tăm" vì lương thấp

31/08/2022 06:46
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngày 29/8, học sinh mầm non tại Vĩnh Phúc bắt đầu tựu trường, tuy nhiên không khí năm học mới tại các vùng nông thôn vẫn khá trầm lắng.

Không khí tựu trường “trầm lắng"

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thái - Hiệu trưởng trường mầm non Hội Hợp B (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết:

“Số lượng học sinh đi học ngày tựu trường còn rất ít. Do mấy hôm trước mưa bão nên phụ huynh không đưa con đi học sớm. Hiện tại mỗi lớp chỉ có hơn chục em”.

Giáo viên trường mầm non Hội Hợp B tham gia tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn trước thềm năm học mới. Ảnh: Fanpage nhà trường

Giáo viên trường mầm non Hội Hợp B tham gia tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn trước thềm năm học mới. Ảnh: Fanpage nhà trường

Theo cô Thái, năm nay sĩ số của trường là 410 học sinh với 14 lớp học, gồm 23 giáo viên.

“Học sinh ra lớp mặc dù vẫn còn ít nhưng giáo viên thì vẫn phải đến lớp bình thường. Ngoài trông các con, các cô giáo còn phải trang trí lớp học”, cô Thái bộc bạch.

Tương tự trường mầm non Hội Hợp B, theo tìm hiểu của phóng viên về thực tế học sinh mầm non tựu trường tại trường mầm non Đống Đa (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), số lượng hiện tại mới chỉ đạt khoảng 50% học sinh.

“Ngày tựu trường (29/8) tuy nhiên phụ huynh ai cũng có tâm lý sau khai giảng mới cho con đi học nên tầm này còn vắng lắm, số lượng đi học rất ít thậm chí nhiều gia đình cũng chỉ đưa con đến địa điểm lớp để biết trường, biết lớp, xong rồi về và chờ sau khai giảng”, cô Vũ Thị Loan - Hiệu trưởng trường mầm non Đống Đa chia sẻ.

Được biết, trường mầm non Đống Đa năm nay có 160 học sinh, tuy nhiên tính đến ngày tựu trường mới có khoảng 80 học sinh đi học.

Học sinh trường mầm non Đống Đa. Ảnh: Website nhà trường

Học sinh trường mầm non Đống Đa. Ảnh: Website nhà trường

Năm nay, học sinh mầm non tại Vĩnh Phúc đến tựu trường trước ngày khai giảng 1 tuần để làm quen với môi trường mới. Theo cô Thái, trong tuần đầu tiên này, học sinh chủ yếu sẽ được rèn đội hình đội ngũ, nề nếp giờ ăn giờ ngủ, cho trẻ làm quen với giáo viên, với bạn, các góc hoạt động trong và ngoài lớp…

“Các con vừa nghỉ ở nhà một thời gian khá dài nên hiện tại cần phải rèn lại nề nếp dần để sớm thích nghi với chế độ sinh hoạt của nhà trường. Ngoài ra còn cho các con tập một số chương trình văn nghệ để chuẩn bị cho ngày khai giảng. Đến ngày 6/9, nhà trường mới bắt đầu triển khai dạy ngày học đầu tiên của kì 1”.

Có giáo viên xin đi làm nhưng đến lúc nhận việc lại “biệt tăm”

Hiệu trưởng trường mầm non Hội Hợp B cho biết, hiện tại trường còn thiếu 5 biên chế giáo viên.

“Hiện tại Phòng giáo dục và đào tạo đã có kế hoạch nhưng để bổ sung biên chế phân về cơ sở thì chưa có. Hy vọng trước ngày khai giảng năm học mới đội ngũ giáo viên sẽ được bổ sung đầy đủ để đảm bảo công tác dạy học.

Số lượng giáo viên dự kiến sẽ bổ sung đủ 2 giáo viên/lớp, như vậy thì các cô mới đỡ vất vả”.

Cô Thái cũng bày tỏ trăn trở về việc tuyển giáo viên khó khăn: “Công việc của một giáo viên mầm non rất vất vả, các con nhỏ nên phải chăm sóc mọi việc, ngoài ra các cô còn phải trang trí làm đồ chơi.

Công việc vất vả là vậy nhưng lương giáo viên còn thấp nên nhiều người không muốn làm. Năm ngoái có giáo viên xin đi dạy hợp đồng nhưng đến khi nhận việc lại không đi nữa”.

Chế độ lương, đãi ngộ thấp cùng đặc thù công việc giáo viên mầm non vất vả nên công tác tuyển dụng giáo viên mầm non tại nhiều địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: website trường mầm non Đống Đa

Chế độ lương, đãi ngộ thấp cùng đặc thù công việc giáo viên mầm non vất vả nên công tác tuyển dụng giáo viên mầm non tại nhiều địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: website trường mầm non Đống Đa

Thiếu giáo viên cũng là thực trạng chung của ngành giáo dục nhiều địa phương. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiệu trưởng trường mầm non Đống Đa cho biết:

“Công tác giáo dục của trường nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo thành phố, giáo dục địa phương. Các bậc phụ huynh cũng hoàn toàn ủng hộ các hoạt động của nhà trường.

Tuy nhiên, vì là đơn vị công lập do đó phải phụ thuộc vào kinh phí nhà nước. Vấn đề thiếu giáo viên cũng là vấn đề rất khó khăn với nhà trường. Mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, bổ sung giáo viên tạm thời, nhưng để đảm bảo ổn định và lâu dài cũng là vấn đề nan giải mà nhà trường phải đối mặt”.

Hiện tại, trường mầm non Đống Đa đang có 10 giáo viên, dạy 160 học sinh. Theo cô Loan, nhà trường vẫn đang thiếu 8 giáo viên do vậy các cô giáo hiện tại rất vất vả.

“Hiện, Phòng giáo dục và đào tạo đã tham mưu hợp đồng thêm giáo viên để đảm bảo các trường có đủ 2 giáo viên/lớp vào năm học mới này”.

Cách ngày khai giảng chỉ còn ít ngày, dù đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhưng đội ngũ thầy cô giáo khối ngành mầm non đều thể hiện quyết tâm giảng dạy tốt, đảm bảo cho các em học sinh được đi học và chăm sóc đầy đủ.

“Vào ngày khai giảng, có một đặc thù với khối mầm non là nếu chỉ khai giảng mỗi buổi sáng rồi kết thúc thì sẽ không có học sinh đi vì phụ huynh đã gửi con là gửi cả ngày. Do đó, nếu khai giảng xong tầm 10 giờ sáng xong thì các con không có người đón vì bố mẹ đều đi làm cả rồi.

Vì vậy, nhà trường đang có kế hoạch trông các con cả ngày khai giảng để tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh đi làm, đồng thời cố gắng để có một ngày lễ khai giảng ý nghĩa với các con”.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Huyến yêu cầu các đơn vị, nhà trường trong tỉnh chuẩn bị cho lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trong không gian sạch đẹp, đúng các quy định và hướng dẫn. Thời gian, nội dung khai giảng diễn ra trong 60 phút. Các trường tập trung học sinh trước khi đại biểu đến dự không quá 15 phút.

Doãn Nhàn