LTS: Tiếp tục loạt bài viết về chủ đề “sáng kiến kinh nghiệm” đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Trần Vũ cho rằng, không có lý do gì mà giáo viên phải “sợ” viết sáng kiến kinh nghiệm.
Trong bài viết này, thầy thẳng thắn chỉ ra điều đó và mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Ngày 14/5/2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Có thầy cô, nhà quản lý nào dám lên tiếng sau ý kiến này của thầy Nguyễn Cao?” của tác giả Nguyễn Cao, trong đó có đoạn:
“Trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 9/5 có đăng tải bài viết “Đâu là lý do khiến giáo viên “sợ” sáng kiến kinh nghiệm?” và ngày 11/5 đăng bài “Thầy giáo trực tiếp lên tiếng về tệ “vàng thau lẫn lộn” ở sáng kiến kinh nghiệm” .
Hai bài viết đã nói lên nỗi “sợ” và cả chuyện “vàng thau lẫn lộn” cho thấy còn khá nhiều điều bất ổn về việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm ở các trường học hiện nay”.
Giáo viên không phải sợ, không phải lo lắng về sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh: laodong.com.vn) |
Tôi cho rằng, không có gì phải “sợ” khi viết sáng kiến kinh nghiệm, bởi:
Theo Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục, có quy định: Để đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên, phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc các điều kiện quy đổi và nguyên tắc thi đua là tự nguyện đăng ký.
Còn theo Nghị định số: 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức và viên chức, có quy định: Để được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cần phải:
“Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.
Xét thi đua ở nhà trường đang nhìn vào cái ghế ngồi, cách chơi và độ thân thiết(GDVN) - Đâu đó vẫn “nhìn mặt đặt tên”, nhìn vị trí ngồi, nhìn vào cách chơi và độ thân thiết của mỗi thành viên trong tập thể để xét thi đua! |
Thiết nghĩ, trong đời dạy học của người thầy, không có gì buồn hơn, nếu như sau nhiều năm đứng trên bục giảng mà không có một lần nào đạt được danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc không có một năm nào được thủ trưởng đơn vị xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Do vậy, giáo viên đã đăng ký danh hiệu “chiến sĩ thi đua” các cấp và bản thân phấn đấu để được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì không có gì phải “sợ” khi viết sáng kiến kinh nghiệm.
Cũng trong bài viết, thầy giáo Nguyễn Cao lo lắng: “Người chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay thường được bố trí như sau: ở cấp trường thì Ban giám hiệu chấm, ở cấp Phòng thì trưởng phó phòng và các chuyên viên chấm, ở cấp sở thì cán bộ cấp Sở chấm, họa hoằn lắm thì lựa chọn một vài thầy cô có “uy tín” trong Hội đồng bộ môn chấm (nhưng rất hiếm)...
Trong quá trình được đào tạo thì chỉ có giáo viên Mầm non và Tiểu học là được đào tạo căn bản các môn trong cấp học, còn lại các thầy cô giáo phổ thông thì chỉ được đào tạo một chuyên ngành cơ bản, chỉ có một ít giáo viên cấp THCS học hệ cao đẳng thì được đào tạo hai chuyên ngành.
Điều này cũng đồng nghĩa một lãnh đạo, quản lí chỉ có thể am hiểu chuyên sâu 1- 2 chuyên ngành. Ấy vậy mà sáng kiến kinh nghiệm môn nào, lĩnh vực nào thì các vị lãnh đạo, quản lí cũng chấm được cả. Phải nói rằng lãnh đạo ngành giáo dục của chúng ta…tài thật”.
Tôi cho rằng, theo Hướng dẫn chấm sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp khoa học, các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo việc chấm sáng kiến kinh nghiệm phải đảm bảo tính công bằng, khách quan và khoa học, đâu có tùy tiện như tác giả nêu.
Cụ thể như trong Công văn số 76/SGDĐT-VP ngày 16/1/2013 của Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk về việc Hướng dẫn viết, đánh giá sáng kiến kinh nghiệm từ năm 2013 đến năm 2016, quy định với Phòng GD&ĐT như sau:
Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm(GDVN) - Giáo viên ở nhiều địa phương đang băn khoăn rằng: Từ Thông tư 35 của Bộ GD&ĐT ban hành đến việc áp dụng thực tế ở từng địa phương tại sao lại khác nhau? |
“Tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội đồng khoa học, sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, tổ chức chấm và xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm, đảm bảo yêu cầu:
- Thực hiện đúng quy trình, nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng.
- Mỗi sáng kiến kinh nghiệm phải đảm bảo được 2 giám khảo chấm độc lập.
- Giám khảo phải là những cán bộ, giáo viên đúng chuyên môn, có uy tín, kinh nghiệm và thành tích cao trong dạy học, công tác, tích cực tham gia phong trào viết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm, có đề tài được xếp loại từ cấp ngành, huyện trở lên.
- Không để tình trạng: Giám khảo không có chuyên môn, không có uy tín và thành tích chấm sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên”.
Rõ ràng là thành viên Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm ngay ở cấp Phòng GD&ĐT (chưa nói cấp Sở) được thành lập, đâu “Hỡi ôi” như nhận định của thầy Nguyễn Cao rằng:
“Các vị học môn Sử, Địa… thì làm sao chấm được Tiếng Anh, Toán, Lí, Hóa… làm sao biết được các quy tắc, các thì, các định luật, định nghĩa chuyên ngành.
Đó là chưa kể một số Ban giám hiệu được đào tạo hệ 9+3; 12+2, sau đó hàm thụ dần dần lên thì chấm các đề tài của thạc sĩ, cử nhân chính quy được đào tạo bài bản làm sao được mà ngồi phán xét người này giải này, người kia giải khác”.
Hoặc như Hướng dẫn số 675/SGD&ĐT ngày 18 tháng 3 năm 2008 của Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam về việc: Hướng dẫn viết và đánh giá, xếp loại sáng kiến kinh nghiệm năm học 2007-2008 và những năm tiếp theo, có hướng dẫn Hội đồng khoa học cơ sở thực hiện như sau:
Bệnh thành tích giáo dục ẩn mình trong Nghị định của Chính phủ(GDVN) - Theo hướng dẫn của Nghị định 56, mỗi cán bộ, công-viên chức có một đề tài, đề án, sáng kiến “bắt buộc”. Chắc chắn sẽ khiến bệnh thành tích, đối phó nảy sinh. |
“Tác giả của mỗi đề tài sáng kiến kinh nghiệm trình bày sáng kiến kinh nghiệm của mình trước Hội đồng khoa học theo thời gian quy định của Hội đồng khoa học cơ sở.
Hội đồng khoa học tổ chức đánh giá xếp loại sáng kiến kinh nghiệm cho một đề tài phải có ít nhất hai phần ba số thành viên tham gia (theo quyết định thành lập Hội đồng khoa học cộng với số thành viên chuyên môn được mời).
Các thành viên tham gia Hội đồng khoa học chất vấn, phản biện những vấn đề chưa rõ; tác giả của đề tài có trách nhiệm trả lời chất vấn và bảo vệ nội dung đề tài của mình.
Đối với những đề tài liên quan trực tiếp đến một bộ môn hoặc một lĩnh vực hoạt động của nhà trường, Hội đồng khoa học cần mời thêm một số thành viên của tổ, nhóm chuyên môn hoặc bộ phận liên quan tham gia chất vấn, đánh giá xếp loại để đảm bảo tính khách quan, khoa học”.
Rõ ràng là Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm ngay ở cấp cơ sở cũng cho thấy hội đồng chấm và người chấm sáng kiến kinh nghiệm có trách nhiệm với công việc được giao, đảm bảo được tính khách quan và khoa học khi công nhận sáng kiến kinh nghiệm, chứ đâu phải chỉ vì lợi ích như tác giả nêu:
“Bởi vì chấm sáng kiến có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền nên nhiều nơi họ bất chấp tất cả những lời đàm tiếu để được chấm, cho dù nhiều vị lãnh đạo cả một đời công tác chưa bao giờ viết lấy một sáng kiến kinh nghiệm!”.
Cán bộ, giáo viên “thoát” sáng kiến kinh nghiệm(GDVN) - Lâu nay, đúng là các đề tài/sáng kiến kinh nghiệm của giới giáo thật giả, vàng thau, lẫn lộn, không biết đâu mà lần. |
Tôi cho rằng người được phân công chấm sáng kiến kinh nghiệm, ai cũng hiểu được công việc của mình là đánh giá, kết luận một công trình sáng tạo viết từ những kinh nghiệm trong quá trình dạy học, từ những ý tưởng tâm huyết của người thầy với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đâu phải đơn giản như chấm bài kiểm tra tại lớp.
Khi chấm bài kiểm tra, bài thi cho học sinh, người thầy có lương tâm còn không để sai sót xảy ra huống là chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, mà tác giả cho rằng:
“Bởi nhiều người chấm không đặt sáng kiến kinh nghiệm là những đề tài khoa học mà ở họ là thù lao đằng sau mỗi sáng kiến ấy”.
Đành rằng người chấm sáng kiến kinh nghiệm là có bồi dưỡng theo quy định, như giáo viên làm nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp THPT.
Do đó, không có gì phải lo lắng và sợ “vàng thau lẫn lộn” trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm mà phải có niềm tin vào Hội đồng khoa học các cấp để viết sáng kiến kinh nghiệm, bởi còn có nhiều người có tâm huyết với nghề, có lương tâm khi làm nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm ở cơ sở, nơi này nơi khác, không phải không có những thành viên được cơ cấu không đúng lĩnh vực mà đề tài sáng kiến kinh nghiệm đặt ra, cũng có thành viên chấm là người chưa bao giờ viết được sáng kiến kinh nghiệm, nên giáo viên chưa đặt hết niềm tin vào họ là đúng và lo lắng việc họ chấm sáng kiến kinh nghiệm nào cũng đạt; nhưng điều đó không phải là phổ biến.
Để giáo viên tin tưởng vào việc chấm sáng kiến kinh nghiệm đảm bảo được tính khoa học, trung thực và công tâm, tôi cho rằng:
Cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần phê duyệt quyết định thành lập Hội đồng khoa học chấm sáng kiến kinh nghiệm ở các cơ sở trường học.
Hội đồng khoa học các cấp, sau khi công bố kết quả chấm, các sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại A cần được phổ biến rộng rãi trên website của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và nhà trường, để cán bộ, giáo viên tham khảo, vận dụng vào việc dạy học và viết sáng kiến kinh nghiệm.
Qua đó những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải được sẽ kiểm nghiệm lại tính trung thực và khách quan của nó từ ý kiến phản hồi của cán bộ, giáo viên trong và ngoài tỉnh, bớt đi những sáng kiến kinh nghiệm sao chép, những sáng kiến kinh nghiệm không có giá trị thực tiển, còn giáo viên sẽ yên lòng và không phải sợ khi viết sáng kiến kinh nghiệm.