Có ngành độc hại, nguy hiểm nhưng không thuộc TT 05, hiệu trưởng CĐYT tâm tư

30/06/2023 06:39
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số ngành sức khỏe độc hại, nặng nhọc nhưng không thuộc Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH là thiệt thòi cho người học, gây khó khăn trong tuyển sinh cho nhà trường.

Trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mới đây đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường có đào tạo khối ngành sức khỏe.

Bởi, theo đánh giá từ các trường đào tạo khối ngành này, không chỉ Y sỹ đa khoa, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học mà một số ngành khác như kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, kỹ thuật vật lý trị liệu và phục hồi chức năng,… cũng là những ngành nặng nhọc, nguy hiểm, thậm chí là có ngành còn nguy hiểm hơn những ngành học đã được đưa vào Danh mục này.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Tấn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bày tỏ quan điểm:

“Chúng tôi rất vui mừng khi trong Thông tư mới (Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH) đã bổ sung một số ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe vào về Danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng. Bởi, Thông tư cũ ( Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH) không có lĩnh vực sức khỏe trong đó.

Điều này cho thấy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quan tâm hơn đến các ngành học thuộc khối điều dưỡng, y dược”.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thực hành tại Phòng khám đa khoa của trường (Nguồn: Báo Hà Tĩnh).

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh thực hành tại Phòng khám đa khoa của trường (Nguồn: Báo Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, theo thầy Tuấn, còn một số ngành thuộc khối sức khỏe, đặc biệt là các ngành liên quan đến kỹ thuật y học cũng độc hại và nặng nhọc nếu được xem xét đưa vào Danh mục này sẽ thuận lợi hơn cho người học.

Đơn cử như ngành kỹ thuật hình ảnh y học mà Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đang đào tạo. Khi học tập và làm việc, người học cũng như nhân lực của ngành nghề này sẽ phải tiếp xúc với tia độc hại như tiếp xúc nhiều với tia X, quét CT và chụp hình ảnh y học hạt nhân bao gồm PET/CT và PET/MRI,… Do đó, người học có khả năng bị phơi nhiễm phóng xạ do phải tiếp xúc với môi trường học tập, làm việc như vậy.

Vậy nên, trong các ngành thuộc kỹ thuật y học, đây cũng là ngành học nguy hiểm, độc hại, thậm chí mức độ độc hại còn cao hơn ngành kỹ thuật xét nghiệm y học đã được xét vào Danh mục thuộc Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH.

Bên cạnh đó, theo thầy Tuấn, một số ngành học sức khỏe khác mà một số trường trung cấp, cao đẳng y dược hiện nay đang đào tạo như kỹ thuật vật lý trị liệu, kỹ thuật phục hồi chức năng, người học cũng phải tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân bị khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do gặp phải chấn thương, tai nạn,… nên rất vất vả, nặng nhọc. Có những bệnh nhân phải sử dụng tia hồng ngoại, tia X, siêu âm,… để điều trị.

Theo Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH, các ngành học thuộc Danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được áp dụng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Trong khi đó, người học nếu học những ngành nghề thuộc Danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng này sẽ được giảm 70% học phí theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Chính vì vậy, theo thầy Tuấn, nếu ngành kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng không được đưa vào là thiệt thòi cho các em học ngành nghề này.

Mặt khác, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe, lượng tuyển sinh bị sụt giảm đáng kể.

Nhiều người học ngại chọn vào học các ngành y dược dù nhu cầu tuyển dụng của xã hội đang rất lớn. Thay vào đó, các em thường chọn các ngành học kinh tế do mong muốn phục hồi tài chính càng sớm càng tốt. Như Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam năm vừa qua tuyển sinh cũng chỉ đạt được 60% chỉ tiêu được giao.

Do vậy, đối với nhà trường, khi các ngành học nặng nhọc, độc hại đều được miễn giảm học phí sẽ giúp trường thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh. Thầy Tuấn mong rằng, nếu có sự điều chỉnh, bổ sung thì nên xem xét đưa ngành kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng vào Danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, cao đẳng.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Trần Xuân Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết, đa số các ngành nghề thuộc khối y dược khi học tập hay làm việc đều rất vất vả.

Không chỉ những ngành học đã được đưa vào Danh mục của Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH, một số ngành, nghề học khác cũng có mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tương đương.

Như ngành kỹ thuật phục hồi chức năng do xu thế phát triển của xã hội, yêu cầu về mặt chăm sóc, phục hồi,… theo đó cũng cao hơn, người học, nhân viên y tế phải đứng trước xu hướng về áp lực công việc đang ngày càng gia tăng; ngành kỹ thuật hình ảnh y học, người học phải tiếp xúc với các tia độc hại,...

Hơn nữa, việc tuyển sinh của những ngành nghề sức khỏe nặng nhọc, độc hại vốn không dễ dàng với các đơn vị đào tạo, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh khi thấy được áp lực của nhân viên y tế. Không những vậy, quá trình đào tạo của các ngành thuộc khối y dược cũng rất khắt khe; mức lương khi đi làm việc lại không được cao.

Vậy nên, theo thầy Hoan, nếu thuộc Danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, việc có sự hỗ trợ học phí trong quá trình đào tạo sẽ giúp các em nhận thấy được sự quan tâm, ưu tiên của nhà nước, đồng thời giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh để đào tạo được nguồn nhân lực đang rất cần thiết cho xã hội.

Tường San