Có nhất thiết phải tổ chức khảo sát học sinh lớp 12?

12/02/2024 06:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua đều ở mức trên 98% thì các nhà trường không cần thiết phải tổ chức khảo sát như kì thi thử.

Thời gian qua, vừa kết thúc học kì 1 năm học 2023-2024, một số địa phương trên cả nước đã tổ chức kì khảo sát (thường gọi là thi thử) học sinh lớp 12 như kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đó, học sinh làm 3 bài khảo sát: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Các nhà trường tổ chức khảo sát nhằm giúp học sinh chuẩn bị kiến thức, tâm thế sẵn sàng khi bước vào kỳ thi thật với các mục tiêu như: sửa lỗi sai, hoàn thiện kiến thức, có kinh nghiệm phân chia thời gian làm bài hợp lý, rèn luyện tâm lý thi cử...

Tuy vậy, người viết - là giáo viên trung học phổ thông, nhận thấy học sinh lớp 12 không cần thiết phải làm bài khảo sát vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông (còn hiệu lực đối với học sinh lớp 9, 12), mỗi học kì các em phải phải thực hiện một số bài kiểm tra tuỳ theo môn học.

Ví dụ, với môn Ngữ văn 12, học sinh có 4 bài kiểm tra thường xuyên (hệ số 1), 2 bài kiểm tra định kì (1 bài giữa kì và 1 bài cuối kì). Đối với kì kiểm tra định kì, cấu trúc, ma trận đề kiểm tra thường được các tổ chuyên môn ra tương tự đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hơn nữa, vào thời điểm cuối tháng 5 và khoảng 3 tuần tháng 6 hàng năm, giáo viên ôn tập cho học sinh dựa vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, các em đã được ôn tập kĩ và làm quen với các dạng đề kiểm tra nên không cần phải khảo sát.

Thứ hai, tỉ lệ học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua đều ở mức trên 98% thì các nhà trường không cần thiết phải tổ chức khảo sát như kì thi thử.

Chẳng hạn, tỉ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp năm 2023 là 98,88% - cao nhất kể từ khi kì thi bắt đầu đổi mới năm 2015. So với ba năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2023 cao nhất. Năm 2022, con số này là 98,57%, năm 2021 gần 96,88% và năm 2020 là 98,34%.

Người viết nhận thấy, khoảng 2% học sinh rớt tốt nghiệp vì các em học rất yếu, điểm trung bình cả năm lớp 12 thấp, làm bài thi bị điểm liệt (dưới 1,0 điểm) và một số vi phạm quy chế thi (bị 0 điểm), chứ không phải không được khảo sát.

Thứ ba, học sinh trải qua các kì khảo sát có thể giúp các em đạt điểm cao hơn ở kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nghĩa là có thêm cơ hội được xét tuyển vào các trường đại học.

Tuy vậy, ví dụ năm 2023, các trường đại học sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển, chứ không phải chỉ có phương thức lấy kết quả là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo Phần 3 Phụ lục I kèm theo Công văn 1919/BGDĐT-GDĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra danh mục 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2023.

Ví dụ: Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ); tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8); kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác; tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển...

Thứ tư, học sinh lớp 12 đa số được học 2 buổi/ngày từ thứ Hai đến hết sáng thứ Bảy. Học sinh vừa học văn hoá vừa phải làm bài khảo sát khiến các em rất căng thẳng, áp lực.

Nhiều năm qua, người viết thường xuyên chứng kiến cảnh học sinh không ít trường, nhất là trường tư thục phải làm bài khảo sát cả ngày thứ Bảy, chủ Nhật.

Vì vậy, nhiều học sinh làm bài đối phó bằng cách chỉ làm vài ba câu (kể cả bỏ giấy trắng) và giáo viên không thể đánh giá đúng năng lực các em qua những bài làm như thế này.

Đáng nói, điểm khảo sát không dùng để đánh giá học sinh, chỉ mang tính tham khảo nên hầu hết các em có lực học trung bình, yếu không tha thiết việc làm bài.

Thứ năm, nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông là dạy 17 tiết/tuần. Việc các nhà trường tổ chức khảo sát kéo theo nhiều thầy cô phải làm thêm việc ngoài giờ quy định.

Để tổ chức được một kì khảo sát bài bản, nhà trường phải thành lập hội đồng đánh giá có đầy đủ các thành phần như: chủ tịch hội đồng, giám thị, giám khảo, giám sát, thanh tra, lao công, bảo vệ.

Giáo viên tham gia coi khảo sát xong thì chấm bài, trả bài, sửa bài cho học sinh cũng mất cả tuần lễ. Tuy vậy, có khi thầy cô làm nhiệm vụ xong vẫn không được nhận thù lao vì không có trong quy định, quy chế chi tiêu nội bộ.

Đáng nói, sau kì khảo sát, hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn tiến hành phân tích kết quả của từng bộ môn và có nhận xét, góp ý. Giáo viên môn nào dạy chưa đạt cũng rất mệt mỏi.

Thay lời kết

Điều băn khoăn là về hành lang pháp lí, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định nào yêu cầu các nhà trường phải tổ chức khảo sát như kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông cả.

Chỉ có một kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm theo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Đó cũng là lí do nhiều địa phương, nhiều trường lách luật bằng cách không gọi "thi thử" mà là "khảo sát". Và cho dù khảo sát hay thi thử nhưng áp lực cho cả thầy và trò là thật.

Chưa kể, một trường trung học phổ thông có hàng trăm học sinh lớp 12, chỉ tính riêng tiền văn phòng phẩm, điện, nước phục vụ cho các kì khảo sát cũng tốn kém rất nhiều chi phí.

Thay vì tổ chức khảo sát, các nhà trường có thể hướng học sinh tiếp cận một số trang trực tuyến tin cậy để các em thử sức theo dạng đề thi của từng môn.

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/ty-le-hoc-sinh-tot-nghiep-thpt-cao-nhat-9-nam-4634266.html

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-1919-BGDDT-GDDH-2023-tuyen-sinh-dai-hoc-tuyen-sinh-cao-dang-nganh-Giao-duc-Mam-non-565288.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên