Còn định kiến "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" thì không có nền GD tốt

30/10/2021 06:56
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường đại học sư phạm tự chủ về đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình về sản phẩm đào tạo. Chương trình đào tạo giáo viên phải được kiểm định chất lượng.

Năm 2021, một số trường đại học sư phạm có kết quả tuyển sinh tốt. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng tuyển sinh sư phạm cũng chỉ là một trong số nhiều việc cần phải làm, để “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Một bước tiến đáng kể…

Năm 2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Nghị quyết 29/NQ-TW đã đề cập khá rõ về chủ trương “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Tiếp theo đó, các đoàn làm việc của các Ban Đảng Trung ương, Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo với các trường đại học sư phạm, đã nhấn mạnh rất nhiều về nhiệm vụ quan trọng này. Hội nghị, hội thảo các cấp đã tổ chức bàn nhiều về các giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên. Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm cũng được thành lập, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực; hợp tác điều chỉnh chương trình đào tạo…

Năm 2021, một số trường đại học sư phạm có kết quả tuyển sinh tốt. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với ngành giáo dục và đào tạo. (ảnh: T.L)

Năm 2021, một số trường đại học sư phạm có kết quả tuyển sinh tốt. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với ngành giáo dục và đào tạo. (ảnh: T.L)

Lúc bấy giờ trong cả nước có trên 100 cơ sở đào tạo giáo viên, kể cả công lập lẫn tư thục. Ngoài ra, các trường đại học sư phạm còn thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho những người tốt nghiệp đại học có nguyện vọng trở thành giáo viên. Một số trường mặc dù đa ngành, nhưng hầu hết các ngành cử nhân khoa học khó tuyển sinh, nên chủ yếu vẫn tuyển sinh sư phạm là chính. Lí do được cho là thu hút học sinh ở các địa phương vùng khó khăn vào học sư phạm không thu học phí. Kéo theo hệ lụy là chất lượng đầu vào sư phạm của nhiều trường rất thấp.

Năm 2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” có chủ trương “sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học”.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định nâng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên. Quyết định đó đã có tác động rất lớn đến kết quả tuyển sinh vào các trường đại học sư phạm, kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng nhìn chung chất lượng tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 đã được cải thiện đáng kể và xã hội đánh giá cao về sự thay đổi này.

Năm 2021, qua các kênh thông tin về dự báo nguồn lực giáo viên tương lai cùng với ưu đãi đặc biệt từ Nghị định 116/2020/NĐ-CP về “chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”, thí sinh đã lựa chọn vào các trường sư phạm nhiều hơn và kết quả là chất lượng tuyển sinh của một số trường đại học sư phạm được đánh giá là rất tốt. Đây là một bước tiến đáng kể, nhưng để bền vững vẫn cần sự quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ Chính phủ cũng như các địa phương.

Thách thức cần vượt qua

Dù số lượng cơ sở đào tạo giáo viên đã giảm đáng kể (khoảng ½ so với trước đây), nhưng vẫn còn gần 60 cơ sở với quy mô, cơ cấu tổ chức, mô hình đào tạo rất khác nhau.

Theo Vụ Giáo dục Đại học báo cáo ngày 15/10/2021, toàn quốc hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm, bao gồm: 14 trường đại học sư phạm; 42 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc. Với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng (tính tới tháng 12/2020). Điều đáng quan tâm là vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về đào tạo giáo viên ở các cơ sở, đặc biệt ở một số nơi vẫn duy trì cách làm cũ, ít đầu tư nghiên cứu và cập nhật…

Mặt khác, do không ổn định về tuyển sinh, cùng với chủ trương sát nhập, giải thể theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW, dẫn đến công tác phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng, tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới… ở một số cơ sở ít được quan tâm.

Ở một khía cạnh khác, mặc dù một số trường đại học sư phạm có kết quả tuyển sinh tốt, nhưng vẫn tồn tại tình trạng có ngành tỉ lệ chọi cao bên cạnh một số ngành rất khó tuyển.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Một số ngành đào tạo mới mở nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa thật sự thu hút người học.

Các trường phổ thông vẫn còn lúng túng trong việc điều tiết, phân công giáo viên giảng dạy các môn tích hợp... Vấn đề cung-cầu cũng như chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại Nghị định 71 về “lộ trình nâng trình độ chuẩn” vẫn còn bất cập.

Một khi trong xã hội còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về đào tạo giáo viên; các cơ sở đào tạo giáo viên chưa có sự kết nối, hợp tác lành mạnh mà chỉ là “mạnh ai nấy làm” thì khó có được một đội ngũ giáo viên có bằng cấp tương ứng với chất lượng như mong đợi.

Khi các cơ sở đào tạo giáo viên chưa được đầu tư đúng nghĩa từ đội ngũ giảng viên đến chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác, thì không thể đào tạo có chất lượng tốt.

Khi người giáo viên chỉ được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn mà thiếu am hiểu về xã hội và giáo dục thì cũng khó có năng lực thích ứng với xã hội nhiều thay đổi.

Khi công tác đào tạo giáo viên chưa tốt; đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng trong xã hội, thì công tác bồi dưỡng, nâng chuẩn vẫn phải duy trì và tất nhiên cũng chỉ là sự chắp vá, chứ khó mà chuyên nghiệp.

Và khi xã hội vẫn còn tồn tại câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì dù có muốn hiểu theo kiểu nào đi nữa cũng không thể có một nền giáo dục tốt, đúng nghĩa là “quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Một số vấn đề căn bản cần giải quyết

Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về chủ trương “sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nghiên cứu và đề xuất quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm của Việt Nam, đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm. Đây được xem là giải pháp vĩ mô để giải quyết vấn đề tồn tại từ một thời được xem là “trăm hoa đua nở”.

Nếu quy hoạch mạng lưới hợp lí và quản lí hiệu quả thì sẽ tháo gỡ được các “nút thắt” để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm; đồng thời các cơ sở đào tạo cũng chủ động xác định mục tiêu chiến lược và đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đây là một việc rất lớn, có ảnh hưởng rộng cần phải có tầm nhìn xa và có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị mới hi vọng “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Trước hết, cần xác định đào tạo giáo viên là lĩnh vực đào tạo đặc thù - một nhiệm vụ quốc gia; đào tạo ra những người Thầy với đầy đủ phẩm chất của một nhà giáo để dẫn dắt thế hệ tương lai của đất nước.

Vấn đề ở đây là chúng ta cần đào tạo người thầy dạy học ở phổ thông chứ không phải là người thợ thực hiện quy trình dạy học theo khuôn mẫu. Người thầy trước tiên phải là một nhà giáo dục, có đạo đức tốt; am hiểu về triết lí giáo dục, chương trình giáo dục tổng thể; hiểu biết về tâm lí người học; có năng lực định hướng cho người học tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tính kiên trì để vượt qua thách thức; có năng lực truyền cảm hứng cho người học khám phá tri thức...

Một người thầy có được những phẩm chất đó thì chắc chắn cũng phải là người có năng lực tự học cao, thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh… Đó chính là vấn đề mấu chốt của đào tạo giáo viên, chứ không nên chỉ tập trung đào tạo chuyên môn sâu và kèm theo một số kĩ năng dạy học thông thường được gọi là nghiệp vụ sư phạm. Khi đã xác định vấn đề như vậy thì từ khâu tuyển chọn người học, đến thiết kế chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá… phải thực sự chuẩn mực.

Để có được điều đó thì môi trường giáo dục ở các cơ sở đào tạo giáo viên phải thực sự khoa học, dân chủ, đúng nghĩa là nơi tu-luyện của những người thầy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư phát triển các trường sư phạm thực sự là quốc sách hàng đầu theo đúng Điều 16 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Khoản 6 Mục III của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thứ hai, mạng lưới trường sư phạm được quy hoạch phải đảm bảo tính thống nhất, hài hòa và được giao trách nhiệm rõ ràng để thực hiện sứ mệnh quốc gia về phát triển giáo dục. Mạng lưới trường sư phạm phải là một hệ thống có tính kết nối chặt chẽ và có chức năng như một “hội nghề nghiệp”; có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn chính sách, xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm và tổ chức giám sát việc thực hiện.

Dựa trên khung trình độ quốc gia, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, mục tiêu chương trình đào tạo… các trường sư phạm có trách nhiệm tổ chức xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Chủ động công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá người học đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của từng trường. Giáo sinh cần phải tập sự nghề và khi đủ các điều kiện theo chuẩn nghề nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề là điều kiện bắt buộc để giáo viên tham gia các hoạt động giáo dục trong xã hội với tư cách cá nhân như bác sĩ, luật sư… Đây là việc nên làm.

Thứ ba, thực hiện đúng tinh thần “nhà nước pháp quyền” và “tự chủ đại học”, chúng ta cũng cần phân định trách nhiệm rõ ràng và kiên trì thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện chức năng quản lí nhà nước theo luật định.

Mạng lưới các trường sư phạm được quy hoạch, giao nhiệm vụ và thực hiện đúng chức năng của “hội nghề nghiệp”, chịu trách nhiệm về chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Các trường đại học sư phạm tự chủ về đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình về sản phẩm đào tạo. Chương trình đào tạo giáo viên phải được kiểm định chất lượng.

Đối với giáo dục phổ thông cũng tương tự như vậy. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học chung. Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lí nhà nước ở địa phương; chịu trách nhiệm về một số nội dung giáo dục địa phương. Hội đồng các trường phổ thông có trách nhiệm lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên có quyền lựa chọn phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Việc trao quyền và đảm bảo thực quyền sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hướng đến giáo dục khai phóng.

Tóm lại, từ trước đến nay Đảng, Nhà nước và toàn xã hội của chúng ta luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đối với những vấn đề tiêu cực dù nhỏ hay lớn đều lên án và xem là “không thể chấp nhận”. Điều đó là hết sức xác đáng và có trách nhiệm.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, qua mấy thập niên trở lại đây, phần đa chúng ta tập trung ưu tiên phát triển kinh tế và “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong khi văn hóa và giáo dục vẫn quan tâm nhưng là thứ yếu.

Trong khi đó Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định trong các văn kiện rằng “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để gìn giữ và phát triển văn hóa - cái nền tảng quý giá ấy - không phải từ một nền kinh tế, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mà phải chính từ một nền giáo dục và đào tạo đúng nghĩa. Giáo dục và Đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu và được hiến định. Chính vì vậy rất cần cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thấu hiểu và cùng tham gia. Điều đó chỉ có thể hiện thực khi người thầy thực sự được tôn trọng và đào tạo giáo viên thực sự được quan tâm.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)