Con đường bị bão "đánh bay" đã 2 năm, học sinh, người dân mong ngóng đường mới

14/02/2022 09:13
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đảm bảo an toàn cho các con trên đường đến trường, các phụ huynh phải thay phiên nhau đưa, đón vì tuyến đường hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Dù cơn bão số 9 năm 2020 đã trôi qua gần hai năm nhưng những thiệt hại do nó gây nên vẫn còn ảnh hưởng lâu dài đối với người dân ở rẻo cao Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum).

Đó là con đường độc đạo dài hơn 3 cây số, vượt qua con suối Đắk Nâm từ trung tâm xã đến thôn 2, nhiều đoạn bị “đánh bay”, chỉ còn lởm chởm những mảng bê-tông lở lói.

Lo con rơi xuống hố sâu

Đăk Pne là một xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn, thiếu thốn của huyện Kon Rẫy. Nằm giữa vùng rừng núi bị bao kín nên năm nào cũng bị mưa lũ tàn phá, gây thiệt hại nặng.

Đường sá bị bão "thổi bay" nên phụ huynh phải dẫn các em học sinh đến trường để đảm bảo an toàn. Ảnh: MT

Đường sá bị bão "thổi bay" nên phụ huynh phải dẫn các em học sinh đến trường để đảm bảo an toàn. Ảnh: MT

Theo lãnh đạo xã Đăk Pne, tuyến đường bị hư hại nặng không chỉ đẩy các em học sinh phải lội suối đến trường mà các thương lái cũng ép giá nông sản của người dân khi không vận chuyển ra ngoài được.

Từ trung tâm xã Đăk Pne, chúng tôi đi ngược về thôn 2 thì bắt gặp anh Nguyễn Văn Nam (trú thôn 2, Đăk Pne) đang dẫn theo 6 em nhỏ đi bộ từ Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Pne về nhà.

Trên đường đi, anh Nam không quên dặn dò các cháu cẩn thận khi bước qua những con dốc hay hố sâu nguy hiểm.

Đoạn đường này trước đây được xây dựng bằng bê-tông chắc chắn lắm. Nhưng giờ bão đã thổi bay hết, chỉ còn trơ lại những mảng xi măng lớn, kèm theo đó là những hố vực sâu hoắm.

Mỗi lần mưa lớn, những hố sâu này lại bị sạt lở thêm, tạo thành những bờ vực. Dân làng lo lắng các cháu đến trường sẽ gặp nguy hiểm nên phải cắt cử người đưa đón”.

Vừa đi được một đoạn thì anh Nam cùng những học sinh này phải rẽ sang một con đường tự phát khác.

Anh Nam cho biết, phải dẫn lũ trẻ băng qua rẫy cà phê của người dân vì đường trước mặt đã không thể đi.

“Khổ nhất là vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về như thác nên tuyến đường này trở thành một chiếc bẫy với nhiều hố sâu. Ai cũng lo lắng con đi học, nếu không cẩn thận sẽ rớt xuống các hố sâu này.

Nhiều người phải cho con nghỉ học mấy hôm vì sợ đường đi lại nguy hiểm, đợi bao giờ hết mưa lớn mới đưa các cháu trở lại trường”, chị Y Doan (người dân thôn 2) cho hay.

Nếu như trước đây, chặng đường đến trường của học sinh thôn 2 chỉ mất khoảng 15-20 phút thì nay phải đi đường vòng, đường tránh cũng mất 45 phút mới đến nơi.

Mong một con đường lành lặn

Cũng theo chị Y Doan, gần hai năm nay, dù sáng sớm hay chiều muộn, thì mỗi người dân trong thôn 2 đều phải cắt cử người đi đón học sinh đi học và đi học trở về.

Hành trình đến trường của học sinh ở Đăk Pne càng trở nên chông chênh, vất vả. Ảnh: MT

Hành trình đến trường của học sinh ở Đăk Pne càng trở nên chông chênh, vất vả. Ảnh: MT

“Con đường đến trường của các cháu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa. Nhưng không đến trường thì các cháu rơi rớt mất con chữ, sau này lại lâm vào hoàn cảnh mù chữ như chúng tôi.

Thương con nên cha mẹ phải gác lại công việc nương rẫy để đưa đón mong các cháu về nhà an toàn”, chị Y Doan buồn bã nói.

Cũng như chị Y Doan hay anh Nam, mong muốn lớn nhất của bản làng là tuyến đường được sửa chữa lại để học sinh được đến trường an toàn.

Hơn nữa, đây là con đường độc đáo dẫn ra trung tâm xã, kết nối với thương lái từ dưới xuôi lên mua nông sản của bà con. Việc đi lại, vận chuyển khó khăn nên giá cả nông sản của dân làng cũng bị “o ép” hơn.

Theo ông Nguyễn Công Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pne, (huyện Kon Rẫy) thì huyện đã đến khảo sát và đưa vào kế hoạch xây dựng lại tuyến đường này nhằm đảm bảo cho các cháu học sinh đến trường an toàn.

“Theo kế hoạch của huyện thì dự kiến vào khoảng tháng 5/2022, sẽ triển khai đầu tư, làm mới tuyến đường này với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng”, ông Sơn nói.

MINH THẢO