Công dân Thủ đô ưu tú: Nếu tìm một việc để kiếm tiền thì không nên vào sư phạm

18/03/2021 06:03
Viên Hạo
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nếu mình không sáng tạo thì không thể dạy học trò sáng tạo, không tự học thì không thể dạy học trò tự học”, Công dân Thủ đô ưu tú, thầy Nguyễn Đức Trường nói.

Đôi chân không khỏe mạnh do di chứng chất độc màu da cam, nhưng thầy Nguyễn Đức Trường vẫn miệt mài truyền cảm hứng Toán học cho bao thế hệ học trò và trở thành Công dân ưu tú Thủ đô năm 2020 nhờ tài năng, tâm huyết và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Công dân Thủ đô ưu tú: Nếu tìm 1 công việc kiếm tiền thì không nên vào sư phạm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công dân Thủ đô ưu tú: Nếu tìm 1 công việc kiếm tiền thì không nên vào sư phạm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bước vào Sư phạm với đôi chân khiếm khuyết

Từ những bước chân chập chững với bao lần vấp ngã trên đường đến trường, tới bước chân bền bỉ, truyền ngọn lửa đam mê trên bục giảng của thầy giáo Nguyễn Đức Trường (sinh năm 1973), hiện đang là Tổ trưởng tổ Tự nhiên, trường Trung học cơ sở Đa Tốn Gia Lâm, Hà Nội), là một hành trình nhiều gập ghềnh, chông gai.

Sinh ra với di chứng chất độc màu da cam từ người bố từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, đôi chân của cậu bé Nguyễn Đức Trường năm đó bị teo cơ. Suốt 6 năm ròng chữa trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, đến năm lên 7 tuổi, cậu bé mới có thể chập chững những bước đi đầu tiên trên đôi chân của mình.

Trong những tháng ngày liên tiếp phải nghỉ học để chữa bệnh, cậu học trò đã tìm thấy niềm đam mê với Toán học, có lẽ, do thừa hưởng tình yêu Toán của bố.

“Hồi đó, mỗi tuần, tôi phải nghỉ học 3 buổi để chữa trị, vì thế tôi tìm đến những môn tự nhiên đòi hỏi ít thời gian đến trường, chỉ cần vận dụng tư duy nhiều. Bố tôi lại là giáo viên dạy Toán, nên những con số dường như đã trở nên quen thuộc và gắn liền với hơi thở của tôi, chắp cánh cho đam mê Toán học lớn dần” - thầy Trường mở đầu cuộc trò chuyện bằng những dòng ký ức tuổi thơ.

Nói về tuổi thơ của mình, người đàn ông 48 tuổi vẫn không quên được con đường từ nhà đến trường chỉ vỏn vẹn 1 km, nhưng hằng ngày, lại phải di chuyển mất cả tiếng đồng hồ. Trong ký ức, cậu bé Nguyễn Đức Trường đi học, mặc chiếc quần mẹ mới may cho, nhưng về đến nhà thì hai đầu gối đã rách do bị ngã liên tục, những vết chai sần hơn 40 năm như vẫn còn hằn in.

Nén lại sự xúc động, người thầy chợt nở một nụ cười: “Nhưng dù sao, được đi trên đôi chân của mình, đó là điều hạnh phúc!”.

Sức khỏe yếu không cho cậu học trò của 30 năm trước có nhiều lựa chọn, đồng thời, noi gương bố, vốn là một thầy giáo làng đầy tâm huyết, chàng trai khi đó đã chọn con đường Sư phạm Toán. Băn khoăn về sức khỏe, mặc cảm vì dáng đi cũng từng khiến lựa chọn này gặp phải nhiều đắn đo, nhưng nghĩ đến tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký hay nhớ lại những lần giảng bài được học sinh hào hứng đón nhận, thầy Trường càng quyết tâm chinh phục ước mơ của mình.

“Tôi tự động viên mình, làm sao để học sinh nhìn mình bằng trái tim, chứ không chỉ bằng đôi mắt. Tôi cố gắng học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức qua những cuốn sách chuyên ngành. Có khi, tôi đóng một giá sách 4 tầng nhưng chỉ một tháng là đã chật kín, tôi cố gắng trau dồi kiến thức ngày càng nhiều, tôi muốn mình không ngừng học hỏi” - thầy Trường chia sẻ.

Năm 1993, tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Đức Trường về nhận công tác tại trường Trung học cơ sở Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Năm 2001, vừa giảng dạy, thầy vừa tiếp tục học liên thông hệ đại học tại trường đại học Sư phạm Hà Nội để nâng cao trình độ chuyên môn.

Người thầy đã 28 năm đứng trên bục giảng ấy vẫn giữ thói quen tích lũy kinh nghiệm giảng dạy từng ngày trong các cuốn sổ tay. Khi sổ tay không đủ để ghi chép, thầy hướng đến đề tài sáng kiến kinh nghiệm.

Trong năm học vừa qua, thầy giáo Nguyễn Đức Trường có tới 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 14 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố, nhiều bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành, góp phần vào 33 đầu sách Toán học, trong đó, có những cuốn được tái bản tới 7-8 lần.

Điển hình như bộ sách gồm 8 cuốn “Trọng tâm kiến thức và phương pháp giải bài tập” (xuất bản năm 2012), bộ “Các chuyên đề chọn lọc trung học cơ sở”(xuất bản năm 2015).

Thầy Trường trong buổi giao lưu tôn vinh nghề giáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Trường trong buổi giao lưu tôn vinh nghề giáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nếu tìm việc để kiếm tiền, tốt nhất không nên vào sư phạm

Với tâm niệm: “Nếu mình không sáng tạo thì không thể dạy học trò sáng tạo, không tự học thì không thể dạy học trò tự học”, thầy Nguyễn Đức Trường vẫn luôn tự trau mình, tìm tòi và đi đầu trong việc sáng tạo ra nhiều phương pháp để môn Toán không còn khô khan đối với học sinh. Bằng lựa chọn “đời thường hóa” môn Toán, liên hệ giữa Toán học và cuộc sống xung quanh, môn học mà trong mắt nhiều học sinh trước đó là khô khan, đã ngày càng trở nên thật hấp dẫn.

“Chẳng hạn, tôi đặt vấn đề với học sinh, khi sơn một ngôi nhà thì cần phải chuẩn bị những gì, tính toán ra sao để vừa đủ chứ không thiếu, mà kịp thời chứ không chậm. Hoặc đứng trước một cái cây cao, tôi dạy học sinh lớp 6 có thể ước lượng được nó cao xấp xỉ bao nhiêu, còn với học sinh lớp 8 thì chỉ cần bấm máy tính cũng ra.

Thỉnh thoảng, tôi dùng cả những câu đố vui để truyền tải nội dung bài học. Như vậy, học sinh vừa học, vừa chơi, vừa tư duy, sáng tạo” - một góc nhỏ trong phương pháp giảng dạy của thầy Trường được tiết lộ.

Với những học sinh yếu Toán, người thầy tậm tâm sẽ đưa phương pháp giải một bài toán như việc trèo lên một bức tường, sau đó, chia nhỏ bài toán thành nhiều nấc thang, lên mỗi nấc thang khó hơn một chút để học sinh từ từ trèo lên, hay cũng chính là cách từ từ giải quyết bài toán.

Trong suốt 28 năm “chèo đò”, điều quý giá nhất với người thầy ấy chính là được “sống trong trái tim học trò”. Hình ảnh thầy giáo Nguyễn Đức Trường giàu nghị lực còn đi vào trang văn nghị luận của học trò trường Trung học cơ sở Đa Tốn. Có những học trò cũ đã sống ở châu Âu, châu Mỹ nhưng ngày 20/11 vẫn gửi thiệp về chúc mừng thầy…

Trong suốt 28 năm “chèo đò”, điều quý giá nhất với người thầy ấy chính là được “sống trong trái tim học trò”. Ảnh: Thầy Trường cung cấp

Trong suốt 28 năm chèo đò, điều quý giá nhất với người thầy ấy chính là được sống trong trái tim học trò. Ảnh: Thầy Trường cung cấp

“Tôi còn nhớ mãi món quà của em Mai Anh, một học sinh nghèo tặng tôi. Nhà em ấy chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Suốt nhiều năm liền, tôi kèm riêng em học miễn phí sau mỗi buổi đi dạy về.

Ngày 20/11, em ấy mang đến một chiếc cặp vải để tặng tôi. Khi tôi nhất quyết từ chối, em đã bật khóc. Hỏi ra mới biết, đó là chiếc cặp em tự may từ những miếng vải nhặt nhạnh được trong thời gian đi làm thuê. Món quà đó quý giá hơn bất kỳ thứ vật chất nào” - đôi mắt thầy chợt ánh lên niềm xúc động.

Trước thực trạng nhiều người không còn mặn mà với nghề giáo, thầy Trường không khỏi băn khoăn, nhưng cũng muốn nhắn nhủ đến những thế hệ học trò: “Nghề nào cũng nhiều khó khăn! Hiện nay, nghề giáo có thêm nhiều lựa chọn hơn ở các trường tư, trường quốc tế,… nhưng đã theo sư phạm thì phải xác định rằng, sản phẩm của nghề giáo là con người, niềm vui của nhà giáo đến từ thành công của học sinh. Nếu tìm một công việc để kiếm tiền thì tốt nhất không nên vào sư phạm, vì đây không phải môi trường để kiếm tiền”.

Viên Hạo