Còn nhiều bất cập
Vừa qua, nhiều giáo viên thư viện nhà trường đã có đơn kiến nghị về việc điều chỉnh cách tính tiền lương.
Trong đó, các giáo viên này kiến nghị xem xét để chuyển đúng chức danh là “giáo viên thư viện” thay vì “nhân viên thư viện” như hiện nay để họ được hưởng chế độ chính sách giống giáo viên (có phụ cấp đứng lớp và thâm niên nhà giáo).
Ngoài ra, các giáo viên thư viện cũng đề xuất chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức làm công tác thư viện - thiết bị vì có thời gian làm việc nhiều với các loại ẩm mốc, mực in, hóa chất độc hại, nguy hiểm (do có địa phương chưa thực hiện chi trả phụ cấp độc hại cho viên chức thư viện - thiết bị theo quy định của Chính phủ). Và bổ sung chế độ tiền lương kiêm nhiệm đối với những viên chức thư viện, thiết bị phải làm kiêm nhiệm thêm các công việc độc lập khác theo định mức biên chế vị trí việc làm đang còn thiếu ở đơn vị.
Ngoài ra, thực tế hiện nay theo quy định tại Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22/11/2022, về ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông thì người làm công tác thư viện ngoài công tác như lập kế hoạch bảo quản, lưu trữ, kiểm kê, thanh lọc và phát triển tài nguyên… còn phải tham gia dạy học.
Cụ thể, đối với thư viện trường tiểu học, hoạt động tiết đọc tại thư viện bảo đảm tối thiểu 2 tiết/học kỳ/lớp. Hoạt động tiết học tại thư viện bảo đảm tối thiểu 01 tiết/học kỳ/môn học hoặc liên môn do Hiệu trưởng trường tiểu học quy định phù hợp với chương trình giáo dục;
Theo quy định tại Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 22/11/2022, về ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông người làm công tác thư viện ngoài công tác như lập kế hoạch bảo quản, lưu trữ, kiểm kê, thanh lọc và phát triển tài nguyên… thì còn phải tham gia dạy học. |
Đối với trường trung học, hoạt động tiết đọc tại thư viện bảo đảm tối thiểu 03 tiết/học kỳ/lớp, nội dung do Hiệu trưởng trường trung học quy định phù hợp với chương trình giáo dục; Hoạt động tiết học tại thư viện bảo đảm tối thiểu 01 tiết/học kỳ/môn học hoặc liên môn do Hiệu trưởng trường trung học quy định phù hợp với chương trình giáo dục.
Ngoài ra, tại Quyết định số 61/1998/QĐ/BGD&ĐT ngày 6/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu: Giáo viên phụ trách công tác thư viện có nhiệm vụ thực hiện tham gia công tác hướng dẫn phương pháp sử dụng sách báo tư liệu và giảng dạy kiến thức thư viện cho học sinh; Tham dự hội thảo nghiệp vụ, hội nghị chuyên đề về công tác thư viện trường học; Tổng kết, phổ biến và áp dụng kinh nghiệm thư viện tiên tiến, tổ chức lao động khoa học trong thư viện.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, giáo viên phụ trách công tác thư viện phải tốt nghiệp sư phạm từ trung học trở lên và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thư viện.
Nếu là người phụ trách thư viện được đào tạo từ các trường nghiệp vụ thư viện, thông tin văn hoá thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên phụ trách công tác thư viện…
Với những quy định trên, theo nhiều giáo viên phụ trách công tác thư viện họ đáng được hưởng chính sách giống giáo viên như phụ cấp đứng lớp chứ không phải chính sách nhân viên thư viện như hiện nay.
Đồng lương chưa đủ sống
Yêu cầu công việc lớn, áp lực ngày một nhiều nhưng nhiều giáo viên phụ trách công tác thư viện trên 15 năm và thậm chí gần 20 năm mà tiền lương chỉ dao động 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Nhiều người tốt nghiệp đại học chính quy và cũng nhiều người đã nỗ lực học hỏi phấn đấu nâng cao trình độ lên đại học nhưng nhiều nơi vẫn chưa được thăng hạng khiến nhiều giáo viên thư viện để theo được nghề ngoài tiết kiệm, tối giản mọi nhu cầu cuộc sống các cô còn bươn chải đủ nghề để mưu sinh.
Cô T. ở Thường Xuân, Thanh Hóa kể, ngoài giờ làm việc cô làm bánh nhãn với các công đoạn nhào bột, tạo hình, chiên giòn, lăn đường và đóng gói rồi bán online. Vào mùa bánh nhãn cô T. phải tranh thủ thời gian, thậm chí thức đến 2 đến 3h sáng để làm để kịp đơn cho khách.
"Tôi mong lãnh đạo quan tâm hơn đến đời sống của những người làm công tác thư viện trường học như chúng tôi” - cô T. nêu ý kiến.
Cô T. rất vất vả để mưu sinh dù hoàn cảnh không có gì đặc biệt thì giáo viên thư viện trường học như cô Nguyễn Thị Hạnh (Trường Tiểu học Xuân Trường xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) càng vất vả hơn gấp bội.
Cô là một người làm công tác thư viện thiết bị trong trường tiểu học 16 năm. Số lương hiện cô được nhận hơn 5 triệu đồng/tháng. Với số lương đó, cô không đủ sống và nuôi con ăn học.
“Chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo mất tháng 8/2021, một mình tôi nuôi bốn con nhỏ, gia đình thuộc hộ cận nghèo” - cô Hạnh tâm sự.
Ở trường, ngoài công tác chuyên môn, cô Hạnh còn phải kiêm nhiệm thêm công việc hành chính văn thư và những công việc khác do hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phân công.
“Theo Thông tư 16, tôi còn phải học hỏi trau dồi nghiên cứu thêm kiến thức như phần mềm thư viện, thư viện số, thư viện điện tử, liên thông thư viện, phải soạn giáo án tiết đọc (đối với trường tôi là 10 lớp: soạn 2 tiết/học kỳ/lớp tức là tôi phải thực hiện tiết đọc là 40 tiết/năm. Thực tế mức lương quá thấp không thể lo cho bản thân và các con ăn học” - cô Hạnh nghẹn ngào kể.
Cô Hạnh mong muốn sớm có chính sách tiền lương phù hợp để nhân viên trường học như cô không bị thiệt thòi mà yên tâm công tác gắn bó với công việc, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trồng người.
Qua trao đổi với các cô thầy thư viện trường học, có thể thấy họ có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, đồng lương hiện tại trả còn thấp khiến cuộc sống khó khăn. Để theo được nghề phải bươn chải làm thêm để sống, lo cho con cái học hành.