Thiếu biên chế nhân viên thư viện: Bố trí văn thư, GV thiếu định mức kiêm nhiệm

21/10/2022 06:39
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu mua SGK cấp vào thư viện trường cho HS mượn, các trường sẽ phải bố trí nhân lực thư viện ra sao trong bối cảnh đang thực hiện tinh giản biên chế?

Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, trong đó nêu rõ: Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định, với định mức nhân viên thư viện, cấp trường tiểu học được bố trí 1 đến 2 người tùy theo hạng trường; cấp trường trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ bố trí 1 người.

Nếu thực hiện phương án trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cấp vào các thư viện trường để cho học sinh mượn như Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thì có ý kiến băn khoăn rằng, với nhân lực thư viện hiện có (hoặc chưa có) của các trường, liệu có đảm bảo được yêu cầu công việc khi tiếp nhận lượng sách lớn?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết:

“Đối với những trường không có nhiều nguồn lực về biên chế nhân viên thư viện, các trường nên chủ động bố trí nhân viên công tác về mảng thiết bị, nhân viên văn thư hoặc giáo viên chưa đủ số tiết dạy theo định mức để kiêm nhiệm thêm công tác thư viện nhà trường.

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu (Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu)

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu (Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu)

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường cần chỉ đạo nhân viên công tác thư viện hướng dẫn các thầy cô hỗ trợ, các em học sinh sắp xếp gọn gàng, hợp lý để thuận tiện cho việc quản lý và tìm kiếm sách giáo khoa, sách tham khảo…

Ngoài ra, với những trường có thư viện chưa đạt chuẩn về cả biên chế nhân viên và cả cơ sở vật chất, thì nên tổ chức sắp xếp các đầu sách, tài liệu tham khảo một cách hợp lý nhất để tránh ẩm mốc và thất thoát, gây lãng phí và những rủi ro không đáng có trong quá trình sử dụng”.

Cũng theo ông Phương cũng chia sẻ, biên chế nhân viên thư viện và điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều trường học thuộc tỉnh Lai Châu còn khó khăn, chưa đạt chuẩn.

Trong đó, có 47 trường chưa có nhân viên thư viện gồm 25 trường tiểu học, 20 trường trung học cơ sở và 2 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Không chỉ riêng biên chế thư viện, hiện toàn tỉnh còn 82 trường chưa có thư viện đạt chuẩn về cơ sở vật chất, hầu hết các trường đều đang sử dụng phòng học, phòng công vụ làm phòng thư viện tạm thời.

Do vậy, ông Phương đưa ra lời khuyên rằng, nếu sách giáo khoa được cấp về các cơ sở giáo dục để cho học sinh mượn, học sinh nên tự quản lý và bảo quản trong năm học, việc này giống như phân chia sách đầu năm học. Đến kỳ nghỉ hè, các trường mới thu lại và bảo quản tại thư viện nhà trường để tránh được tối đa những khó khăn.

Cũng đồng tình về quan điểm trên, thầy Nguyễn Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Sơn, Huyện Quốc Oai, Hà Nội cho hay:

“Kể từ khi có Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV (sau thay thế bằng Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT) thì nhân viên công tác thư viện mỗi trường trung học cơ sở chỉ được bố trí 1 người.

Bản thân Trường Trung học cơ sở Yên Sơn cũng như các trường trung học cơ sở khác cũng đã quen với việc này trong nhiều năm nay. Nếu có lượng sách lớn được cấp về thư viện cho học sinh mượn thì nhìn chung cũng giống như việc phát sách cho học sinh đăng ký mua tại trường hàng năm. Nhà trường vẫn có thể sắp xếp và phát sách cho các em học sinh chỉ trong vài buổi là có thể hoàn thành được.

Vậy nên, Trường Trung học cơ sở Yên Sơn mỗi năm gần đây đều đã có kế hoạch phù hợp trong việc phân chia sách đến cho học sinh đăng ký mua dù chỉ có một biên chế nhân viên thư viện”.

Nhiều trường học từ lâu đã quen với việc có ít biên chế nhân viên thư viện nên sẽ có cách sắp xếp hợp lý khi tiếp nhận sách (Nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Nhiều trường học từ lâu đã quen với việc có ít biên chế nhân viên thư viện nên sẽ có cách sắp xếp hợp lý khi tiếp nhận sách (Nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Thầy Phúc chia sẻ thêm, khi trường có một nhân viên thư viện thì người nhân viên đó sẽ là người quản lý và lên kế hoạch sau đó sẽ chia lượng sách cần ra cho giáo viên chủ nhiệm các lớp và nhà trường cũng sẽ phân công thêm cán bộ từ các bộ phận khác khác hỗ trợ.

Như tại trường Trung học cơ sở Yên Sơn, có khoảng 6 - 7 cán bộ viên chức văn phòng khác nữa nên những người này có thể hỗ trợ nhân viên thư viện nhận, kiểm đếm cũng như sắp xếp và phân chia sách đến các bạn học sinh cần được mượn.

Thầy Phúc tin rằng, việc ít biên chế nhân viên thư viện gần như sẽ không ảnh hưởng gì đến đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về mua sách giáo khoa cấp vào thư viện các nhà trường cho học sinh mượn. Sắp xếp tốt công việc và lực lượng hỗ trợ thì sẽ không làm phát sinh biên chế viên chức thư viện.

Do vậy, thầy Phúc cùng các lãnh đạo nhà trường hi vọng chính sách này sớm được triển khai để có thể tiết kiệm chi phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi mỗi bộ sách giáo khoa hàng năm có giá khá cao, bộ sách của chương trình mới còn có chi phí cao hơn 2 - 3 lần so với bộ sách cũ.

Trà My