Trong thời gian gần đây, đội ngũ nhà giáo rất quan tâm đến thông tin xung quanh việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Để có cái nhìn đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục về vấn đề này.
Trước vấn đề băn khoăn, có phải tất cả giáo viên có nhu cầu thăng hạng cũng như giáo viên không có nhu cầu thăng hạng đều phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng: "Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: “Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó” và “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”.
Triển khai thực hiện Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (ảnh nguồn Báo Giáo dục và Thời đại). |
Theo đó, giáo viên mỗi cấp học phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng đã được bổ nhiệm (trong đó có tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”, cũng là yêu cầu chung đối với các viên chức, không chỉ riêng đối với viên chức ngành giáo dục).
Theo các Thông tư liên tịch nêu trên thì hiện nay, đối với hạng chức danh nghề nghiệp thấp nhất của mỗi cấp học (hạng IV đối với cấp mầm non, tiểu học; hạng III đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông) thì chưa có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các hạng còn lại đều có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp".
Liên quan đến việc nhiều giáo viên băn khoăn là khi các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có hiệu lực, họ đã được cơ quan quản lý chuyển xếp từ ngạch giáo viên hiện hành sang các hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng rồi, tại sao họ vẫn phải tham gia học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ông Phạm Tuấn Anh giải thích: Sở dĩ có tình trạng này là vì khi xây dựng và ban hành các chính sách, nhà quản lý bao giờ cũng phải tính đến “độ trễ” của các chính sách.
Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập thông qua các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo Luật Viên chức là nội dung mới, bắt đầu thực hiện từ sau khi Luật Viên chức được ban hành và có hiệu lực.
Quy định về chứng chỉ, ai là người hưởng lợi nhiều nhất, có phải thầy cô không? |
Khi xây dựng các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, dự tính việc chuyển xếp từ ngạch giáo viên sang các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không đảm bảo tiến độ nếu yêu cầu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập ngay lập tức phải có đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Do đó, tại thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ về việc chưa yêu cầu bắt buộc đội ngũ giáo viên phải có đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp), để tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên khi chuyển xếp lương từ các ngạch giáo viên hiện giữ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Điều đó đồng nghĩa với việc khi được chuyển từ ngạch sang hạng, đội ngũ giáo viên còn “nợ” một số điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp).
Trong điều khoản áp dụng tại các Thông tư liên tịch đều có quy định “cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên được bổ nhiệm”.
Do đó, ngay từ khi các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực, sau chuyển xếp giáo viên từ các ngạch giáo viên hiện hành sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc phân công công việc cũng như các vấn đề khác có liên quan để cử giáo viên tham gia bồi dưỡng, hoàn thiện những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc này chưa được các địa phương thực sự quan tâm. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường đôn đốc, giám sát, yêu cầu các địa phương thực hiện việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định.
Bồi dưỡng thường xuyên, những điều giáo viên cần biết |
Môt vấn đề mà nhiều giá viên thắc mắc đó là việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ là không đúng, vì kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối viên chức là do ngân sách nhà nước chi trả ông Phạm Tuấn Anh cho rằng: "Theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định đối với cán bộ, công chức và viên chức được quy định khác nhau.
Trong đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được quy định từ các nguồn: do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/NĐ-CP, năm 2018, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Thông tư số 36, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài Chính, việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng là không sai.
Mức thu cụ thể đối với từng khóa học, ở từng cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thể có sự khác nhau ít nhiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khoảng cách địa lý, địa điểm học, số lượng học viên/khóa học…
Các yêu cầu về chương trình bồi dưỡng, thời lượng bồi dưỡng, tài liệu bồi dưỡng, báo cáo viên tham gia bồi dưỡng, vv…phải đảm bảo đúng các quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn"..
Trước thắc mắc, việc thu tiền học thăng hạng giáo viên là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, theo ông Phạm Tuấn Anh: “Để hiểu đúng và đầy đủ về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên, cần có một cái nhìn tổng thể các quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Giáo viên cũng là viên chức nên ngoài các chế tài của Luật Giáo dục, các hoạt động nghề nghiệp của giáo viên còn được chế tài bởi Luật Viên chức.
Quy định về chứng chỉ, ai là người hưởng lợi nhiều nhất, có phải thầy cô không? |
Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định gồm có 4 hình thức bồi dưỡng, bao gồm: bồi dưỡng tập sự;
bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý;
Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.
Việc bồi dưỡng được nhắc đến trong Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT chính là hình thức bồi dưỡng thứ 4 nêu trên, đối với ngành Giáo dục gọi là bồi dưỡng thường xuyên.
Thực tế trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên các cấp đúng quy định.
Việc giáo viên tham gia bồi dưỡng nhằm mục đích bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bắt buộc hằng năm để phát triển nghề nghiệp. Hoạt động bồi dưỡng này giáo viên không phải nộp kinh phí.
Còn việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp chính là hình thức bồi dưỡng thứ 2 nêu trên và cũng là quy định mới, được thực hiện sau khi Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức có hiệu lực.
Đây là hình thức bồi dưỡng áp dụng đối với viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực (trước đây trong lịch sử quản lý, sử dụng viên chức không có hình thức bồi dưỡng này).
Hình thức bồi dưỡng này đáp ứng nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên để tích lũy đủ tiêu chuẩn nhằm mục đích thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
Đối với ngành Giáo dục, thực tế là cho đến năm 2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện việc ban hành các văn bản, quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thì các địa phương mới bắt đầu triển khai công tác bồi dưỡng.
Việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên khác với bồi dưỡng thường xuyên là giáo viên không phải tham gia bồi dưỡng hằng năm.
Đối với mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, nếu có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì giáo viên chỉ phải tham gia bồi dưỡng một lần trong suốt quá trình giữ hạng.
Như vậy, nếu không có nhu cầu thăng hạng, trong toàn bộ thời gian hoạt động nghề nghiệp, giáo viên chỉ cần tham gia bồi dưỡng một lần duy nhất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hạng đã được bổ nhiệm".
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, thời gian vừa qua, có một số địa phương có sự hỗ trợ nhất định về kinh phí (một phần hoặc toàn phần) đối với giáo viên tham gia học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, điều này hoàn toàn đúng quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rất khuyến khích cách làm này.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ đó sẽ không thể thực hiện thống nhất giữa các địa phương, vùng miền, thậm chí giữa các quận/huyện trên cùng một tỉnh/thành phố mà hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nguồn ngân sách của từng địa phương, vùng miền.
Chúng tôi chỉ khuyến nghị với các địa phương là nếu có chính sách hỗ trợ giáo viên về kinh phí học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì nên tính toán, cân nhắc để đảm bảo sự hỗ trợ ấy được duy trì ổn định và đồng đều giữa các cấp học, khu vực trên địa bàn và hằng năm.
Vì như chúng ta biết, đội ngũ viên chức ngành giáo dục chiếm số lượng đông đảo (chiếm hơn 70% tổng số viên chức toàn quốc), do đó, kinh phí để hỗ trợ (nếu có) tính ra sẽ rất lớn, trong khi ngân sách của nhà nước cấp cho Giáo dục của một địa phương được tính toán và điều chỉnh theo từng năm tài chính.
Nếu trên cùng một địa phương, sự hỗ trợ về kinh phí bồi dưỡng không có sự thống nhất giữa các quận/huyện, không đảm bảo sự duy trì thường xuyên giữa các năm khác nhau sẽ gây mất công bằng đối với các đối tượng tham gia bồi dưỡng.