LTS: Chủ đề “Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông” đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, thầy giáo Nguyễn Văn Lự bày tỏ thái độ đồng tình, kỳ vọng lớn với dự kiến của Bộ GD&ĐT nhưng cũng nêu ra những thách thức mà các nhà quản lý cần nhìn nhận rõ ràng trước khi đi vào thực hiện.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã phác họa những nét chính của bức tranh Giáo dục tương lai. Thừa nhận đến lúc tất yếu phải đổi mới giáo dục nhưng những băn khoăn, hoài nghi, cả đồng tình và phản đối vẫn phảng phất trong ý nghĩ và ánh nhìn chúng ta.
Hai giai đoạn của mục tiêu mới
Với thiết kế chương trình 12 năm gồm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) hướng đến mục tiêu tiếp cận năng lực người học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thay đổi toàn diện, căn bản tất cả các khâu từ nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, đến kiểm tra đánh giá, thi cử, quản lý và công tác thực hiện…
Một chương trình chung với nhiều sách giáo khoa được thống nhất quản lý nhưng phân cấp tự chủ và linh hoạt sẽ dành cho mỗi địa phương cơ hội lựa chọn phù hợp đối tượng và điều kiện vật chất hạ tầng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới làm thay đổi nhận thức về mục tiêu đào tạo con người, đào tạo nhân lực.
Từ việc nhồi nhét, trang bị tri thức hàn lâm, có thể biến học sinh thành “ông cụ non” biết nhiều, biết sâu nhưng lại không biết giải quyết một vấn đề cuộc sống.
Chương trình giáo dục phổ thông mới làm thay đổi nhận thức về mục tiêu đào tạo con người, đào tạo nhân lực (Ảnh: thanhnien.com.vn) |
Ví như, người Việt không hiểu tiếng mẹ đẻ, không biết dùng từ, tạo câu, diễn đạt; biết nhiều ngôi sao nghệ thuật nhưng không có thông tin gì về anh hùng dân tộc; giải toán tích phân thành thạo nhưng không biết tính phần trăm, nếu không có máy tính…vẫn đang là những trở ngại nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam trong những năm tới.
Hàng chục thế hệ, ngoại trừ những người ưu tú, hiểu biết mơ màng; học vị, bằng cấp, chứng nhận này kia nhưng vừa yếu về học thức, vừa rỗng về kỹ năng lại vừa mơ hồ về tri thức đang làm nhức nhối hồn Việt, đang làm nước Việt yếu dần, tụt dần về phía sau.
Thay đổi mục tiêu giáo dục đào tạo lần này thật đúng như cuộc cách mạng về con người: chuyển từ mục tiêu dạy học sinh biết càng nhiều càng tốt sang mục tiêu “học để biết, học để đi làm, học để chung sống và học để khẳng định mình”!
Hướng đến 3 phẩm chất (yêu thương, tự chủ và trách nhiệm); đào tạo năng lực chung (tự học, học cách học, tự chủ, tự quản, xã hội, hợp tác, giao tiếp, tư duy và giải quyết vấn đề, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông).
Chương trình giáo dục phổ thông mới thực sự đã đảm bảo đúng hướng, đảm bảo đúng xu thế chung của giáo dục nước ta và thế giới hiện đại.
Phương pháp hiện đại: tích hợp và phân hóa
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã xác định xương sống xuyên suốt chương trình 12 năm phổ thông là dạy tích hợp kết hợp dạy phân hóa đối tượng.
Một số môn tích hợp mới, ở tất cả các khâu, dành cho từng lớp/cấp từ lớp 1 đến 11 và các môn tích hợp hiện nay góp phần giảm bớt gánh nặng chương trình, đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Đến lớp 12, học sinh không học tích hợp, theo tôi là hợp lý, dành nhiều điều kiện học chuyên đề nâng cao để thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Dạy học phân hóa tiếp tục được chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt coi trọng như một phương pháp giáo dục cốt lõi sẽ làm biến đổi chất lượng giáo dục.
Nếu làm nghiêm túc, từng học sinh và nhóm học sinh sẽ có thể khắc phục được những chênh lệch mức thang tri thức (Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém), phát huy năng lực học sinh khá giỏi, nâng dần nhóm yếu kém, tạo cơ hội phát triển toàn diện năng khiếu, sở trường, tài năng và chuẩn bị tốt chọn nghề tương lai.
Việc học các môn bắt buộc và môn tự chọn linh hoạt, mềm dẻo cũng tháo gỡ nhiều hạn chế, tiêu cực trong dạy và học, thi và sau thi…
Để khắc phục khó khăn về môn tự chọn và trải nghiệm thực tế, Bộ cho phép giáo viên thỉnh giảng; phối hợp với trường bạn, các cơ sở kinh tế, các tổ chức chính trị xã hội để học sinh được học tự chọn và trải nghiệm sáng tạo.
Đầu tư giảng dạy tốt 8 môn (Ngôn ngữ và Văn học, Toán, Đạo đức - Công dân, Thể chất, Nghệ thuật, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ - Tin học), thực hành trải nghiệm sáng tạo là 2 hoạt động chính của nhà trường phổ thông.
Việc học sinh tự chọn theo môn, theo nghề, năng lực hay nhóm hoặc mở rộng nâng cao với ngưỡng cần đạt là cách làm mới rất thiết thực.
Bộ Giáo dục dự kiến thay đổi hoàn toàn Chương trình giáo dục phổ thông(GDVN) - Các lĩnh vực Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức- Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ - Tin học. |
Chương trình tự chọn đã dành cho học sinh nhiều cơ hội học tập, tu dưỡng và trải nghiệm. Thực sự lấy học sinh làm đối tượng phục vụ, làm mục tiêu nhưng lại là thách thức lớn cho cán bộ quản lý, giáo viên và xã hội.
Vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ và trình độ quản lý còn nhiều bất cập cùng với sự trì trệ hệ thống cơ chế chính sách, chương trình, điều kiện thực tế địa phương có thể trở ngại lớn cho dạy phân hóa và tự chọn.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt nhiều kỳ vọng vào trải nghiệm sáng tạo và quyết tâm làm tốt, làm hiệu quả thực hiện tốt chủ trương đúng đắn của Đảng gắn giáo dục với cuộc sống và cộng đồng; học và hành đúng nghĩa của nó.
Kỳ vọng lớn
Sẽ có những băn khoăn và hoài nghi tính khả thi của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù sao chúng ta cũng chưa thể biết được nhiều hơn và cụ thể hơn bức tranh cải cách giáo dục trong từng nội dung, từng biện pháp…
Vấn đề được quan tâm nhất là sự đổi mới này đến đâu và đem lại hiệu quả như thế nào; cơ chế vận hành có thông thoáng và đúng hướng? Vẫn những con người ấy, trình độ ấy, cơ chế giáo dục và hành lang pháp lý như thế, chương trình giáo dục phổ thông mới liệu có được chấp nhận và thành công?
Thuận lợi nhiều và thách thức cũng nhiều, những tình huống điển hình đã được Bộ giáo dục nêu lên với những hướng khắc phục, chắc chắn chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện dần dần qua từng năm học.
Chúng ta, người trong ngành hay ngoài ngành giáo dục, sẽ tin tưởng vào đường lối giáo dục của Đảng, tin vào cuộc đổi mới lớn lao này của Bộ giáo dục.
Thay đổi nhận thức và hành động trong hoạt động đào tạo con người, từ cán bộ đến nhân dân, cùng nhau suy ngẫm và tích cực đóng góp cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là việc làm thực sự cần thiết và có ý nghĩa.
Tất nhiên, Bộ giáo dục và Đào tạo còn nhiều và rất nhiều nỗ lực trong từng giai đoạn và từng công việc cụ thể. Sự dân chủ và cầu thị của Bộ Giáo dục cũng sẽ tranh thủ được nhiều trao đổi quý giá của chúng tôi và quý vị trong những nội dung chương trình công bố tiếp theo.