Chứng “cuồng sao” của giới trẻ Việt

28/03/2012 14:39
Diệu Linh (Báo in 29A2, HV BC&TT)
(GDVN) - Mỗi bạn trẻ đều cần có một thần tượng. Tuy nhiên, khi sự hâm mộ đã đến mức“cuồng” thì họ cần xem lại hành động của mình.

Khi sự hâm mộ vượt quá giới hạn

“Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior, em yêu Super Junior nên nếu như anh muốn em qua đêm với anh để nhường cho em 1 chiếc vé, em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em...”. Chắc hẳn không ít người sẽ giật mình hoảng hốt khi biết những lời trên là của một nữ sinh khi ấy mới chỉ 17 tuổi.
Chị Thu Thủy (Giảng viên ĐH Bách Khoa) tâm sự: “Mình thấy 9x bây giờ có một tình yêu vô biên với đất nước Hàn Quốc, mà nào có phải quan tâm gì đất nước họ đâu, chỉ là thích ca sĩ này, diễn viên nọ thôi. Cũng không biết những thần tượng đó cho các bạn ấy cái gì mà lại phát điên lên vì họ như vậy”.
Cũng không phải không có lý khi có những nhận xét như vậy. Năm 2010, vào ngày Quốc Khánh Việt Nam, một bộ phận “fan cuồng” còn kêu gọi nhau treo quốc kỳ Hàn Quốc trên avatar (hình ảnh đại diện) để phản đối V-pop?!!

Bên cạnh đó, đã có “fan” thì hẳn nhiên cũng có một bộ phận xưng tên là “anti-fan” (những người phản đối thần tượng). Hai lực lượng đều rất đông đảo này thường xuyên gây chiến nhau trên mọi diễn đàn bằng mọi cách, bằng mọi lời lẽ để bêu xấu thần tượng đối phương nhằm đẩy cao giá trị thần tượng của mình (?).

Ngày nay, bộ phận anti-fan không bôi nhọ các thần tượng khác nữa mà chuyển sang hình thức tinh vi hơn là giả danh làm fan để có những phát ngôn gây sốc, làm xấu đi hình ảnh của những người hâm mộ chân chính. Thật giả lẫn lộn khiến người ngoài không cách nào phân biệt đành xếp chung họ vào “fan cuồng”.

Những dòng chữ sau đây đã khiến rất nhiều người bức xúc và sau khi được phân tích, tìm hiểu thì phát hiện ra là ngôn từ của một anti-fan:“Nếu có 1 ngày thế giới phản bội Super Junior, ELF (tên gọi fanclub của Super Junior) cũng sẽ phản bội cả thế giới. Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu ko cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng đã biết điều và để mình đi...”

Chính cái gọi là “văn hóa thần tượng vô văn hóa” này đã làm cho một bộ phận những bạn trẻ bị xã hội lên án gay gắt. Họ có suy nghĩ rất ngông cuồng và dùng những lời lẽ hoàn toàn không một ai có thể chấp nhận được để nói về bố mẹ. Mà “họ” ở đây chỉ là những cô bé còn đang ngồi trên ghế nhà trường!!

“Gia đình là phù du, Suju là tất cả!” (Ảnh : Internet)
“Gia đình là phù du, Suju là tất cả!” (Ảnh : Internet)

Những giá trị cuộc sống bị đảo lộn

Theo Thùy Trang (ĐH Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội) thì sau một vài lần tham gia các buổi gặp gỡ của fanclub nhóm nhạc 365, Trang đã phải lặng lẽ rút lui. “Tần suất các buổi đi chơi của fanclub nhiều đến nỗi mình không biết các bạn ấy lấy đâu ra tiền nữa, đều đang là học sinh sinh viên thôi mà...”.

Chưa hết, không chỉ tiền đi chơi với fanclub, các thành viên còn phải thường xuyên chuẩn bị quà cho thần tượng mình vào các dịp đặc biệt như kỷ niệm ngày ra mắt, ngày sinh nhật, Giáng sinh, Tết,... Họ chăm sóc cho thần tượng còn hơn cả cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, là fan của nghệ sỹ Việt, nếu thường xuyên tham gia các buổi đi chơi cùng fanclub, họ sẽ có nhiều cơ hội được tiếp xúc với thần tượng của mình, thậm chí còn được liên lạc, trò chuyện với họ,... toàn bộ thời gian đều được dành cho thần tượng, và vì vậy, chuyện học hành cùng những chuyện khác đều trở thành thứ yếu!

Trước khi lên được sân khấu, “sao” phải thoát được “rừng” fan tại sân bay (Ảnh: Internet)
Trước khi lên được sân khấu, “sao” phải thoát được “rừng” fan tại sân bay (Ảnh: Internet)
Vài năm trở lại đây, những nghệ sỹ nước ngoài tới biểu diễn tại Việt Nam nhiều hơn, và chúng ta cũng được chứng kiến những kiểu hâm mộ quả thật rất... kinh dị?! Những cảnh khóc lóc, xô đẩy, chen chúc và hò hét gây náo loạn tại sân bay khi thần tượng đến và đi; những bạn trẻ liên tục ngất xỉu hoặc giả vờ ngất xỉu trong buổi biểu diễn của thần tượng, những “bãi chiến trường” mỗi khi cơn lốc thần tượng đi qua... Tất cả những điều đó khiến xã hội nhìn vào các “fan hâm mộ” đầy ác cảm.

Cũng trong trào lưu hâm mộ đó, lại có những bạn trẻ sống trong ảo tưởng về một thế giới của nghệ sỹ đầy ánh hào quang. H.M (THPT Thăng Long) luôn mơ về một ngày nào đó mình cũng sẽ là nghệ sỹ nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ vây quanh, được các tờ báo săn đón. Có lẽ sự nổi tiếng nhanh chóng của một số hiện tượng (trong đó có cả “thảm họa Vpop”) đang là những liều thuốc đầu độc tâm hồn của các bạn trẻ về sự “nổi tiếng” quá dễ dàng.

B.Ngọc (ĐH Thương Mại) chia sẻ: “Mình cũng rất thần tượng một nhóm nhạc của Hàn Quốc. Mỗi khi buồn chuyện gì đó, mình lại nghe nhạc, xem một số chương trình có thần tượng của mình tham gia để cảm thấy cân bằng hơn, sau đó lại trở về nhịp sống bình thường. Mình nghĩ một số bạn đang thể hiện sự hâm mộ một cách ngông cuồng hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì”.

Mỗi người đều có quyền hâm mộ thần tượng họ yêu thích, tuy nhiên, cần phải thể hiện tình cảm đó một cách có văn hóa và chừng mực để việc hâm mộ không trở thành lố bịch đối với những người xung quanh.
Diệu Linh (Báo in 29A2, HV BC&TT)