Có một Hà Giang như thế!

08/06/2012 15:10
Như Quỳnh, Báo In K31A1
(GDVN) - Tôi đã gặp đá núi Hà Giang xù xì rợn sắc, nhưng cũng gặp loài hoa tam giác mạch dịu dàng, duyên dáng và tinh khôi.
Không giống với các tỉnh còn lại của Việt Bắc, gần gũi thân thương bởi những căn nhà bám mặt đường, với những sắc áo chàm thấp thoáng ven đường, bên những thửa ruộng trong thung lũng… Tôi bắt gặp một Hà Giang hoàn toàn khác, nơi có cung đường hạnh phúc thăm thẳm, hun hút với sự hùng vĩ của vực sâu , con đường ngoằn ngoèo hoang vu và mỏng manh như sợi chỉ vắt ngang qua từng ngọn núi, những ngôi nhà vắt vẻo trên lưng chừng núi, thấp thoáng xa xăm mây gió đại ngàn…

Vâng, một Hà Giang của núi đá vực sâu và một Hà Giang của sắc hồng rạng ngời quyến rũ hoa tam giác mạch - mà không phải nơi nào cũng có được.

Sừng sững núi đá

Không ở đâu có những cung đường đẹp như Hà Giang với cảnh quan kì thú, hùng vĩ, trập trùng uốn lượn, lúc nắng lúc sương, khi ẩn khi hiện, nửa thực nửa hư. Những ngọn núi đá trọc trụi chen lẫn những khu rừng nguyên sinh… Đá và đá. Đá hùng vĩ dựng thành vách, đón từng đoàn xe từ Quản Bạ lên Yên Ninh, Đồng Văn sang Mèo Vạc. Đá phô diễn vẻ gai góc và vững chắc xù xì của mình trong tư thế vừa hiên ngang vừa bí hiểm. Đá núi vạm vỡ, săn chắc tựa chàng trai tuổi đôi mươi hừng hực sức trẻ.

Cao nguyên đá. Đúng! Chỉ có thể gọi nơi này là như thế. Cây cỏ thưa thớt. Chim chóc lại càng không thấy. Mỗi hốc đá người ta vùi vào đấy mấy hạt ngô, rồi lại nhờ sương gió của trời mà lớn lên cho đời cái ăn. Có vài nếp nhà nhỏ bé nép mình bên vách núi, gió hoang vu, cảnh vật tuềnh toàng, chênh vênh trong trập trùng những dãy đá lô nhô, cả những tảng đá sắc cố nhoi mình đón mây trời.

Ấn tượng với du khách là núi đá ngút ngàn, sừng sững.
Ấn tượng với du khách là núi đá ngút ngàn, sừng sững.

Họ hàng nhà đá, xếp hàng trầm mặc bên nhau, kiên nhẫn chờ đợi. Một vài góc đá đau thương tan tành bởi một cuộc phá mìn của con người. Nhưng dẫu có thế, đá vẫn tồn tại và tạo nên điều huyền diệu. Nắng cứ chênh chếch xiên ngang đèo với những con dốc cao vút. Tiếng động cơ vang lên vỗ vồn vã vào vách đá tạo nên âm thanh kỳ diệu từ vách đá vọng ra, đôi tai thực sự đã cảm thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên. 

Dọc đường đi, thỉnh thoảng có vài chiếc xe đi ngược, mỗi lần tránh nhau thót cả tim dù bác tài xế rất có kinh nghiệm chạy đường đèo. Từ lâu lắm rồi, cao nguyên đá Đồng Văn - Quản Bạ được coi là vùng đá khắc nghiệt, nhưng cũng là vẻ đẹp kỳ diệu của miền đá cổng trời.

Ai đã từng đến Vân Nam, Trung Quốc, từng ghé qua Thạch Lâm thường trầm trồ trước vẻ đẹp lạnh lùng của rừng đá - nơi bộ phim Tây du kí lấy làm bối cảnh. Thạch Lâm đẹp, oai phong nhưng chỉ rộng chưa đầy trăm cây số vuông. Còn ở Hà Giang, dù khiêm tốn về vóc dáng, chiều cao nhưng cao nguyên đá rộng gấp 15 lần, cực kì phong phú về địa chất và hình dạng. Trên bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá còn giữ nguyên trạng thái phong hóa tự nhiên. Không có dấu vết gia công nhân tạo mà chỉ có sự sắp đặt lại của các cư dân cổ khi xếp chồng tấm đá này lên tảng đá lớn bên trên dưới bằng ba khối đá nhỏ hơn, kê theo hình tam giác. 

Núi đá với con người từ lâu đã khăng khít
Núi đá với con người từ lâu đã khăng khít

Sự tác động trong sắp đặt cấu trúc tảng đá theo chủ đích nhất định khiến nó phân biệt hẳn với các tảng đá tự nhiên khác. Từ nhà ra đường, từ phố lên rẫy, từ sông đến núi, chỗ nào cũng đá và đá. Cứ như đá cả nước dồn về tụ hội. Là nơi duy nhất ở Việt nam được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”, hình thành từ địa hình đá vôi, kiến tạo qua bao nhiêu biến đổi cách đây hơn 400 triệu năm và rộng hơn 1500km2. Có lẽ vì thế, Hà Giang để lại ấn tượng sâu đậm với khách du lịch.

Người dân Hà Giang nói rằng, đến Đồng Văn nếu du khách chưa đặt chân lên đỉnh Lũng Cú thì coi như chưa tới Đồng Văn, đơn giản bởi Lũng Cú được coi là nóc nhà của Việt nam, nơi mà “cúi sát đụng đất, ngửng mặt đụng trời”. Ngắm đá Hà Giang không nên bỏ qua việc ngắm trên đỉnh Mã Phì Lèng, thu vào tầm mắt là sự kì vĩ của thiên nhiên, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi những khối đá khổng lồ, ngút ngàn, xa xa dưới độ sâu hun hút gần ngàn thước là dòng sông Nho Quế, mảnh như dải lụa ẩn hiện, lặng lẽ trôi như bất chấp sự khắc nghiệt của không gian, thời gian.

Dịu dàng sắc hoa

Cánh rừng nguyên sinh sát biên giới với những tán cây cổ thụ rung rinh bừng sự sống. Tôi như  lặng người đi trước thiên nhiên hoang dại, tự do, bất tận. Trên những sườn núi núi ở vùng núi cao, khi lúa ở những thửa ruộng bậc thang đã gặt xong, có một sắc màu khá lạ và quyến rũ mới phát hiện ra, đó là màu đỏ của hoa tam giác mạch.

Hoa tam giác mạch, vẻ đẹp diệu kì, huyền bí.
Hoa tam giác mạch, vẻ đẹp diệu kì, huyền bí.

Tam giác mạch không gợi về một loài hoa nhưng lại là hoa rất đẹp, màu hoa phớt hồng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Gọi là quý, bởi đồng bào dân tộc nơi đây thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh, hoặc dùng hạt trộn với ngô để nấu rượu, tạo nên hương vị khá đặc biệt của rượu Cốc Pài (Xín Mần).

Hoa tam giác mạch có vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ như người con gái đang độ xuân thì. Hoa thơm thảo trong tay người nắm giữ, bí ẩn và ngỡ ngàng trong mắt kẻ ngắm nhìn. Từng chùm hoa nhìn từ xa đẹp như dải tuyết đã ánh lên sắc hồng của nắng xuống thung lũng. Trên lưng chừng núi đá, những cành tam giác mạch vươn lên, tự tin phô sắc khoe với núi rừng. Giữa gam xanh của thực vật rừng nguyên sinh, màu xám của đá núi, xanh ngắt của da trời, bỗng sống động những sắc màu ấm áp của loài hoa đặc biệt này.

Xe chúng tôi đi giữa mưa trơn, bùn níu giữ đặc quánh bánh xe và chân người. Điều thật lạ, sắc hoa khiêm nhường và tinh khôi ấy như che chắn vực sâu, đá núi khiến con người ta có cảm giác bình tâm. Tam giác mạch níu vào nhau như đan níu vào câu chuyện cổ tích. Đá và hoa hòa quyện, ôm ấp nhau, dịu dàng mà nồng cháy những câu chuyện yêu thương. 

Con người nơi đây vừa mang vẻ đẹp mạnh mẽ, hoang sơ, thô mộc của núi rừng lại vừa lấp lánh vẻ đẹp tươi tắn, tràn đầy hi vọng nơi góc khuất tâm hồn.

Trong sắc chiều tím thẫm, hay trong làn mưa ảm đạm kia, vẻ đẹp đối lập mà hài hòa của đá núi và tam giác mạch vẫn như một giấc mơ bay theo làn sương giăng tan hay tụ lại.  Ai đó đã mang theo giấc mơ chập chờn về hạnh phúc không thành, thì hãy đến với Hà Giang. Hãy chạm đến đá và hoa qua ánh mắt và tấm lòng để cho sắc hoa thêm một lần tinh khôi hi vọng… Trở về với thiên nhiên, con người sẽ cảm thấy yên bình và lãng mạn hơn, cuộc sống bỗng chốc bình dị và nên thơ hơn. Bởi vậy mà có những con đường nơi đây được gọi là cung đường… hạnh phúc. Tất cả như một dấu hiệu của nhận biết, của nỗi nhớ và của cả thân thương.

Nếu không có phạm trù đối lập ấy – làm sao có một Hà Giang hoàn hảo của xa xôi, hoang vu và ký ức cũng như hiện tại - của gần gũi và ấm áp với những ước mơ ta phải tin là có thật ở trên đời! 
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Như Quỳnh, Báo In K31A1