Khu phố “thiên đường”

29/04/2012 11:48
Nguyễn Xuân Hoàng (Báo in 29A2)
(GDVN) - Người Trung Quốc có câu: “Trên có thiên đàng/dưới có Tô, Hàng nhị châu”. Còn người Ninh Hiệp từ lâu đã xem khu phố xinh xắn này là thiên đàng.
Ninh Hiệp, một khu phố xinh xắn của huyện Gia Lâm nằm bên kia sông Hồng. Đường phố rộng với hàng vải muôn màu trải dài tít từ đầu đến cuối phố. Mỗi khi gió lộng thốc những tấm vải hai bên đường bay lên, lúc ấy ta cứ ngỡ đường phố như có triệu triệu con bướm xập xòe tung bay trong gió. Ở đó, có những dãy nhà cao vừa phải, bình dị như đúng tính cách của con người nơi đây.

Ban đêm đi dưới ánh đèn nêông xanh dịu, ta có thể tận hưởng cái vẻ đẹp đê mê. Đó là vẻ đẹp sặc sỡ sắc màu. Đôi lúc là tiếng rin rít của gió luồn trong vải vóc như bản nhạc khôn nguôi mà thao thao bất tuyệt.
Nhìn từ ngoài vào trong, Ninh Hiệp với những con đường nhuốm kín sắc màu. Đó là thiên đàng của vải vóc. Bởi đập trước mắt bạn đâu đâu cũng là vải. Vải giăng mắc kín hai bên đường. Vải treo từ trong ra ngoài. Treo từ tầng một treo đến tầng hai, tầng ba. Vải treo trên các móc giá và tung bay phần phật theo từng trận gió. Rồi có những cuộn vải to bằng vành nón, vành xe đạp lại nằm im bất động. 

Vải vóc ngập tràn chợ Ninh Hiệp (Ảnh: Xuân Hoàng)
Vải vóc ngập tràn chợ Ninh Hiệp (Ảnh: Xuân Hoàng)

Tiến vào sâu hơn trong làng cảm giác thật khó tả. Dù có hàng trăm quán hàng, hàng nghìn người qua lại tấp nập, nhưng nơi đây không hề thấy sự chen lấn, xô bồ. Không thấy cảnh chào mời khách inh ỏi. Không thấy cảnh kì kèo giá cả. Tất cả họ đều rất từ tốn, nho nhã theo kiểu ai mua thì bán, giá cả phải chăng. 
Đi hết con đường vải thẳng tắp là một ngã ba. Ở giữa có một cái cổng làng mốc meo rêu phủ đề dòng chữ to tướng: Làng cổ Ninh Hiệp. Từ cổng làng vào khoảng mười lăm mét chúng ta sẽ bắt gặp ngay một trạm trông gác xe. Đội trông gác có hơn chục người. Một ngôi làng nhỏ mà có nhiều người làm công việc trông nom xe có lẽ chưa nơi nào có, trừ Ninh Hiệp. Điều đó cho thấy an ninh trật tự ở đây quá tuyệt vời! Tất nhiên người Ninh Hiệp rất giàu nên cũng trả công cho những người này rất hậu.
Đi thêm vài mét là đến một cái miếu cổ. Đây là nơi cầu an của dân làng, đồng thời cũng là nơi thắp nhang cầu may của khách thập phương. Sâu vào chút nữa ngay lập tức hai con đường bị cắt ngang. Tại đây những con đường kẻ dọc cắt ngang được thiết kế y như hình bàn cờ. Lúc này quán hàng ở đây nhiều vô kể. 
Người ta bảo đây là đầu mối vải của khu vực miền bắc. Ngay cả những khu chợ buôn vải lớn như chợ Đồng Xuân cũng đều cất vải từ Ninh Hiệp về. Nghe đâu nhiều người còn đồn thổi với nhau rằng: “Vải Ninh Hiệp nhiều lắm! Nhiều đến mức độ nếu đem những tấm vải ấy chắp lại với nhau có thể phủ kín cả bầu trời Kinh bắc”. Thật vậy sao? Thế thì quá đẹp! Điều đó chỉ là đồn thổi, thật hay không thì chưa rõ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng phụ nữ Ninh Hiệp rất xinh. Có lẽ do họ được “tưới tắm” bằng muôn thứ vải tốt khoác trên mình.

Người Ninh hiệp trở nên giàu có như bây giờ là nhờ nghề buôn vải (Ảnh: Xuân Hoàng)
Người Ninh hiệp trở nên giàu có như bây giờ là nhờ nghề buôn vải (Ảnh: Xuân Hoàng)

  
Nhiều dãy nhà ở Ninh Hiệp chất những cuộn vải to như vành xe đạp xếp vuông vức cao gần đụng trần. Những người phụ nữ ngồi bồng bềnh trên vải nói chuyện với nhau chờ khách. 
Ninh Hiệp với bao điều lạ lẫm đậm chất văn minh. Lạ lẫm nhất với khách thập phương là khu chợ nằm giữa trung tâm làng. Ngay cổng chợ ta sẽ thấy hàng loạt những tấm biển to tướng. Đó không phải là những tấm biển phục vụ cho việc tiếp thị, quảng cáo. Mà là những tấm biển cảnh báo và hướng dẫn du khách. 
Nào là cấm hút thuốc trong chợ, nếu vi phạm xử lý phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Nào là cấm đỗ xe trước cổng chợ. Đặc biệt ngay trong chợ còn có một khu nhà của đội PCCC (phòng cháy chữa cháy). Một đội tuần tra an ninh trật tự. Trong chợ cũng có hệ thống nhà vệ sinh khép kín, thiết kế hiện đại, với những biển chỉ dẫn cụ thể như: cách bao nhiêu mét, rẽ hướng nào. 
Đối diện với chợ là trung tâm thương mại chợ Ninh Hiệp. Tôn chỉ ở Ninh Hiệp được treo trên tấm băng rôn đỏ chót là: “Chính quyền và nhân dân phấn đấu an toàn về phòng cháy, chữa cháy, không để xảy ra tai nạn”. 
Và điều lạ nhất ở Ninh Hiệp có lẽ không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng ít thấy, đó là cảnh đàn ông ở nhà bế con, uống trà, tán phét. Đàn bà lại trở thành trụ cột chính gia đình trong việc kiếm tiền.

Khung cảnh mua bán tấp nập ở chợ vải Ninh Hiệp (Ảnh: Xuân Hoàng)
Khung cảnh mua bán tấp nập ở chợ vải Ninh Hiệp (Ảnh: Xuân Hoàng)

Người Ninh Hiệp giàu lắm! Có lẽ vì thế mà con cái đi học đại học cho biết, chứ chẳng mấy ai đi làm cả. Tốt nghiệp xong là họ về làng bán vải. Vì đi làm cho nhà nước hay doanh nghiệp tháng chỉ được ba đến bốn triệu đồng. Trong khi đó một ngày bán vải bình quân họ cũng kiếm được hai, ba triệu đồng rồi.

Đang mải đắm mình giữa thiên đàng vải vóc, bỗng giật mình vì đâu đó phảng phất mùi thịt nướng. Không kiềm chế được những cơn nuốt nước bọt, tôi quyết định mon men theo mùi thơm đến một con đường thịt nướng. Tôi chẳng biết con đường ấy tên là gì, nhưng thấy bày bán la liệt thịt nướng thì gọi vậy thôi. 
Đó là thịt chim. Những chú chim bị que xiên rồi đem nướng trên các bếp than. Những chiếc quạt nan phe phẩy. Những con chim xoay xoay trên miệng than đỏ hồng. Mỗi khi mỡ từ thịt rớt xuống than lại sôi lên xèo xèo, mùi thịt nướng lại sực nức thơm lừng. Cũng như bao du khách khác tôi cũng gọi vài con. Đây là điểm cuối cùng dừng chân để du khách thưởng thức hương vị sau một ngày du ngoạn giữa “biển” vải. Tại đây người ta ngồi và ngẫm lại rằng, có lẽ đây đúng là “thiên đàng” ngự trên mặt đất thật!...
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ":
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Xuân Hoàng (Báo in 29A2)