Người giữ làn điệu chèo Cổ Khúc

07/07/2012 14:09
Nguyễn Như Quỳnh, Báo in k31a1
(GDVN) - Khi chèo cổ Cổ Khúc đang dần bị lãng quên, mai một theo thời gian thì may thay, vẫn còn có người tâm huyết giữ gìn. Đó là nghệ nhân chèo Hà Quang Ngạn.
Từng điệu chèo được ngân nga để quên đi nhọc nhằn, gửi gắm những tấm chân tình khó cất lên thành lời cũng như nỗi niềm cuộc đời nay đây mai đó. Chèo Khuốc, là chất giọng khoe, dài hơi và mang sắc thái cảm cao. Làn điệu lúc man mác buồn, đầy vơi theo con nước hay hòa quyện vào khói lam chiều uốn lượn từ khói bếp nhà ai. Đôi lúc, lại mang sắc thái cổ vũ khích lệ, vừa chứa đựng tâm tư thầm kín, nỗi niềm. Chính bởi cái lạ, cái độc đáo riêng có ấy của chèo Khuốc mà mấy chục năm qua, nghệ nhân Hà Quang Ngạn vẫn cố gắng giữ gìn và truyền lại cho lớp lớp thế hệ trẻ.
Cái duyên nghiệp chèo
Từ thế kỷ trước, dân Thái Bình, dân xứ Đông, xứ Đoài, dân mạn ngược đã biết đến cái làng lam lũ Cố Khúc (tên nôm là Khuốc), huyện Đông Quan (nay gọi Đông Hưng) tỉnh Thái Bình, do được xem dân Khuốc “nhị đàn nửa gánh diễn viên một đoàn” lặn lội đi tứ xứ kiếm sống. Có thời làng Khuốc có tới hơn chục gánh chèo nối tiếp nhau đi hát, diễn cả chục vở dài.
Trong căn nhà nhỏ, nghệ nhân chèo Hà Quang Ngạn, tóc mới điểm hoa râm nhưng răng vẫn chắc, mắt vẫn sáng, cười còn tươi còn hóm, và chất giọng còn rền lắm. Ấy thế mà cụ đã trạc tuổi bát tuần. Xóm giềng ai cũng khen cụ trẻ lâu, cụ cười bảo: “Thì riêng gì tôi đâu chứ, ai hát chèo từ bé đều thế cả”.


Nghệ nhân Hà Quang Ngạn đang biểu diễn một điệu trèo cổ Cổ Khúc (Ảnh: Như Quỳnh)
Nghệ nhân Hà Quang Ngạn đang biểu diễn một điệu trèo cổ Cổ Khúc (Ảnh: Như Quỳnh)

Cụ Ngạn kể từ rất lâu rồi kia, cả làng Khuốc hát chèo. Ngày đi làm đồng cũng hát, cũng luyện cho nhau hát. Tối tối, tiếng trống phách, nhị hồ, đàn tam, đàn tứ, tiếng ngân chèo í a râm ran đầu làng cuối xóm. Nhiều gia đình cả nhà thạo hát chèo. Các gánh hát dồi dào đào kép, cha con, vợ chồng, anh em cùng nhau đi diễn. Có những bà mẹ mang thai sắp đến ngày sinh mà vẫn say sưa hát ngồi, có chăng vì thế, các bé con được nuôi dưỡng bởi “men” chèo từ khi còn trong bụng mẹ.

Các thế hệ nghệ nhân chèo Khuốc từ xưa, cách thế hệ cụ Ngạn bảy, tám đời cho đến trẻ con bây giờ được sinh ra theo lối “chèo Khuốc” nên ham chèo từ bé tí mà chẳng cần ai dạy cho ý thức giữ gìn vốn cổ. Cụ tưởng nhớ về quá khứ xa xăm đầy gian khổ và tự hào. Ngày đó nghèo lắm, ấy thế mà vẫn đắm say lối hát khi chưa tròn 10 tuổi của các bậc thầy như cụ Ba Đối, cụ Xã Lục,…, cho đến bậc đàn anh như cụ Trạch, cụ Na, cụ Phụ… Giờ là nghệ nhân vào hàng cao tuổi nhất còn ở làng, cụ Ngạn được dân làng nể vị.
Từ nhà nghiên cứu sân khấu Trần Bảng, Hoàng Kiều cho đến NSƯT chèo Xuân Hinh cũng lặn lội đường xá xa xôi đến học đôi ba làn điệu lạ, xin cụ hát cho nghe vài điệu chèo mà chỉ Khuốc mới có. Cụ nói : “ Làng Khuốc hiện còn gữ được ít nhất 12 làn điệu cổ cả nhạc lẫn lời, từ “Tuyết dạt sông thương” đến “Vẫn non mai”; “Hề đơm đó”…”.
Cụ gõ nhẹ xe điếu lên bàn giữ nhịp, cất giọng còn ấm nhưng không được mượt vì có tuổi nhưng ai cũng nhận ra ở cụ sự nồng nhiệt, đắm mình vào khúc hát, như một vị tao nhân mặc khách.

Kép Ngạn còn dàn dựng vở dài “Từ Thức nhập Thiên Thai” cho phường Khuốc, lối hát đậm chất ả đào, và đưa lối múa “chạy chái” vào vở nên đến nay lối múa này coi là kinh điển của làng chèo Khuốc. Các vở diễn đang ngày càng được dàn dựng nhiều hơn như “Phan Trần”; “Quan âm Thị Kính”;  “Hán Sở”; “Nhị độ mai”; “Võ Tòng đả hổ”;…
Lay động lòng người

Chèo là một loại hình sân khấu truyền thống của người Thái Bình. Chèo mang đậm màu sắc trữ tình ca dao tục ngữ, tràn đầy tính lạc quan trong những cái cười dân dã, thông minh, hóm hỉnh và không kém phần trí tuệ. Tính nhân văn trong điệu chèo được thể hiện rất rõ. Quyền con người, thiện thắng ác luôn được đề cập và khẳng định. Chèo từ lâu như có mối tâm tình giữa người xem với người diễn. Ca từ chính là sợi chỉ đỏ, tạo sự giao lựa khăng khít, gắn kết yêu thương từ hai phía. Tiếng chèo có ma lực cuốn hút bao thế hệ khán giả, không kể địa vị tuổi tác.

Người làng Cổ Khúc yêu chèo cổ như máu thịt
Người làng Cổ Khúc yêu chèo cổ như máu thịt

Chèo Khuốc cũng có lúc thăng lúc trầm. Năm 1958, chèo Khuốc được diễn rầm rộ ở nhiều nơi, có khi lên cả Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái. Bẵng đi 20 năm, làng Khuốc thưa vắng hát chèo. Bận mải làm ăn, trai tráng túa đi tứ xứ kiếm tiền. Lớp trẻ lại có ti vi nên xao nhãng chèo “đồ cổ”. Nhưng mà cứ như từ trong dòng máu, mỗi người dân Khuốc tiềm ẩn một nghệ nhân chèo, sức sống nghìn năm vẫn ngấm ngầm trên mảnh đất này.

Từ năm 2000, chèo Khuốc lại hồi sinh. Nhiều dự án quốc gia, tỉnh hợp tác quốc tế đổ tới dân Khuốc mừng rỡ và hãnh diện, “máu chèo lại nổi lên”. Những tài trợ từ “Sân khấu học đường” của ngành giáo dục và đào tạo; hỗ trợ xây dựng điểm du lịch chèo Khuốc” rồi khôi phục và bảo tồn nghệ thuật chèo cổ làng Khuốc của tỉnh,… như góp thêm gió cho làng chèo Khuốc… dậy sóng.

Nỗi lòng người giữ chèo

Thấm thoắt thoi đưa, những cây cổ thụ chèo của làng đã và đang dần khuất bóng. Lớp trẻ nhiều em đã bắt đầu tập hát từ khi còn học tiểu học, trung học cơ sở. Hiện nay, chèo Khuốc còn được đưa vào dự án đưa nghệ thuật vào trong trường học. Nhờ vậy, việc học chèo được tổ chức thường xuyên, bài bản hơn. Đó là tín hiệu vui, nhờ đó không ít tài năng được phát hiện ngay từ nhỏ, cũng không ít diễn viên nổi tiếng cả nước hiện nay sinh ra và lớn lên từ mảnh đất chèo truyền thống.

Tuy nhiên, nghệ nhân Hà Quang Ngạn vẫn còn đó muôn vàn nỗi niềm trăn trở, làm thế nào để lớp trẻ giữ nguyện vẹn tình yêu với chèo Khuốc. “Điều tôi quan tâm là đào tạo và tôi luyện cho thế hệ con cháu giữ lấy bản sắc chèo Khuốc - tài sản của làng - bằng cái tâm. Khi tâm sáng thì ắt hành động sẽ trong sạch và làn điệu chèo đó sẽ sống mãi với thời gian.

Rời thôn Cổ Khúc một quãng xa, tôi vẫn nghe lẫn trong gió tiếng bập bùng vào mái tôn xập xệ một làn điệu chèo cổ, cái hồn quê vẫn còn nguyên vẹn bản sắc, vẫn vang vọng từng ngõ xóm, sống mãi trong lòng mỗi người dân.
Nguyễn Như Quỳnh, Báo in k31a1