Nhà văn Đàm Lan: Một cuộc đời thầm lặng sau những trang văn

28/05/2012 09:59
Trương Nhất Vương (Đăk Lăk)
(GDVN) - Văn của Đàm Lan giống như con người chị, vượt lên chính mình, vượt lên số phận chông gai, vượt qua tất cả mặc cảm để dâng hương cho đời.
Mối lương duyên với văn chương
Ghé thăm chị trong một lần ngang qua Buôn Đôn, được cưỡi voi ké mới biết cuộc đời vẫn đang tiến lên chứ không tuột xuống. Căn nhà gỗ ọp ẹp cố ngoi lên giữa bạt ngàn cây trái, mít tố nữ, xoài cát, chôm chôm, sầu riêng… Mấy chục năm qua, người phụ nữ cô đơn ấy vẫn bám lấy chiếc máy tính xách tay và cơ man sách báo biếu để làm bạn. 
Nghiệp văn thơ có trong chị từ thủa thiếu thời, trong lao động đã phát tiết, đâm chồi nảy lộc. “Trăng Đêm” - thơ đăng trên Tuyển tập Áo Trắng, “Nụ Hôn Muộn” - truyện ngắn đăng trên Tuyển tập Thời Văn là những tác phẩm đầu tay xuất hiện vào năm 1993. Bắt đầu cho một chặng đường đi tìm mơ ước.
Chị kể chuyện về những cảm giác sáng tác lần đầu tiên ấy, “tim như vỡ ra… con người mình như quả bóng bơm căng chực nổ bùng, muốn hét vang lên khắp muôn xa, muốn bay vút lên tận trời cao, muốn hoà tan cùng nắng, muốn thông thênh cùng gió…”. Cái cảm giác sung sướng ấy đúng như cô gái dậy thì luôn bị nén chặt không dám thổ lộ cùng ai.

Nhà văn Đàm Thị Tuyết Lan
Nhà văn Đàm Thị Tuyết Lan

Lần này lên thăm chị, chị bảo tôi “hên” và có duyên mở hàng (cười). Sáu đầu sách ra đời liên tục dưới bàn tay người phụ nữ học hết lớp chín này, được các nhà xuất bản đóng gói gửi về theo xe khách. Tập mới nhất “Miên man miền tao ngộ”, tản mạn – ký, lúc chị tất tưởi thuê xe ôm chở về tới nhà vẫn còn nguyên trong bao nóng hổi thì tôi lù lù xuất hiện. Chúng tôi đều được tặng sách, được thưởng thức các sản phẩm cây nhà lá vườn, được nghe chị kể chuyện…, căn phòng đầy ắp tiếng cười.

Chị kể: “Tôi bước vào nghiệp văn một cách tự phát, không hề qua một trường lớp đào tạo nào. Trình độ học vấn lại dừng ở một nấc quá khiêm tốn (cấp hai),  nên ngoài việc tự mày mò, viết nhiều, đọc nhiều thành quen khả năng tư duy, tiếp xúc và biểu đạt thì cần lắm những sự chỉ bảo của những người đi trước. Tuy đây đó cũng nhận được đôi lời khích lệ, góp ý, nhưng chỉ đến lúc gặp nhà văn Ma Văn Kháng thì mới thực sự có niềm tin một cách vững vàng cho công việc và niềm đam mê của mình”.

Với chị, nhà văn Ma Văn Kháng là một người thầy, một người anh lớn mà chị may mắn gặp được. “Anh Ma Văn Kháng luôn chỉ dạy cho tôi những gì then chốt nhất của chuyện văn, chuyện đời…. Anh khuyên tôi không nên tự ti và cũng không nên vội vàng… Người nhanh chân chưa hẳn là người thắng cuộc, nhất là nghiệp văn chương” – Chị Lan kể. Và chị nghe lời với tâm thế tĩnh tại và cần mẫn, với những gì mình có thể làm bằng tất cả khả năng và lòng say mê . Chị lặng lẽ đi theo lối riêng  mình mà không hộn rộn, nghiêng ngó. Rồi chị đúc kết: Văn chương là chiếc cầu nối tình người. Viết văn như một cách trò chuyện với người và với cả chính mình.

Các tác phẩm chị đã in: “Hoàng Hôn Biển” (1998), “Mênh mông chiều vàng (2005), “Lối nhỏ” (2006), “Sự nhầm lẫn” (2008), “Trái tim đàn ông” (2010), “Miên man miền tao ngộ” (2011), tất cả đều là văn xuôi. 
Vượt lên tật nguyền

Tôi quen chị trên blog http://damlan.vnweblogs.com với cái tít khá lãng mạn: Mênh mông chiều vàng… Nhớ lần mời chị uống cà phê giữa ngã sáu Thành phố Buôn Ma Thuột, tôi cứ tưởng chị sẽ to, cao. Nhưng trái ngược hoàn toàn, một người phụ nữ với đôi chân tật nguyền xuất hiện. Tôi hối hận vì đã chọn lầu 2 để rộng tầm quan sát. Tôi đến đỡ chị lên những bậc cầu thang. Nhưng, chị xua tay, miệng cười tươi bảo để chị tự vận động.
Say sưa nghe chị kể chuyện, rồi tò mò theo chị về nhà ở xã Ea Nuôl cách Thành phố Buôn Ma Thuột 15 km đường vào huyện Buôn Đôn. Chị chạy được xe máy, chiếc cúp cối 81, chị bảo nó phù hợp với đôi chân của chị, vừa cà tàng, vừa thấp, vừa rẻ, vừa tiện khi cần thì hất nó ngã qua một bên để không bao giờ nó đè lên mình (cười). Chị chạy rất nhanh. Tôi chạy theo lo lắng, chị nói: chạy thoang thoáng một tý, có đà dễ lạng lách, ít bị ngã…(cười). 

Những cuốn sách đã được xuất bản của nhà văn Đàm Lan
Những cuốn sách đã được xuất bản của nhà văn Đàm Lan

Cuốn truyện “Sự nhầm lẫn”, “Trái Tim Đàn Ông” xuất bản năm 2010 tôi mang để trên xe ô tô của mình để đọc. Có rất nhiều người tìm mua, nhưng chị chỉ gửi tặng. Các em học sinh Trường PTTH huyện Krông A Na truyền tay nhau đọc sách của chị.

Có một em học sinh lớp 12 tên Tuyên (TP. HCM) đã gửi cho chị một lá thư có đoạn: “Cháu cũng ko biết nữa ! Nhưng cháu tìm thấy ở trong văn thơ cô rất nhiều thứ, ấy là tình thương của cha mẹ dành cho con cái, cho dù đứa con ấy không được như mong muốn, đó là sự tủi hờn khi bản thân mình bị hất hủi, bị bỏ mặc trong cái thế giới cô quạnh của sự giày vò, đó là sai lầm trong cái suy nghĩ thơ dại, đó là sự tình cờ trong bao cái ngẫu nhiên trong cuộc đời này, đó là sự hối hận muộn màng, đó là niềm tin vào ngày mai, vào một nơi nào đó ở tương lai, hạnh phúc sẽ song hành với con người… Thế hệ 9x như cháu, có lẽ chưa bao giờ phải trải qua những ngày tháng cuộc đời như cô, phải chăng vì thế cháu cảm nhận thấy, nhìn thấy cuộc đời này vẫn còn nhiều khoảng tối quá...!”

Để có được những tác phẩm như minh chứng không phải bất cứ người cầm bút nào cũng có được, chị nhìn nhận: Trong bản đồ văn học cũng có nhiều sông to, biển lớn, có kênh rạch, luồn lạch, có khe suối, mạch ngầm, và có cả ầm ào thác lũ. Chỉ xin làm một khe suối nhỏ nhoi, lặng lẽ tháng ngày len lỏi qua những dốc đồi, hốc núi, vân vu vắng vẻ, bất chừng có ai qua, dừng chân té một vốc nước rửa mặt. 

Cảm giác mát mẻ, dễ chịu, thanh thoả cất bước rồi… quên! Cứ như vậy chị lăn lê, bò toài viết trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề. “Những ngày tháng ấy là từ ánh sáng của chiếc đèn pin và trong tư thế nằm sấp, giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác tức ngực và tê dại cả hai cánh tay”. 
Tôi thích những câu thơ của chị: “Hãy sống như mình là cỏ/ sau những bước dẫm của đời … lại lặng lẽ xanh” hay “Thả một chiếc lá trong mông mênh lòng gió/ chiếc lá mang theo lời nhắn gửi … vi vu, vi vu…”.
Chị viết văn với ngôn ngữ cực kỳ giản dị, mộc mạc như miếng cơm, nước uống hàng ngày. Những chuyện người, chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện xã hội; những tâm sự, ước mơ, hoài bão, khát vọng sống… đều được chuyển thể vào trong tác phẩm một cách chọn lọc, ngắn gọn, xúc tích, sâu sắc đầy tính nhân văn. 
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Trương Nhất Vương (Đăk Lăk)