Đà Nẵng: Có GV dạy cả CT 2006 và CT 2018 khiến khó tập trung, đầu tư chuyên môn

07/03/2023 06:44
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Dù chỉ được đào tạo ở một lĩnh vực (đơn môn) nhưng phải giảng dạy cả 3 phân môn trong chương trình mới khiến thầy cô gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Chí Cường - Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng vừa ký báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Trước đó, Đoàn đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức làm việc với các đơn vị trường học và địa phương. Đồng thời, Đoàn đã tổ chức giám sát, làm việc thực tế với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cùng một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Gặp khó vì dạy tích hợp

Qua giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã nêu ra những thuận lợi cũng như khó khăn gặp phải khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

Do dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài hơn hai năm qua nên việc tuyển dụng giáo viên ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AN

Do dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài hơn hai năm qua nên việc tuyển dụng giáo viên ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AN

Theo báo cáo, việc phân bổ tỷ lệ giáo viên trên địa bàn thành phố đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học vẫn còn, nhất là giáo viên các môn học: Âm nhạc, Mĩ thuật, Công nghệ, Tin học;

Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí chưa có giáo viên được đào tạo chính quy, giáo viên được phân công giảng dạy bộ môn này được đào tạo đơn môn. Nên muốn đứng lớp giảng dạy thì các thầy, cô chủ yếu phải đi tập huấn chuyên đề và tự bồi dưỡng là chính.

Ngoài ra hiện nay, giáo viên dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông đa phần chỉ được đào tạo ở một lĩnh vực (đơn môn) nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy, cô phải giảng dạy cả 2-3 phân môn trong môn tích hợp.

Tình trạng này dẫn đến khó bố trí thời khóa biểu phù hợp, logic của Chương trình cho các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là thực trạng đang diễn ra trong các nhà trường.

Cụ thể, là người dạy môn Khoa học tự nhiên không dạy được toàn bộ kiến thức của môn học mà đòi hỏi phải ba giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học mới đảm nhiệm được.

Theo đó giáo viên khó giảng bài theo tiến trình sách giáo khoa mà phải dạy song song từng phần kiến thức riêng lẻ của các đơn môn trong bộ môn tích hợp, làm giảm tính logic của môn học, rời rạc, không có mạch kiến thức. Hơn nữa có những kiến thức cần học trước làm cơ sở để học sinh tiếp tục học kiến thức sau.

Cũng theo báo cáo, đối với các môn dạy học tích hợp thì đa số giáo viên chưa được bồi dưỡng tập huấn chuyên môn của ngành nên phải tự học hỏi, tự nghiên cứu để giảng dạy, gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy học.

Một số giáo viên phải thực hiện cùng lúc 2 chương trình (chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018) nên khó khăn trong việc tập trung, đầu tư chuyên môn vào chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh chưa được bồi dưỡng, tập huấn các mô đun đối với trung học cơ sở.

Công tác bồi dưỡng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý còn quá ít và chủ yếu là qua trực tuyến, ít được tương tác với các giảng viên và đồng nghiệp khác nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Tất cả những điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại thành phố Đà Nẵng.

Khẩn trương hoàn thiện đội ngũ giáo viên

Theo kết quả giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố sớm chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học.

Chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ, nhất là đối với các môn tin học, công nghệ, nghệ thuật… và việc dạy học 2 buổi/ngày.

Hiện nay, về đội ngũ giáo viên cấp tiểu học có 4.230 người, tỉ lệ giáo viên/lớp (kể cả hợp đồng) là 1.47; bậc trung học gần 9.600 giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn; đủ về số lượng giảng dạy ở tất cả các bộ môn ở các cấp học, cơ bản đảm bảo định mức giáo viên/lớp theo quy định.

Đặc biệt không phải điều chuyển giáo viên từ cấp học này sang giảng dạy ở cấp học khác do dôi dư. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện việc tuyển giáo viên đảm bảo số lượng và chất lượng; cơ cấu giáo viên cơ bản đảm bảo theo quy định.

Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát, việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn chuyên môn còn khó khăn, nhất là môn tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học. Vì vậy, dẫn đến tình trạng một số trường không đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu.

"Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các quận, huyện tổ chức rà soát thực trạng chuẩn đào tạo (theo Luật Giáo dục năm 2019) của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường học trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát các nội dung kế hoạch và sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên các bậc học trong thời gian đến.

Theo đó, tiếp tục xây dựng lộ trình thực hiện các chương trình, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Phấn đấu đến hết năm 2027, 100% cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn thành phố được đào tạo đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019 (dự kiến vượt trước 03 năm so với quy định của Chính phủ)", báo cáo kết quả giám sát nêu.

Bên cạnh đó, qua giám sát cũng thấy rằng, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài hơn hai năm qua nên việc tuyển dụng viên chức tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cũng như một số quận, huyện chậm so với thời gian dự kiến;

Tuy vậy, tất cả các đơn vị cũng đã cố gắng hoàn thành tốt công tác tuyển dụng và phân bổ viên chức về các đơn vị, trường học đảm bảo đủ định mức giáo viên đứng lớp theo quy định.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cũng đang rà soát, xem xét thẩm định hồ sơ đề nghị của giáo viên để chuyển công tác giữa các cơ sở giáo dục vừa đảm bảo phù hợp nguyện vọng chuyển công tác của nhà giáo vừa đảm bảo điều hòa, cơ cấu giáo viên theo các môn học, bậc học.

Bên cạnh đó, đối với việc tiếp nhận giáo viên không công tác tại các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác trong ngành giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Nội vụ rà soát lại các tiêu chuẩn, điều kiện để làm cơ sở cho việc tiếp nhận bảo đảm công khai, minh bạch.

Đồng thời tiếp nhận được những giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở bậc học tiểu học đang có tình trạng thiếu nguồn giáo viên đăng ký dự tuyển viên chức.

AN NGUYÊN