Ngày 18/6/2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận ký văn bản số 3399 gửi Thanh tra Thành phố về việc xét giải quyết tố cáo của các cổ đông tại trường Đại học Hoa Sen.
Theo nội dung văn bản này, tiếp nhận đơn tố cáo của cổ đông trường Đại học Hoa Sen đối với bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng của trường, xét báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tại công văn số 1592, về tham mưu xử lý đơn thư tố cáo của cổ đông trường Đại học Hoa Sen, UBND TP.HCM chỉ đạo Thanh tra Thành phố thành lập đoàn thanh tra toàn diện tại trường này.
Thời điểm thanh tra bắt đầu từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, động thái của UBND thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết trong bối cảnh những rắc rối nội bộ của trường Đại học Hoa Sen đã kéo dài quá lâu, gây ảnh hưởng xấu tới công tác học tập, đào tạo của hàng ngàn sinh viên trong trường.
Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh Website nhà trường. |
Bên cạnh đó, chỉ đạo của UBND thành phố HCM về việc thành lập đoàn thanh tra toàn diện tại trường Đại học Hoa Sen cũng đã thể hiện đúng chức năng, vai trò của thanh tra nhà nước căn cứ vào yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật thanh tra 2010.
Luật sư Vũ Thái Hà cũng cho biết, hoạt động thanh tra hành chính chỉ diễn ra sau khi có Quyết định thanh tra của người có thẩm quyền theo quy định của Luật thanh tra 2010.
Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất.
Quyết định thanh tra phải được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập biên bản.
Về thời hạn thanh tra, điểm b) Khoản 1 Điều 45 Luật thanh tra 2010 quy định: “Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày”.
Việc báo cáo kết quả thanh tra hành chính và kết luận thanh tra hành chính được thực hiện theo đúng trình tự, thời gian và đảm bảo những nội dung quy định tại các Điều 49, Điều 50 của Luật thanh tra.
Trả lời về vấn đề đảm bảo yếu tố khách quan trong thanh tra, Luật sư Vũ Thái Hà cho biết, Luật thanh tra 2010 quy định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra, đảm bảo việc thanh tra phải được thực hiện theo nguyên tắc: “Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” (Khoản 1 Điều 7 Luật thanh tra 2010).
Bên cạnh đó, Luật thanh tra 2010 cũng quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra tại Điều 57 và Điều 58, nhằm đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra là cá nhân, tổ chức trong quá trình thanh tra.
Luật sư Vũ Thái Hà cũng nhấn mạnh: Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng thanh tra bên cạnh quyền thì cũng có trách nhiệm phải tuân thủ các yêu cầu của cơ quan thanh tra theo luật định. Nếu không hợp tác, chống đối sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào can thiệp vào quá trình thanh tra, hoặc kết quả thanh tra cũng sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.