Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân

03/02/2016 14:46
Xuân Dương
(GDVN) - Kể từ ngày thành lập Đảng 3/2/1930 đến nay dân đã tin theo Đảng giữ được Đảng, nhưng muốn giữ được niềm tin của dân thì Đảng phải tin dân.

Năm 1986, ở Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc ngày nay) trong kỳ thi tối thiểu (minimum) trước khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, nghiên cứu sinh đến từ các nước xã hội chủ nghĩa đều phải thi môn Chủ nghĩa Mác-Lênin. 

Câu hỏi vấn đáp mà vị Phó giáo sư, Trưởng bộ môn Triết học đưa ra là “phân biệt sự khác nhau giữa Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Tư bản”. 

Câu trả lời trong 15 phút được vị Phó giáo sư chăm chú lắng nghe, cuối cùng ông nói: “Câu trả lời rất hay, nhưng quá dài, vừa mất thời gian người nghe, vừa dễ dẫn tới sai sót”. 

Trước khi khép cửa tiễn học trò, ông nói: “Khác nhau cơ bản nằm ở chỗ Chủ nghĩa Tư bản là “người bóc lột người” còn Chủ nghĩa Xã hội thì ngược lại”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng 12, Trung ương khẳng định: “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường”.

Đất nước đã 30 năm đổi mới, nói cách khác, sau khi cuộc chiến dai dẳng trên biên giới phía Bắc kết thúc, chúng ta đã thực sự có 30 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vậy vì sao cho đến nay, đất nước vẫn nghèo, dân chúng vẫn nghèo ngoại trừ một bộ phận thương nhân và quan chức?

Trong cái rét cuối năm, nhìn bốn vị đại sứ các nước Liên minh Châu Âu ngồi vỉa hè ăn phở Việt chợt cảm thấy có cái gì lạ lùng, ngỡ ngàng.

Những con người ấy, hàm cấp có lẽ tương đương thứ trưởng, bộ trưởng, bốn người ngồi chung một chiếc bàn con nơi vỉa hè bởi họ biết nơi đây là an bình, không có chiến tranh, khủng bố. 

Họ muốn quảng bá cho nền ngoại giao tư bản chủ nghĩa hay muốn trải nghiệm cuộc sống của người lao động bình thường nước sở tại? Trông cách cầm đũa, cầm thìa ăn phở như người Việt, sao họ có thể bình dân mà không hề “kênh kiệu” như vậy?

Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân ảnh 1
Hình ảnh các đại sứ châu Âu ăn phở trên đường phố Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Phải chăng “quyền kênh kiệu” chỉ có thể tìm thấy trong một “bộ phận không nhỏ” quan chức  nước Việt mình?

Những đại diện “đặc sệt tư bản” ấy không cảm thấy lạc lõng trong một đất nước xã hội chủ nghĩa, vậy người Việt chúng ta có cảm thấy mình cũng không lạc lõng trong một nền kinh tế toàn cầu? 

Để khỏi lạc lõng có cần quyết liệt đưa nền kinh tế đất nước như Trung ương khẳng định: “Vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường”?

Vấn đề ở chỗ “quy luật kinh tế thị trường” có phải là quy luật mang tính phổ quát cho mọi xã hội dân sự? Nó được chứng minh là đúng cho các quốc gia theo chủ nghĩa Tư bản nhưng liệu có đúng với các quốc gia theo thể chế xã hội chủ nghĩa?

Mô hình Cheabol của Hàn Quốc là mô hình các tập đoàn kinh tế gia đình, của các ông chủ tư bản chứ không phải nhà nước.

Việc đưa mô hình Cheabol vào Việt Nam với “cải tiến” để nó trở thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã khiến nền kinh tế trở nên méo mó, lợi nhuận thì nội bộ hưởng, thua lỗ thì ngân sách gánh chịu và hậu quả là điều đã rõ. 

Hết năm 2014, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 1,57 triệu tỷ đồng nghĩa là khoảng 70  tỷ USD. 

Có ý kiến cho rằng: “Khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia nếu các doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả, không có khả năng trả nợ”. [1]

Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân ảnh 2
Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân (Ảnh: tuyengiao.vn)

Liệu chúng ta có rút ra được điều gì từ chuyện “vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường” nhưng lại được định hướng theo cung cách của riêng mình?

Lâu nay, chúng ta phát triển kinh tế dựa vào hai động lực chính là tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ mà quên đi nguồn tài nguyên quý giá nhất là trí tuệ con người.

Có thể nói một cách thẳng thắn, rằng phát triển kinh tế theo kiểu “ăn sổi” ấy đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn rất hữu hạn, đang phá hoại môi trường sống của dân tộc và nguy hiểm hơn, đang kìm hãm sự sáng tạo của người Việt. 

Nói kìm hãm sự sáng tạo của người Việt vì người lao động làm việc trong các cơ sở liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ là người làm thuê cho tư bản, họ làm việc trong dây chuyền như những cỗ máy đến mức cả chuyện đi vệ sinh cũng phải xin phép thì lấy đâu ra sự sáng tạo?

Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân ảnh 3

Cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực không được đưa vào danh sách ứng cử

(GDVN) - Ông Phạm Minh Chính – Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh hướng dẫn công tác nhân sự ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Còn đội ngũ viên chức, công chức, bao nhiêu phần trăm “công chức cắp ô” là bấy nhiêu phần trăm những cá nhân bất tài, những người đầu óc như thế thì sáng tạo cái gì?

Công nhân, công chức, viên chức là như thế, ở cấp cao hơn thì thế nào?

Trước thềm Đại hội Đảng 12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 13/12/2015 công bố:

Trong năm qua, ngành thanh tra đã tiến hành trên 40.000 cuộc thanh tra, trên 830.000 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành và phát hiện trên 212.000 tỷ đồng sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 313 vụ với 356 đối tượng”. [2]

Sau Đại hội Đảng 12, trong Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và UBND tại Quốc hội chiều 2/2/2016, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình công bố:

Giai đoạn 2011 – 2015, Thanh tra Chính phủ đã triển khai 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng”. [2]

Theo Thanh tra, sai phạm một năm (2015) là 212 ngàn tỷ đồng, theo Bộ Nội vụ, sai phạm 5 năm (gồm cả năm 2015) là 208 ngàn tỷ đồng? Vậy người dân nên tin Thanh tra Chính phủ hay tin Bộ Nội vụ?

Liệu những con số ấy có nói lên điều gì về năng lực của đội ngũ chuyên viên và một bộ phận lãnh đạo cao cấp hiện nay?

Đến bao giờ mới chấm dứt cảnh bất kỳ hội nghị nào cũng phải đầy rẫy hoa tươi, bất kỳ cuộc động thổ nào cũng phải có cái máng đựng cát để quan chức xúc vài xẻng cho phóng viên quay phim chụp ảnh?

Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân ảnh 4

Bổng lộc do chức tước mang lại, không dễ mà từ bỏ

(GDVN) - Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ. Thế nhưng nhiều Bộ, ngành… báo cáo không - chưa phát hiện tham nhũng. Tin được không?

Chẳng lẽ không có hoa hồng cài ngực, không có máng cát, cổng chào thì hình ảnh cán bộ sẽ trở nên không đẹp?

Một trong những người giàu nhất hành tinh - ông chủ của hàng MicroSoft -  Bill Gates từng chia sẻ rằng:

Khi nắm trong tay rất nhiều tiền, có thể chỉ bạn quên mất mình là ai, nhưng khi không một xu dính túi, cả thế giới sẽ lãng quên bạn. Cuộc sống là vậy”.

Vào năm 1975, nhân loại nói rất nhiều về chiến thắng của dân tộc Việt trước kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới.

Vào năm 1979, cả thế giới kinh ngạc vì lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương của Việt Nam đã đánh tan đạo quân xâm lược Trung Quốc đông hàng chục vạn người trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Những chuyện ấy ngày nay tuy vẫn còn lưu trong sách báo và ký ức của thế hệ cầm súng chống giặc nhưng thế giới giờ đây nói đến Việt Nam như một quốc gia xếp hàng đầu về tham nhũng, xếp gần cuối về năng lực cạnh tranh toàn cầu, một quốc gia mà “con đường từ dạ dày đến nghĩa trang chưa bao giờ ngắn như ngày nay”!

Chính chúng ta đang tự đầu độc mình chứ không phải chỉ là những âm mưu thâm độc của nước ngoài.

Một quốc gia như thế, cái ngày mà “cả thế giới sẽ lãng quên bạn”  không phải là điều viễn tưởng nếu hôm nay cả quan chức và dân thường không sớm tỉnh ngộ.

Với các nước tư bản, thương trường là chiến trường, cuộc chiến một mất một còn theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” không bao giờ ngơi nghỉ.

Các ông chủ tư bản lấy sân golf làm nơi giao dịch, thương thảo các phi vụ làm ăn chứ không chỉ là để thư giãn như một số quan chức người mình, việc Bộ Giao thông vận tải phải ban hành lệnh cấm công chức chơi golf cho thấy điều gì?

Có một chuyện thú vị mà phu nhân nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ, rằng thức ăn bà nấu cho chồng tại gia đình vẫn phải có người thử trước rồi ông mới được ăn. [3]

Đảng ở trong dân chứ không ở trên dân ảnh 5

Trí tuệ và bản lĩnh mới thấu được khẩu hiệu treo ở hội trường Đại hội Đảng

(GDVN) - Sự thành công của Đại hội sẽ chỉ là bước đầu bởi lẽ con người khi đạt được quyền lực không phải ai cũng giữ được kiên định trước cám dỗ mà quyền lực mang lại.

Bên cạnh nguyên tắc bảo vệ còn vấn đề khác là niềm tin, nếu không có niềm tin vào người thân trong gia đình, hay rộng hơn không có niềm tin vào dân chúng liệu quan chức Việt có đủ bản lĩnh ngồi vỉa hè ăn phở như các nhà ngoại giao châu Âu, để khẳng định với nhân dân rằng thực phẩm là an toàn bất kể trong siêu thị hay trên vỉa hè?

Dẫu thế nào, người viết vẫn có niềm tin vững chắc vào tiền đồ dân tộc, bởi dân tộc này dù trải qua bao thăng trầm, cay đắng, dù không thiếu kẻ xâm lược nhòm ngó và cũng có cả kẻ bán nước cầu vinh, song ý chí độc lập, tự cường chưa bao giờ phai nhạt.

Kể từ ngày thành lập Đảng 3/2/1930, gần một thế kỷ qua, người dân đã tin theo Đảng, giữ được niềm tin đó là giữ được Đảng, nhưng muốn giữ được niềm tin của dân thì Đảng phải tin dân, Đảng phải ở trong dân chứ không phải ở trên dân. 

Hy vọng sau Đại hội 12, các chủ trương, chính sách ban hành sẽ là sự kết tinh trí tuệ của cả dân tộc chứ không phải chỉ của hơn 4 triệu đảng viên, hy vọng sự đổi mới mà Báo cáo chính trị nêu tại Đại hội 12, trước hết sẽ là đổi mới trong Đảng, đổi mới trong tư duy mỗi cán bộ nắm trọng trách để người dân không còn suy giảm niềm tin với Đảng.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/275969/tap-doan-nha-nuoc-no-gan-70-ty-usd.html

[2] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bo-truong-Nguyen-Thai-Binh-noi-tat-tan-tat-nhung-gi-yeu-kem-post165495.gd

 [3] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/277433/cha-may-ai-biet-luong-vo-chu-tich-nuoc-chi-bang-cong-nhan.html

Xuân Dương