LTS: Mừng tuổi ngày Tết hay còn gọi lì xì từ lâu đã trở thành nét văn hóa của người phương Đông nói chung và của các miền quê của đất nước Việt Nam nói riêng mỗi khi Tết đến, xuân về.
Chia sẻ về việc giáo dục con trẻ trong việc nhận tiền lì xì trong mỗi dịp Tết làm sao cho đẹp, cho lễ phép, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tết đến trẻ thường được người lớn mừng tuổi bằng tiền hay còn gọi là tiền lì xì. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng biết cách nhận một cách lịch sự để làm vui lòng người tặng.
Con trẻ thường thật thà và vô tư nên nghĩ sao nói vậy hoặc có em nói lại những gì đã nghe được từ người lớn. Thế nên để tránh xảy ra những tình huống buồn, tình huống dở khóc dở cười cho cả khách và gia chủ thì chính người mẹ phải xử sự và răn dạy con cho đúng.
Dạy con cách nhận tiền lì xì sao cho đẹp (Ảnh minh họa: baohoabinh.com.vn). |
Những chuyện dở khóc dở cười
Khá nhiều gia đình trẻ em vừa thấy khách đến đã chạy ra đứng nhìn cứ y như chờ đợi để nhận tiền lì xì. Không ít em khi chưa nhận được tiền mừng còn lên tiếng “cô/chú lì xì con đi”.
Nhưng có lẽ điều làm cho khách và gia chủ sượng sùng nhất là việc trẻ nhận được lì xì liền xé toạc phong bì tại chỗ và la lên (hoặc ỉu xìu buồn rầu) khi thấy tờ tiền có mệnh giá thấp.
Có em còn lên tiếng thật lớn “sao cô/chú lì xì bèo thế? Sao cô/chú keo thế ạ? Con không thích tờ này đâu…”.
Rồi đứng ngay tại đó xếp xếp, đếm đếm “mẹ/ba ơi con được 500 ngàn đồng rồi. Năm nay, con được ít hơn năm ngoái…”.
Nhiều người cứ cho rằng, con nít thì nghĩ gì nói đó chứ ba mẹ có dặn dò gì đâu. Thế nên những cô cậu bé cứ vô tư nói tuồn tuột. Đứa chê tiền ít, đứa bảo sao keo? Đứa lại năn nỉ đòi được lì xì thêm…
Chị Thúy ở Biên Hòa Đồng Nai cho biết, lần ấy vào nhà một người bạn chơi. Chị vừa đưa phong bao bì cho cậu bé chủ nhà. Không giơ tay cầm, cậu bé hỏi ngay “cô lì xì con bao nhiêu đấy ạ? Sao cô sang thế? Chẳng bù cho cái chú lúc nãy keo quá trời luôn”…
Anh Hùng ở Trảng Bom Đồng Nai nói rằng, lần ấy không bỏ tiền vào phong bì nên móc chiếc ví ra đang chọn tờ tiền phù hợp lì xì cô con gái chủ nhà. Ai dè bé năn nỉ “chú lì xì con tờ kia đi, tờ tiền màu xanh ấy.
Anh Dũng cầm tờ 20 ngàn đồng đưa ra nhưng cô bé nhất định không chịu và đòi bằng được tờ 500 ngàn đồng. Thấy ngại với khách, chủ nhà có nhắc nhở con nhưng cô bé vẫn cứ năn nỉ.
Dạy con cách nhận tiền lì xì cho đẹp
Ba mẹ cần dặn dò con thật cẩn thận (dạy ngay từ khi còn rất bé). Tuyệt đối thấy khách đến nhà không được chạy tới với vẻ chờ đợi. Càng không được đòi khi khách chưa lì xì. Khi cầm lì xì phải đưa hai tay đón nhận và cúi đầu nói lời lời cám ơn.
Không xé toạc phong bì ngay đó, không chê tiền ít hay khen tiền nhiều trước mặt khách.
Muốn thế, chính ba mẹ cũng không được sân si việc mình lì xì con họ nhiều sao họ lại lì xì con mình ít thế? Việc phàn nàn, dè bửu ai đó trước mặt con trẻ về chuyện lì xì cũng dễ khiến chúng bắt chước học theo.
Ba mẹ cũng không nên suýt xoa hay khen con mình được nhiều hoặc ít tiền để trẻ có khao khát nhiều sẽ được khen.
Dạy cho con ý nghĩa của việc được nhận tiền lì xì vào đầu năm. Đây là phong tục đẹp của cha ông từ lâu đời. Thế nên dù mệnh giá tiền ít hay nhiều thì người tặng cũng mong muốn gửi gắm đến trẻ sức khỏe, chăm ngoan và học hành giỏi giang.
Thế nên được nhận lì xì đã là may mắn, là vui rồi đừng nên quan tâm đó là ít hay nhiều. Điều này còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người.
Cha mẹ không nên lấy tiền lì xì của con mà nên cho con tự tay bỏ vào tủ để tiết kiệm, chỉ lấy ra dùng khi thật sự cần thiết.
Cha mẹ cần hướng dẫn con biết tiêu tiền lì xì một cách ý nghĩa. Chẳng hạn, trong đợt quyên góp cho học sinh lũ lụt năm qua có 2 đứa trẻ ở Thủ đức đã đập heo gửi một triệu đồng ra miền Trung giúp các bạn vùng lũ. Hay dạy cho con dùng chính số tiền ấy để mua sách vở, đồ dùng học tập…
Việc dạy cho trẻ những điều ấy không chỉ giúp trẻ có ứng xử phù hợp khi nhận lì xì để làm vui lòng khách mà còn nuôi dưỡng và giáo dục các em lòng nhân ái, biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý.