Để 1 trường lên chuẩn, trường khác phải chịu thiệt thòi là rất bất công

01/07/2022 08:51
Thiên Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Muốn lên chuẩn quốc gia thì các trường phải đặt mục tiêu vì học sinh để đạt chuẩn chứ không thể vì chuẩn mà đẩy học sinh đi nơi khác".

Vừa qua, vụ việc nhiều phụ huynh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bất ngờ nhận được thông báo con mình sẽ phải chuyển từ Trường tiểu học Hoàng Liệt sang Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) trong năm học 2022-2023 để trường Hoàng Liệt "đạt chuẩn quốc gia" đang gây xôn xao dư luận.

Điều đáng nói, Trường Tiểu học Chu Văn An nhiều năm nay vốn đã quá tải khi sĩ số học sinh luôn duy trì từ 55-60 học sinh/một lớp, các học sinh của trường Chu Văn An chỉ được học bốn ngày (8 buổi)/một tuần, và các lớp thay nhau nghỉ luân phiên các ngày trong tuần. (1)

Trước phản ứng của phụ huynh, nhà trường đã ra văn bản tạm dừng việc phân tuyến học sinh từ lớp 2 đến 5 sang trường khác học để lấy ý kiến phụ huynh về vấn đề này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự việc trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Nếu có chủ trương phân tuyến học sinh để giảm sĩ số, nâng lên chuẩn quốc gia thì lãnh đạo nhà trường phải tổ chức một buổi họp để lấy ý kiến, tâm tư nguyện vọng của phụ huynh thay vì quyết định nóng vội khiến tâm lý phụ huynh cũng như học sinh hoang mang, lo lắng, "trở tay không kịp"".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Tùng Dương)

Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, mục đích của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là mang lại môi trường học tập thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh.

Trường học đạt chuẩn quốc gia phải đảm tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục...

Ngoài ra, sĩ số học sinh mỗi lớp phải đảm bảo (bậc tiểu học không quá 35 em/lớp) và số lớp học trong trường không quá 30 lớp/trường.

Cho nên, với những trường chưa đạt yêu cầu để được công nhận đạt chuẩn thì cần tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Trong trường hợp quá tải học sinh, cơ quan quản lý phải cùng các nhà trường tăng cường triển khai công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học, bảo đảm số học sinh/lớp đúng quy định.

Cũng bàn luận về sự việc trên, Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: "Muốn lên chuẩn quốc gia thì các trường phải đặt mục tiêu vì học sinh để đạt chuẩn chứ không thể vì chuẩn mà đẩy học sinh đi nơi khác".

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để một trường lên chuẩn, một trường khác phải chịu thiệt thòi là rất bất công và vô lý.

"Ở một ngôi trường vốn đã quá tải, nay lại nhận thêm hàng trăm học sinh thì liệu có đảm bảo chất lượng giáo dục? Giáo viên có quan tâm, sát sao từng học sinh được không?

Phụ huynh có con học tại ngôi trường được tạo mọi điều kiện để lên chuẩn quốc gia mất ăn, mất ngủ vì lo con mình bị chuyển đi nơi khác. Thế nhưng, phụ huynh của những học sinh học tại ngôi trường bị quá tải còn lo lắng gấp bội bởi sắp tới con họ có thể sẽ phải chịu thêm cảnh chật chội, chen chúc trong ngay trong lớp học", Giáo sư Phạm Tất Dong chia sẻ.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ lo ngại nếu sự việc hi hữu này nếu không giải triệt để sẽ còn nhiều học sinh có nguy cơ bị “bỏ rơi” do trường chạy theo bệnh thành tích.

"Điều tôi lo lắng nhất khi phân tuyến như thế này là những gia đình có điều kiện sẽ tìm mọi cách, nhờ vả các mối quan hệ để chạy trường, chạy lớp, tìm chỗ học cho con theo mong muốn. Vấn đề này cũng để lại nhiều hệ lụy mà hậu quả lớn nhất là tạo nên sự tiêu cực trong môi trường giáo dục, gây nên bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của người dân, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, niềm tin của cả phụ huynh và học sinh", Giáo sư Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Trước đó, trong ngày 16/6, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Liệt ký ban hành thông báo về việc phân tuyến học sinh năm học 2022-2023.

Trong thông báo Trường Tiểu học Hoàng Liệt gửi tới phụ huynh nêu rõ: “Để giảm số học sinh vào trường tiểu học, số lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân phường Hoàng Liệt, Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai về việc phân tuyến học sinh năm học 2022-2023, nhà trường xin thông báo toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 khu vực HH3 (HH3 - tổ 28, HH3B - tổ 29, HH3C - tổ 30) được phân tuyến sang Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt".

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/phu-huynh-buc-xuc-vi-hoc-sinh-bi-day-di-noi-khac-de-truong-len-chuan-quoc-gia-post952886.vov

Thiên Ân