Đề thi và gợi ý giải đề Ngữ văn vào lớp 10, không chuyên của Vĩnh Phúc

06/06/2019 13:55
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Thầy giáo Nguyễn Văn Lự, giáo viên Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên chia sẻ đề thi và gợi ý giải đề môn Ngữ văn tại Vĩnh Phúc.

LTS: Ngày 5/6/2019, học sinh Vĩnh Phúc đã hoàn thành môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10, trung học phổ thông không chuyên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lự, giáo viên Trường Trung học phổ thông Vĩnh Yên chia sẻ đề thi và gợi ý giải đề môn Ngữ văn tại Vĩnh Phúc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2019.
Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2019. 

 Gợi ý bài giải đề thi

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

B

A

C

D

II. PHẦN TỰ LUẬN

Câu 5: 

Đề bài yêu cầu bàn luận về vấn đề giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống. Vấn đề khá rộng như một bài nghị luận xã hội dành cho thi đại học khố C, D ngày trước.

Đề tài mở của đoạn văn lại làm khó cho các trò tuổi 14-15, hiểu biết và kinh nghiệm còn non nớt, không biết viết thế nào trong khoảng 20-30 phút được đoạn văn chừng 200 chữ?

Tiếc rằng, nếu thầy cô làm đề thi giới hạn một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như sáng tạo trong học tập, trong lao động sản xuất hay ứng xử, giao tiếp… thì các em sẽ dễ nhận ra vấn đề hơn, và viết sẽ vừa sức với các em.

Đoạn văn có thể nêu các gợi ý sau:

- Sáng tạo hiểu là khả năng tạo ra, làm ra những gì mới, hiệu quả hơn, ý nghĩa hơn những gì đang có.

Con người luôn mơ ước và quyết tâm sáng tạo bằng nhiều cách, chấp nhận tất cả thắng lợi, thành công hay thất bại, đau đớn để có được những sản phẩm mới, những cái mới có giá trị.

Sự sáng tạo không giới hạn ở lĩnh vực nào của đời sống. Những bài học quý giá, những giá trị vật chất hay tâm hồn thôi thúc con người mọi lứa tuổi, khắp thế giới nỗ lực sáng tạo ngày đêm…

- Giá trị của sự sáng tạo của con người trong cuộc sống rất đa dạng và phong phú. Nhờ sáng tạo, loài người đã làm nên giá trị vật chất và giá trị tinh thần, của cải vật chất và đời sống tâm hồn ngày một mới và văn minh chưa từng có.

Nêu một vài thành tựu, kết quả về đời sống, về khoa học, kỹ thuật, về văn hóa, nghệ thuật và về tâm hồn, tình cảm...

- Câu hỏi tu từ có thể là: Nếu không nỗ lực sáng tạo con người sẽ sống ra sao? Sự sáng tạo  mang lại bao nhiêu giá trị sống cho con người? Nếu không biết sáng tạo, xã hội loài người có được như hôm nay?… (Câu hỏi nêu ra để người đọc tự suy nghĩ trả lời- theo định nghĩa về câu hỏi tu từ). Gạch chân câu hỏi tu từ.

Vụ 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn: Con mà được điểm thấp sẽ khiếu nại
Vụ 6.400 thí sinh phải thi lại môn Văn: Con mà được điểm thấp sẽ khiếu nại

- Mọi việc sẽ được giải quyết tốt hơn nếu con người biết sử dụng sự sáng tạo một cách đúng nhất, ý nghĩa nhất với hoàn cảnh.

Mỗi người rất nên say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào cái đã có.

- Phê phán những người nào, nhất là bạn trẻ, sống không muốn và không dám sáng tạo. Liên hệ, bản thân cần làm gì để có thể sáng tạo?

Câu 6: 

Đảm bảo các yêu cầu về hình thức và nội dung của bài nghị luận văn học về thơ.

Thí sinh có thể có nhiều cách nêu cảm nhận, hiểu biết và phân tích, nhưng cần làm rõ các nội dung chính. Dưới đây là gợi ý dàn bài tham khảo:

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu nội dung của đoạn trích:

+ Nội dung đoạn trích: hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính và hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn với tư thế, hiên ngang, hóm hỉnh và lạc quan.

2. Thân bài: 

Ý 1: Giới thiệu ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác, năm 1969, chiến trường Trường Sơn ác liệt, giặc Mĩ điên cuồng đánh phá, ngăn cản những chuyến xe tiếp viện cho Miền Nam. Nhà thơ đã phát hiện điều kỳ thú của những chiếc xe vận tải quân sự của đồng đội đều không có kính…

Ý 2: Phân tích, giảng giải từ ngữ và tu từ để làm rõ một số ý trọng tâm sau:

-Hình ảnh những chiếc xe không kính được tác giả miêu tả trần trụi, chân thực.

Đó là những chiếc xe vận tải chở hàng hóa, đạn dược ra mặt trận, bị máy bay Mĩ bắn phá, kính xe vỡ hết. Sử dụng động từ “giật”, “rung” nhấn mạnh làm tăng sự khốc liệt của chiến tranh

- Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, hồn nhiên, dù thiếu đi những phương tiện tối thiểu, kính, đèn…

Tư thế chủ động, coi thường mọi thiếu thốn an toàn về kỹ thuật, nguy hiểm tính mạng nhưng các chiến sĩ lái xe trẻ trùng vẫn vui, lạc quan, tếu táo và tinh nghịch, hồn nhiên biến cái vô lý thành cái tự nhiên đùa vui ngạo nghễ.

- Những khó khăn như tăng lên vì xe không có kính: gió vào xoa mắt đắng, Bụi phun tóc trắng như người già, Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời…  Tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan tích cực coi thường hiểm nguy. Phép liệt kê rất thực tế, bởi tác giả là người trong cuộc.

- Hình ảnh những chiếc xe không kính độc đáo, rất khác lạ, rất chân thực là hình ảnh đẹp của người lính lái xe Trường Sơn.

Sự hấp dẫn chính là sự thật tàn khốc của chiến trường và bản lĩnh của người lính vượt lên thiếu thốn yếu tố bảo hiểm của phương tiện.  

Họ là chủ nhân của những chiếc xe không kính độc đáo, lạ kỳ làm nên những kì tích-chuyển hàng ra tiền phương đúng hẹn.

- Người lái xe trẻ hiên ngang “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” thách thức mọi khó khăn thiếu thốn về an toàn, đối mặt với rủi ro “gió vào xoa mắt đắng”, “đột ngột cánh chim”... cười cợt với thực tế chiến trường, lấy đó làm điểm tựa để vui bắt tay qua cửa kính, tự hào với mái tóc bạc do bụi phun, đùa giỡn với cái nguy hiểm và vững tay lái với tiếng cười vang động rừng cây ha ha …

- Người lính trẻ hiên ngang trước kẻ thù, trước thiếu thốn của phương tiện do chiến trang ác liệt quá.

Giọng thơ ngang tàng, tự tin, lạc quan và kiêu hãnh thể hiện rõ trong cấu trúc câu thơ “không có... ừ thì” như khẩu khí của người làm chủ hoàn cảnh và tình huống.

Với Phạm Tiến Duật và đồng đội, lãng mạn và yêu xe, yêu đời và yêu nước, vì miền Nam là lẽ sống và mục tiêu duy nhất của tuổi trẻ thời chống Mĩ hào hùng và vẻ vang.

Khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn không làm người lính lái xe Trường Sơn lung lay bản lĩnh và quyết tâm…

- Đánh giá về nghệ thuật: thể thơ tự do, ngôn ngữ giàu hình ảnh, từ ngữ sáng tạo, táo bạo và chi tiết chân thực với nhiều biện pháp tu từ điệp từ điệp cấu trúc tạo nên giọng điệu khỏe khắn và ngang tàng, dí dỏm và tự nhiên đậm chất trẻ của lính lái xe Trường Sơn những năm chống Mĩ Ngụy.

3. Kết bài

-  Khẳng định thành công của cây bút tài hoa và lãng mạn, khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, khẳng định vị trí của nhà thơ tài năng Phạm Tiến Duật trong nền thơ ca cách mạng thời chống Mĩ. 

Ngôn từ giàu hình ảnh, chân thực, táo bạo và sáng tạo; bút pháp tả thực và lời thơ mộc mạc như lời trò chuyện hấp dẫn đã làm cho bài thơ sống mãi trong lòng người yêu thơ, yêu lính.

Nguyễn Văn Lự