Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kim Sơn đặt hàng 6 vấn đề của ngành giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cần được Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm.
"Hiện Bộ Giáo dục đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương. Đây cũng là một việc mà Thành phố Hồ Chí Minh có thể thí điểm cùng với Bộ", ông Sơn đề xuất.
Nhiều băn khoăn khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm đề án trường công lập thu học phí cao. (Ảnh: P.L/giaoduc.net.vn) |
Trường công lập thu học phí theo quy định nào?
Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. [1]
Theo đó, khoản 2 Điều 9 quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông từ năm học 2022 - 2023 như sau:
a) Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên:
Khung học phí giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2022 - 2023. (Ảnh chụp màn hình) |
b) Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại điểm a khoản này;
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại điểm a khoản này;
c) Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư đạt mức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành; trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Cá nhân tôi cho rằng, quy định tăng học phí vượt trần theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục công lập muốn thu học phí cao hơn mức trần thì phải được Hội đồng nhân dân Thành phố phê duyệt. Vậy nên, cần có quy định cụ thể thu học phí cao là cao ở mức nào, tức là vượt trần cho phép bao nhiêu lần.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 9 quy định khung học phí từ năm học 2023 - 2024 trở đi ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao như sau (trích):
Căn cứ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định khung học phí hoặc mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành bảo đảm mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục đồng thời phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Vậy nên, các đơn vị sự nghiệp công lập cần có bộ tiêu chí về chất lượng dịch vụ giáo dục rõ ràng, cụ thể, cùng với đó là những cam kết về chất lượng đào tạo, ví dụ, đầu ra tốt nghiệp trung học phổ thông; đầu ra ngoại ngữ; đầu vào các trường đại học... thì mới có thể thuyết phục được sự đồng ý của phụ huynh học sinh về mức học phí cao.
Hay nói cách khác, trường công muốn thu học phí cao thì phải kèm theo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Phụ huynh học sinh không bao giờ chấp nhận đóng học phí cao nhưng chất lượng giáo dục không tương xứng với "đồng tiền bát gạo" bỏ ra.
Nhiều băn khoăn khi trường công lập thu học phí cao
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 từ 3 năm qua đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của toàn xã hội, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngày 9/12/2021, tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố cho biết, ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của Thành phố do đại dịch Covid-19 khoảng 273.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 ước ở mức âm. [2]
Nếu trường công lập tăng học phí cao thì nhiều học sinh nghèo ở Thành phố (chủ yếu là dân nhập cư) không có cơ hội được học ở những ngôi trường tốt (hoặc các trường trước đây đã từng học), như thế mô hình này vừa bất cập, vừa bất công, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Vấn đề đặt ra là, nhà trường phải có cơ chế về học bổng cho học sinh học giỏi, kể cả việc miễn giảm học phí cho các đối tượng ưu tiên nhằm giúp các em thực hiện quyền học tập của mình theo Luật Giáo dục - quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân.
Muốn làm được điều này, nhà trường phải làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục - khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, dĩ nhiên phải có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh học sinh để các nguồn thu được minh bạch và sử dụng có hiệu quả.
Thứ hai, nhà trường thu học phí cao thì phải đầu tư tương xứng về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Chẳng hạn, các phòng học; phòng chức năng; phòng thí nghiệm... cần trang bị thiết bị khang trang, hiện đại.
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật và "kỉ nguyên số", nhất thiết trường công lập chất lượng cao phải có thư viện thông minh. Được biết, từ năm học 2019-2020, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa vào sử dụng thư viện thông minh. [3]
Thư viện được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỉ đồng, có thể đáp ứng việc tổ chức lớp học tại thư viện, hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm tài liệu học tập tại trường và khai thác tài nguyên. Thư viện cũng giúp giáo viên soạn giảng giáo án điện tử E - Learning, đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cùng với đó, trường học phải có sân, bãi tập, nhà tập luyện đa năng, phòng tập, bể bơi và trang thiết bị thể thao hiện đại đạt chuẩn theo quy định nhằm phục vụ công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao của học sinh trong nhà trường.
Điều băn khoăn là, việc lạm thu trong trường học hiện nay là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc của dư luận xã hội. Nếu nhà trường thu học phí cao nhưng thiếu cơ chế quản lí, giám sát, dẫn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... không xứng tầm thì chủ trương, chính sách tốt đẹp có thể bị lợi dụng, trục lợi.
Liên quan đến trường công lập thu học phí cao, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng nêu quan điểm:
"Đã được nhà nước cấp đất, xây trường, đầu tư trang thiết bị giáo dục đầy đủ, hiện đại, trả lương cho đội ngũ... mà lại thu học phí cao của dân là không ổn. Như vậy là dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh". [4]
Ngoài ra, trường công lập thu học phí cao liệu có trái với Luật Giáo dục 2019? Rồi chính sách chi trả tiền lương giáo viên dựa trên khung hành lang pháp lí nào?... Những vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích thêm trong tuyến bài sắp tới.
Tài liệu tham khảo:
[1] //luatvietnam.vn/tai-chinh/nghi-dinh-81-2021-nd-cp-ve-co-che-thu-quan-ly-va-chinh-sach-mien-giam-hoc-phi-208409-d1.html
[2] //tuoitre.vn/dich-covid-19-khien-tphcm-thiet-hai-hon-273000-ti-20211209172754458.htm
[3] //thanhnien.vn/thu-vien-thong-minh-5-sao-cuc-chat-post892679.html
[4] //thanhnien.vn/truong-thpt-cong-lap-thu-hoc-phi-cao-hoang-mang-ve-bat-cong-trong-giao-duc-post1015131.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.