ĐH Duy Tân thu 900.000 đồng lệ phí tốt nghiệp, lãnh đạo nhiều trường nói quá cao

12/08/2024 06:36
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lãnh đạo một số trường đại học đánh giá, Trường Đại học Duy Tân thu lệ phí tốt nghiệp 900.000 đồng/sinh viên là quá cao. 

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin Trường Đại học Duy Tân yêu cầu sinh viên nộp 900.000 đồng để làm phôi và in bằng tốt nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phí này quá cao và có phần chưa hợp lý khi so sánh với các cơ sở giáo dục đại học khác.

Trả lời trên một tờ báo, ông Nguyễn Trung Thuận - Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến và bằng 2, Trường Đại học Duy Tân cho biết: "Khoản lệ phí bằng tốt nghiệp 900.000 đồng này bao gồm tất cả các chi phí in ấn, làm phôi bằng tốt nghiệp.

Đây là quy định chung của Trường đại học Duy Tân, bao gồm lệ phí cho hệ đại học từ xa, văn bằng 2. Theo luật sửa đổi 2018, áp dụng từ năm 2019 về việc các hệ đào tạo cấp bằng như nhau, không ghi rõ hệ đào tạo trên bằng. Mỗi trường đại học tự thiết kế mẫu, in phôi văn bằng giáo dục đại học". [1].

Lệ phí tốt nghiệp là loại phí mà sinh viên phải đóng trước khi tốt nghiệp, ở mỗi trường, sẽ có những tên gọi khác nhau cho khoản phí này, chẳng hạn lệ phí xét tốt nghiệp, lệ phí làm bằng tốt nghiệp, lệ phí tham gia lễ tốt nghiệp...

Lệ phí tốt nghiệp Trường Đại học Duy Tân cao gấp nhiều lần một số trường

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành khảo sát, thống kê mức lệ phí tốt nghiệp tại một số trường đại học năm 2024.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh thu lệ phí tốt nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp đợt 1 năm 2024 là 600.000 đồng.

Thông báo danh sách sinh viên tốt nghiệp loại hình đào tạo đại học chính quy, văn bằng 2 đại học chính quy và liên thông đại học chính quy đợt 2 năm 2024 của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có đề cập đến khoản tiền tốt nghiệp. Theo đó, sinh viên nộp 300.000 đồng (bao gồm các khoản: Bằng tốt nghiệp, phụ lục văn bằng, bìa bằng, thủ tục hoàn trả hồ sơ, lễ tốt nghiệp…).

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, lệ phí làm bằng tốt nghiệp đại học và ngành Sư phạm Tiếng Anh là 120.000 đồng; riêng sinh viên học chương trình Sư phạm Kỹ thuật (có chứng chỉ sư phạm) phải nộp 180.000 đồng/sinh viên.

Theo thông báo 284/TB-ĐHPY về việc nộp lệ phí làm bằng tốt nghiệp năm 2024 của Trường Đại học Phú Yên, sinh viên sẽ phải nộp mức lệ phí là 100.000 đồng.

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật Thành phố Hồ Chí Minh thông báo thu 400.000 đồng/ sinh viên tiền lệ phí làm bằng và dự lễ tốt nghiệp, trong đó, lệ phí làm bằng là 200.000 đồng. Năm 2024, nhà trường thu 300.000 đồng lệ phí dự lễ tốt nghiệp.

Năm 2024, Trường Đại học Sài Gòn thông báo thu 200.000 đồng/sinh viên lệ phí tốt nghiệp, bao gồm xét chứng nhận tốt nghiệp, bằng, bìa, bảng điểm và bản sao văn bằng từ sổ gốc.

Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, sinh viên phải hoàn thành lệ phí xét tốt nghiệp mới được đăng ký xét tốt nghiệp, mức đóng là 350.000 đồng/sinh viên.

h.png
Lệ phí tốt nghiệp năm 2024 tại một số trường đại học.

Có thể thấy, qua khảo sát lệ phí tốt nghiệp năm 2024 tại một số trường đại học, Trường Đại học Duy Tân có mức thu lệ phí khá cao.

Mức lệ phí tốt nghiệp của Trường Đại học Duy Tân nhiều hơn Trường Đại học Ngoại ngữ 1,5 lần; hơn Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 2,5 lần; hơn Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 3 lần; hơn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 7,5 lần; hơn Trường Đại học Phú Yên 9 lần.

Nhiều ý kiến bày tỏ, sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra, đóng đủ học phí, tại sao lại có thêm lệ phí làm bằng tốt nghiệp. Ngoài ra, lệ phí này ở mỗi trường lại có một mức thu khác nhau.

Thu 900.000 đồng để làm phôi, in bằng tốt nghiệp là quá cao, chi phí thực tế có đến mức đó?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: "Trường Đại học Duy Tân cần làm rõ, minh bạch tại sao làm phôi, in bằng lại thu đến 900.000 đồng/ sinh viên. So với thị trường, mức này khá cao.

Hiện chúng ta chưa có quy định không được thu khoản lệ phí này, tùy vào mỗi trường mà mức phí này có thể khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định chung cho các trường về lệ phí đầu ra (nếu có), cần có một khung chung để tránh trường hợp có trường thu quá cao như vậy".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, việc minh bạch thông tin ngay từ đầu là điều mà trường đại học nên chú trọng. Trong tuyển sinh, rất hiếm nơi đề cập đầy đủ các khoản mà người học sẽ phải đóng trong cả khóa học. Việc này cũng giúp người học có sự chủ động nhất định, tránh trường hợp bỡ ngỡ vì nhận được thông báo đóng thêm lệ phí sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo.

Một phó giáo sư hiện đang là hiệu trưởng của một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại đơn vị này sinh viên không phải đóng lệ phí tốt nghiệp. Phó giáo sư đánh giá, mức thu 900.000 đồng tiền lệ phí in phôi và bằng tốt nghiệp là quá cao.

"Chất liệu của phôi, bằng là loại đặc biệt để chống bị làm giả. Đó phải là loại giấy tốt, không thấm nước, bên ngoài bằng còn tráng thêm một lớp keo. Như tại trường hợp Trường Đại học Duy Tân thu 900.000 đồng đó, thì trường giải thích là để in ấn, mua phôi văn bằng. Tuy nhiên theo tôi, mức phí này là cao.

Ngoài ra, các trường nên công khai minh bạch các khoản phí, lệ phí cần đóng ngay từ khi tuyển sinh để người học nắm bắt được thông tin, chứ không nên đến khi người ta hoàn thành chương trình đào tạo rồi mới đưa thông tin đóng thêm lệ phí đó.

Khi mọi khoản thu rõ ràng ngay từ đầu thì người học biết được kế hoạch tài chính của cả khóa học cũng như cân nhắc sự phù hợp. Theo tôi, việc sinh viên phản ứng với khoản lệ phí 900.000 đồng cũng là điều dễ hiểu", hiệu trưởng này cho biết.

Cùng bàn về vấn đề trên, chuyên gia giáo dục, hiện đang quản lý một trường đại học ở Hà Nội bày tỏ: "Đầu tiên, chúng ta cần soi chiếu vào quy định công khai tài chính tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT. Theo đó, về học phí và các khoản thu khác từ người học, phải công khai mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo.

Nếu Trường Đại học Duy Tân công khai khoản lệ phí tốt nghiệp này ngay từ đầu thì sinh viên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ và ngạc nhiên vì nhận được thông báo khi họ đã hoàn thành chương trình đào tạo. Theo tôi, thu 900.000 đồng để làm phôi và in bằng tốt nghiệp là quá cao, vì chi phí thực tế không đến mức đó".

Về chất liệu giấy in bằng tốt nghiệp, vị quản lý này chia sẻ, có nhiều loại giấy khác nhau, tùy theo lựa chọn của từng đơn vị. "Một số đơn vị sẽ có thêm tem chống giả, tuy nhiên, dù vậy thì cũng không thể thu sinh viên với mức cao như vậy.

Tại đơn vị tôi, chúng tôi không thu lệ phí tốt nghiệp, ngoài ra còn công chứng sẵn bản sao bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên nữa. Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ cần đặt quyền lợi chính đáng của sinh viên lên trên, khi đó, trường cũng có thể xây dựng được thương hiệu riêng", vị này nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-thu-900-000-dong-de-in-bang-tot-nghiep-cao-hay-thap-20240809171659983.htm

Nhi Anh