Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì thừa nhận tuyển sinh khó, có ngành 1 SV nhập học

02/01/2024 06:36
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, điều này được thể hiện qua tỷ lệ sinh viên nhập học nhiều ngành rất thấp.

Thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2022 của nhà trường cho thấy, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương. Trường được thành lập ngày 20/1/2011 theo Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Hóa chất, tiền thân là Trường Kỹ thuật Trung cấp II thành lập ngày 25/6/1956.

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì có hai cơ sở đào tạo. Cơ sở Việt Trì tại phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cơ sở Lâm Thao tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Hiện, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì do Tiến sĩ Lê Thanh Tâm làm Chủ tịch hội đồng trường; Tiến sĩ Vũ Đức Bình là Hiệu trưởng nhà trường.

2 năm liền tuyển sinh èo uột, có ngành chỉ tuyển được 1 sinh viên

So sánh dữ liệu tuyển sinh 2 năm gần nhất được đề cập tại đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy đa số các ngành của nhà trường đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, trừ ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô năm 2021 tuyển vượt 18 chỉ tiêu.

Dữ liệu tuyển sinh hai năm gần nhất theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Ảnh chụp màn hình.
Dữ liệu tuyển sinh hai năm gần nhất theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, ngành Quản trị kinh doanh năm 2021 có chỉ tiêu tuyển sinh là 150 nhưng chỉ có 33 thí sinh trúng tuyển nhập học (chiếm 22%). Năm 2022, ngành này chỉ tuyển được 9/150 sinh viên (chiếm 6%).

Ngành Kế toán năm 2021 chỉ tiêu là 200 nhưng chỉ có 41 thí sinh trúng tuyển nhập học (chiếm 20,5%). Năm 2022, chỉ tiêu ngành này giữ nguyên 200 nhưng số người nhập học lại giảm chỉ còn 31 (chiếm 15,5%).

Ngành Công nghệ sinh học năm 2021 chỉ tiêu là 100, trống dữ liệu sinh viên trúng tuyển nhập học. Năm 2022, chỉ tiêu giảm xuống còn 60 nhưng chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 3,3%).

Ngành Hóa học năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh là 200 nhưng chỉ có 14 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 7%). Năm 2022, chỉ tiêu vẫn giữ nguyên 200 nhưng chỉ có 9 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 4,5%).

Ngành Công nghệ thông tin năm 2021 trường tuyển được 83/200 chỉ tiêu (chiếm 41,5%); năm 2022 trường tuyển được 48/200 chỉ tiêu (chiếm 24%).

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí năm 2021 trường tuyển được 18/150 chỉ tiêu (chiếm 12%). Năm 2022 chỉ tiêu của ngành này giảm còn 120 nhưng vẫn chỉ có 18 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 15%).

Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh là 110 nhưng có 128 sinh viên trúng tuyển nhập học, vượt 18 chỉ tiêu (tương đương 16%). Năm 2022 chỉ tiêu tăng gấp đôi nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học giảm 52 người so với năm học trước (có 76 sinh viên nhập học).

Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử năm 2021 tuyển được 88/120 chỉ tiêu (chiếm 73,3%). Năm 2022 ngành này chỉ tuyển được 45/220 chỉ tiêu (chiếm 20%).

Ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh là 120 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học chỉ có 42 người (chiếm 35%). Năm 2022 ngành này chỉ tuyển được 34/100 chỉ tiêu (chiếm 34%).

Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh là 200 nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học chỉ có 11 người (chiếm 35%). Năm 2022 ngành này chỉ tuyển được 34/100 chỉ tiêu (chiếm 34%).

Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh là 120, không có dữ liệu sinh viên trúng tuyển nhập học. Năm 2022 ngành này chỉ tuyển được 1/60 chỉ tiêu (chiếm 1,6%).

Ngành Công nghệ thực phẩm năm 2021 có chỉ tiêu tuyển sinh là 100 nhưng chỉ có 5 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 5%). Năm 2022, ngành này chỉ tuyển được 3/100 chỉ tiêu (chiếm 3%).

Ngành Ngôn ngữ Anh năm 2021 chỉ tiêu của trường là 120 nhưng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển nhập học (chiếm 5%). Năm 2022, ngành này chỉ tuyển được 5/150 chỉ tiêu (chiếm 3,3%).

Phóng viên cũng tiến hành cộng tổng chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì năm 2021, 2022 từ dữ liệu tuyển sinh các ngành theo đề án tuyển sinh năm 2023.

Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì trong 2 năm 2021, 2022. Theo dữ liệu tại đề án tuyển sinh năm 2023.
Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì trong 2 năm 2021, 2022. Theo dữ liệu tại đề án tuyển sinh năm 2023.

Từ biểu đồ trên có thể thấy, số sinh viên trúng tuyển nhập học trong 2 năm vừa qua của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đều thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh và có xu hướng giảm.

Năm 2021 trường tuyển sinh được 469/1870 chỉ tiêu (chiếm 25%), năm 2022 tuyển sinh được 287/1930 chỉ tiêu (chiếm 14,8%).

Liên quan đến các phân tích nêu trên, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì thừa nhận: "Trong những năm gần đây, trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ sinh viên nhập học trên chỉ tiêu. Đặc biệt một số ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ hóa học, Công nghệ môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm số thí sinh đăng ký, nhập học đạt rất thấp.

Năm 2021, ngành Công nghệ sinh học không có thí sinh nhập học. Năm 2022, ngành Công nghệ sinh học có 2 sinh viên. Năm 2023, theo quy định đến thời điểm 31/12/2023 nhà trường mới kết thúc công tác tuyển sinh (đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì gửi các thông tin liên quan với phóng viên vào ngày 27/12 nên chưa có dữ liệu cuối cùng - PV)".

Trường không có giảng viên chức danh giáo sư

Giảng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì qua các năm, số liệu tổng hợp từ báo cáo 3 công khai.

Giảng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì qua các năm, số liệu tổng hợp từ báo cáo 3 công khai.

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020 của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, trường có 227 giảng viên cơ hữu, trong đó có 2 phó giáo sư, 32 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 186 thạc sĩ và 7 giảng viên có trình độ đại học. Năm học 2020-2021 số giảng viên không có sự thay đổi so với năm học trước.

Năm học 2021-2022 Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì có 238 giảng viên cơ hữu, trong đó có 3 phó giáo sư, 38 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 176 thạc sĩ và 21 giảng viên có trình độ đại học.

Như vậy có thể thấy số giảng viên cơ hữu của trường có sự tăng nhẹ theo thời gian. Từ năm 2019 đến năm 2022 tăng thêm 11 thầy cô, từ 227 lên 238 giảng viên (tăng gần 5%).

Báo cáo 3 công khai các năm học cũng cho thấy, trường không có giảng viên chức danh giáo sư. Bên cạnh đó, số giảng viên có chức danh phó giáo sư chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Ngoài ra, giảng viên có trình độ thạc sĩ giảm và giảng viên trình độ đại học năm học 2021-2022 có tăng so với các năm trước.

Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho biết: "Trong những năm qua, số giảng viên có trình độ thạc sĩ giảm do một số giảng viên có trình độ thạc sĩ đã học xong nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ (năm học 2020-2021 có 34 giảng viên có trình độ tiến sĩ, năm học 2021-2022 có 41 giảng viên có trình độ tiến sĩ). Mặt khác, số giảng viên có trình độ đại học tăng do trong những năm qua một số ngành không tuyển được sinh viên nên nhà trường đã thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi chuyên môn cho một số giảng viên có trình độ thạc sĩ đi học đại học ngành khác để đảm bảo việc làm.

Theo Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thì giảng viên các trường đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên, còn giảng viên có trình độ đại học thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ trợ giảng theo quy định. Thời gian qua, việc bố trí và phân công nhiệm vụ cho các giảng viên có trình độ đại học nhà trường đã tổ chức thực hiện theo quy định nên không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo".

Quy mô đào tạo đại học tăng qua các năm

Theo dữ liệu công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022, quy mô đào tạo đại học chính quy của trường có xu hướng tăng. Trong khi đó, quy mô đào tạo thạc sĩ có sự biến động và hệ đại học vừa làm vừa học giảm.

Về quy mô đào tạo hệ thạc sĩ, năm học 2019-2020 trường đào tạo 26 học viên, năm học 2020-2021 có 15 học viên, năm học 2021-2022 có 21 học viên.

Về quy mô đào tạo hệ đại học vừa làm vừa học, năm học 2019-2020 trường đào tạo 74 người, năm học 2020-2021 có 34 người, đến năm học 2021-2022 không có sinh viên nào.

Về quy mô đào tạo đại học chính quy, năm học 2019-2020 có 2.609 sinh viên; năm học 2020-2021 có 2.765 sinh viên, tăng 156 sinh viên, tương đương tăng gần 6% so với năm trước. Năm học 2021-2022 trường đào tạo 3.002 sinh viên, tăng 237 sinh viên, tương đương tăng 8,5% so với năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, khi phóng viên tiến hành cộng tổng từng khối ngành theo dữ liệu công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2021-2022 thì quy mô đào tạo đại học chính quy là 3.005 (số liệu của trường là 3.002). Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì thừa nhận bị cộng nhầm, số đúng là 3.005 chứ không phải 3.002.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì qua các năm học.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì qua các năm học.

Như vậy, tính theo số liệu chuẩn, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy năm học 2021-2022 tăng 240 sinh viên, tương đương tăng 8,6% so với năm trước.

Phạm Thi