ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Sai sót trong kê tổng thu, quy mô đào tạo Ths giảm

12/06/2024 06:27
Nhi Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo dữ liệu tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng giảm.

Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nêu thông tin, về sứ mạng của trường là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng theo định hướng ứng dụng; liên tục đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học chất lượng cao trong các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hiện Tiến sĩ Trương Thị Hiền là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang là quyền hiệu trưởng nhà trường.

Dữ liệu tổng thu năm 2020 có thiếu sót trong kê khai

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu tại thông báo công khai tài chính của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022 đều có đề cập đến dữ liệu tài chính năm 2020. Tuy nhiên, số liệu lại hoàn toàn khác nhau.

Thông báo công khai tài chính năm học 2020-2021 cho biết, tổng thu năm 2020 là 649,378 tỷ đồng. Trong khi đó, thông báo công khai tài chính năm học 2021-2022 lại nêu tổng thu năm 2020 là 760,550 tỷ đồng.

thu2nam.jpg
Thông báo công khai tài chính năm học 2020-2021 và 2021-2022 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đều đề cập dữ liệu tổng thu năm 2020 nhưng số liệu khác nhau.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Nhà trường đã làm việc với lãnh đạo phòng Kế hoạch tài chính và xin được lý giải như sau:

Số liệu báo cáo 3 công khai về số tổng thu được ký ngày 23/8/2022 là chi tiết báo cáo số liệu cho năm 2021. Phòng Kế hoạch tài chính có thiếu sót tại phần ghi chú tại cột "nội dung". Phòng Kế hoạch tài chính xin được điều chỉnh cụm từ "IV. Tổng thu năm 2020" thành "IV. Tổng thu năm 2021" của ngày ký 23/8/2022. Về phần số liệu phòng Kế hoạch tài chính đã báo cáo đúng theo số liệu thực tế trên báo cáo tài chính".

Theo dữ liệu nhà trường đính chính sau phản ánh của phóng viên, năm học 2020 nhà trường thu 649,378 tỷ đồng; năm 2021 nhà trường thu 760,550 tỷ đồng; năm 2022 nhà trường thu 785 tỷ đồng.

Như vậy cho thấy trong ba năm qua, tổng thu của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có tăng. Năm 2021, tổng thu của trường tăng hơn 111 tỷ đồng so với năm học trước, tương đương tăng hơn 17%. Nhưng đến năm 2022 tổng thu chỉ tăng nhẹ, tăng hơn 24 tỷ đồng, tương đương tăng chưa đến 1%, so với năm 2021.

nguon thu 3 nam.jpg
Nguồn thu trong 3 năm của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, số liệu nhà trường đính chính sau phản ánh của phóng viên.

Theo số liệu trong báo cáo ba công khai, nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2020, tổng thu từ học phí là 625,625 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 96,27%). Năm 2021, tổng nguồn thu từ học phí là 742,012 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 97,56%). Năm 2022, tổng nguồn thu từ học phí là 730 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 92,92%).

Như vậy, có thể thấy, tổng nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ học phí, không có dữ liệu nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Phóng viên băn khoăn "các số liệu được tổng hợp trong báo cáo có chính xác hay không? Bởi lẽ, theo báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021 trường có 71 dự án; năm học 2021-2022 có 61 dự án, năm học 2022-2023 có 95 dự án. Trong văn bản trả lời Tạp chí, Tiến sĩ Quách Thanh Hải khẳng định: "Nhà trường không phát sinh doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Các dự án được phóng viên nêu là những dự án được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước, các Sở Khoa học công nghệ, các quỹ".

Bên cạnh đó, tổng thu từ nguồn hợp pháp khác của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng có sự biến động mạnh. Theo biểu mẫu công khai tài chính năm học 2020-2021 trường thu 46 tỷ đồng; năm học 2021-2022 giảm 40 tỷ đồng, chỉ còn 6 tỷ đồng; biểu mẫu tài chính năm học 2022-2023 số tiền từ nguồn hợp pháp khác là 36 tỷ đồng.

Về sự biến động này, Tiến sĩ Quách Thanh Hải lý giải: "Nguồn thu hợp pháp khác là nguồn thu từ các hoạt động không thường xuyên vì vậy có sự chênh lệch cao giữa các năm".

Học phí hệ đại học Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2020-2021 dao động từ 17,5-19,5 triệu đồng; học phí năm học 2021-2022 học phí dao động từ 16,98-18,92 triệu đồng; học phí năm học 2022-2023 dao động từ 17,5-19,5 triệu đồng.

Quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng giảm

Theo dữ liệu tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, quy mô đào tạo thạc sĩ có xu hướng giảm theo thời gian. Năm học 2022-2023, quy mô đào tạo thạc sĩ là 680 người, giảm 361 người so với năm học trước, (2021-2022 quy mô 1.041 người), tương đương giảm 34,6%.

quy mo.jpg
Quy mô đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 năm học, dữ liệu tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của nhà trường.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Thanh Hải cho biết: Năm 2021 đại dịch Covid-19 ập đến làm ảnh hưởng và trì trệ toàn bộ hệ thống xã hội trên toàn thế giới. Ngành giáo dục nói chung và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng này. Trong năm học 2021-2022 việc tuyển sinh trình độ thạc sĩ của trường bị gián đoạn 1 năm dẫn đến số lượng tuyển sinh đầu vào cho năm học 2022-2023 bị giảm xuống.

Cũng trong thời gian này (giai đoạn 2021-2022) dịch bệnh và những khó khăn trong cuộc sống kéo theo tiến độ học tập và hoàn thành luận văn tốt nghiệp của người học cũng bị ngưng trệ, dẫn tới số lượng người học của năm học này dồn lại, chưa thể ra trường, làm tăng quy mô đào tạo.

Đến năm học 2022-2023, cuộc sống đã đi vào giai đoạn bình thường mới và ổn định, số lượng người học hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp tăng lên (do dồn lại từ các khoá trước) và số lượng tuyển sinh giảm do gián đoạn từ năm trước dẫn đến quy mô đào tạo có chiều hướng đi xuống.

"Nhìn chung, công tác tuyển sinh trình độ thạc sĩ hiện đang khó khăn là không riêng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống khó khăn làm người học dành thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu nên tạm gác lại việc đầu tư phát triển giá trị bản thân thông qua giáo dục. Với mong muốn tăng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ và san sẻ khó khăn với người học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ người học thông qua các hoạt động cấp học bổng, khen thưởng thành tích nghiên cứu khoa học…

Trong thời gian qua, nhà trường cũng tập trung cho việc hiệu chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo, các quy định và chính sách nhằm đem đến chất lượng đào tạo và phục vụ tốt nhất cho người học. Vì thế, chất lượng đào tạo sau đại học của nhà trường luôn được bảo đảm với cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm được tăng cường, chất lượng đội ngũ càng ngày càng được nâng cao, số lượng bài báo xuất bản của học viên và nghiên cứu sinh cũng tăng.

Hiện tại, nhà trường đang triển khai tuyển sinh trình độ thạc sĩ đợt 1 năm 2024, thông tin đã được đăng tải trên website của trường", Tiến sĩ Quách Thanh Hải cho hay.

Ngoài ra, tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế, quy mô đào tạo hệ đại học vừa làm vừa học là 3515 sinh viên. Tuy nhiên, phóng viên tiến hành cộng quy quy mô đào tạo từng ngành lại là 3513.

Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận: "Phòng Đào tạo Không chính quy xác nhận số 3513 là số chính xác".

Kinh nghiệm thu hút, chiêu mộ đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ

Theo thông báo công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng lên theo thời gian (từ 270 thầy cô năm học 2020-2021 lên 293 thầy cô năm học 2022-2023); số giảng viên có trình độ thạc sĩ và đại học có xu hướng giảm qua các năm.

gvfinal.jpg
Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm học, dữ liệu từ thông báo công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường.

Tiến sĩ Quách Thanh Hải chia sẻ kinh nghiệm trong thu hút, chiêu mộ giảng viên trình độ tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, nguồn nhân lực, đặc biệt trong thu hút nguồn nhân lực giảng dạy trình độ cao là vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhà trường.

Thứ nhất, nhà trường có các chính sách tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ (đặc biệt tiến sĩ học tập ở nước ngoài) về công tác tại trường.

Thứ hai, có chính sách đãi ngộ hợp lý về lương (chi tăng thêm hệ số tiến sĩ) và chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ như: Hỗ trợ học phí, miễn giảm khối lượng công việc, chính sách thưởng khi hoàn thành Tiến sĩ, Tiến sĩ trước thời hạn.

Thứ ba, nhà trường thường xuyên đầu tư đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là môi trường làm việc tiên tiến, thuận lợi tối đa để các giảng viên có thể giảng dạy, nghiên cứu khoa học tốt nhất.

Theo tiêu chí 3.1, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi là Thông tư 01) chuẩn cơ sở giáo dục đại học: Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.

Theo biểu mẫu công khai thông tin về cơ sở vật chất năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất/ sinh viên có tỷ lệ là 9,292m2/sinh viên.

Về các thông số theo quy định của Thông tư 01, Tiến sĩ Quách Thanh Hải đánh giá: "Thông tư 01 quy định rất cụ thể rõ ràng. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường ở Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tương đối lớn (gần 22ha).

Theo hướng dẫn của Thông tư 01 thì diện tích đất sau khi quy đổi hiện nay của trường là = 9,292 m2/sinh viên x 2,5 = 23,23m2/sinh viên (hệ số vị trí của khuôn viên = 2,5 do trường nằm trong địa giới các quận của thành phố trực thuộc Trung ương). Chiếu theo Thông tư 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về diện tích đất không nhỏ hơn 25m2/sinh viên thì hiện nhà trường mới đạt 23,23/25m2".

Theo Tiến sĩ Hải, quy định diện tích đất tối thiểu 25m2/sinh viên thực sự là một khó khăn cho những trường đại học tọa lạc tại những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên để đảm bảo chuẩn về cơ sở vật chất trong những năm tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tìm những vị trí đất phù hợp để trình các cấp chính quyền và các Bộ ngành liên quan xin giao đất để trường đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất như quy định tại Thông tư 01.

Nhi Anh