Dịch giã thế này, các nhà xuất bản nên giảm giá sách giáo khoa

20/08/2021 07:45
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách giáo khoa bán với số lượng nhiều, bán cố định liên tục từng năm học nên việc chia bớt khó khăn trong lúc này đối với người tiêu dùng cũng là điều cần thiết.

Trong Thông cáo báo chí ngày 17/8/2021 vừa qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị các cơ quan liên quan coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu- đây được xem là giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Song, một khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu cũng đồng nghĩa mặt hàng này đang rất cần thiết đối với nhiều người trong xã hội, được ưu tiên hơn so với các mặt hàng khác…

Vì vậy, sẽ phù hợp hơn là trong bối cảnh khó khăn bây giờ, khi mà nhiều mặt hàng thiết yếu đã và đang giảm giá cho người dân thì sách giáo khoa cũng nên giảm giá cho học sinh, giáo viên sẽ là điều phù hợp nhất.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề xuất sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu

Thực tế cho thấy những tháng vừa qua thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước nên việc cung ứng, vận chuyển sách giáo khoa đến các địa phương, nhà trường đang gặp những khó khăn nhất định.

Chính vì thế, trong Thông cáo báo chí vừa qua thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, có những giải pháp đáng lưu tâm như sau:

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển sách giáo khoa nhằm kịp thời cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh trước ngày khai giảng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiến nghị các cơ quan liên quan coi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, lưu thông phân phối đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Với khoảng 40 tỉnh/thành phố đã có thời gian khai giảng dự kiến, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đề nghị các nhà trường có phương án phù hợp để nhận sách giáo khoa và kịp thời chuyển tới tay học sinh trước ngày khai giảng.

Đối với những tỉnh/thành phố chưa xác định thời gian tựu trường do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ căn cứ kế hoạch của từng địa phương để xây dựng phương án cung cấp đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh.

Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác phát hành tại các địa phương để có phương án cụ thể với từng tuyến đường, chốt kiểm soát để sách giáo khoa có thể đến tay học sinh kịp thời nhất”….

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra một số giải pháp nhằm cung ứng sách giáo khoa đến với học sinh, giáo viên ở các nhà trường là điều rất cần thiết trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Đặc biệt là đối với các bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì đây là những bộ sách có nhiều thay đổi so với trước đây.

Nhiều mặt hàng thiết yếu đã và đang giảm giá trong thời gian qua

Theo Luật giá năm 2013, các mặt hàng thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều mặt hàng đã giảm giá cho người tiêu dùng.

Hiện nay đã có nhiều siêu thị, cửa hàng lớn ở các tỉnh cũng đã giảm giá các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Ngay như các mặt hàng: điện, nước cũng giảm giá; xăng, dầu cũng giảm giá cho các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Giá cước viễn thông cũng được điều chỉnh, giảm giá và đưa ra nhiều gói khuyến mãi cho người dân…

Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã đặt lợi ích hài hòa giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng và tất nhiên là việc điều chỉnh, giảm giá các mặt hàng thiết yếu trong lúc này đã giúp cho những người yếu thế vơi bớt những khó khăn trong lúc nhiều người đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đối với sách giáo khoa dù hiện nay không được xem là mặt hàng thiết yếu nhưng mỗi khi bước vào năm học mới thì nó có tác động lớn đến hàng chục triệu gia đình. Nhà có 1 đứa con đang theo học cũng phải đầu tư vài ba trăm ngàn, nhà 2-3 đứa con thì số tiền lên cả hàng triệu đồng.

Nhất là sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được bán ra với giá cao gần gấp 4 lần sách giáo khoa chương trình hiện hành nên mỗi bộ sách giáo khoa, kèm theo sách bài tập, đồ dùng học tập thì mỗi phụ huynh cũng phải chi ra số tiền lên đến cả triệu đồng cho mỗi học sinh.

Số tiền này vốn đã lớn, trong bối cảnh hiện nay lại càng lớn hơn khi có nhiều phụ huynh đã thất nghiệp suốt mấy tháng qua hoặc bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên nhiều phụ huynh gần như không có thu nhập.

Đời sống kinh kế của nhiều phụ huynh học sinh hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng năm học mới đến, dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì phụ huynh cũng phải mua sách giáo khoa cho con em mình học tập theo kế hoạch của các nhà trường.

Vì thế, theo quan điểm của người viết, nếu như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đề xuất xem sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu thì các Nhà xuất bản nói chung, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói riêng nên có chủ trương giảm giá sách giáo khoa cho năm học mới.

Nhất là những tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội trong suốt những tháng vừa qua thì đáng trân quý vô cùng.

Đặc biệt là với sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 vì những bộ sách này đang được bán với giá cao hơn rất nhiều so với sách giáo khoa các lớp còn lại và phần lớn được bán theo đường nội bộ, các trường học đứng ra bán sách nên việc “chiết khấu” một số phần trăm trên đầu mỗi cuốn sách không phải là quá khó khăn.

Nếu sách đã bán cho học sinh rồi thì nhà trường trả lại tiền cho học sinh, nếu sách chưa bán thì các đơn vị phát hành sách giáo khoa chủ trương giảm giá sẽ tạo được sự phấn khởi cho phụ huynh và học sinh ở các nhà trường.

Sách giáo khoa bán với số lượng nhiều, bán cố định liên tục từng năm học nên việc chia bớt khó khăn trong lúc này đối với người tiêu dùng cũng là điều cần thiết mà các Nhà xuất bản nên chia sẻ với những “khách hàng truyền thống” của mình.

Tài liệu tham khảo:

https://www.nxbgd.vn/bai-viet/hoan-thanh-cong-tac-tap-huan-giao-vien-su-dung-sgk-lop-2-lop-6-chuan-bi-cung-ung-day-du-sgk-phuc-vu-nam-hoc-2021-2022

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO