Điểm chuẩn dự kiến 2023 của Học viện Ngoại giao và Học viện Hàng không Việt Nam

16/08/2023 06:30
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Điểm chuẩn của Học viện Ngoại giao năm 2023 dự kiến dao động từ 26,25-29 điểm. Điểm chuẩn năm 2023 của Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến có xu hướng tăng.

Học viện Ngoại giao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thìn - Trưởng ban Đào tạo (Học viện Ngoại giao) cho biết: “Thời điểm này Học viện đã công bố điểm chuẩn theo các phương thức xét tuyển sớm vào đại học hệ chính quy năm 2023, dao động từ 26,25-29 điểm (quy đổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong đó ngành cao điểm nhất là ngành Truyền thông quốc tế: 29 điểm, ngành thấp điểm nhất là ngành Hoa Kỳ học: 26,25 điểm.

Với phương thức xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông, theo phổ điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê và công bố, dự kiến cũng sẽ không có sự biến động lớn so với năm 2022, tuy nhiên sẽ có sự chênh lệch ở một số tổ hợp: dự kiến tổ hợp A00 có thể giảm nhẹ từ 0,5-1 điểm, tổ hợp D01 có thể tăng nhẹ hoặc giữ bằng mức năm ngoái”.

“Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không điều chỉnh quy chế tuyển sinh mà chỉ sửa đổi một số phần kỹ thuật để hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, trong đó có việc tập trung các phương thức xét tuyển trên cùng hệ thống cho thí sinh thực hiện tất cả các quy trình trong tuyển sinh, từ việc đăng ký nguyện vọng tới nộp lệ phí, xác nhận nhập học, tất cả được thực hiện trực tuyến.

Học viện Ngoại giao cũng áp dụng rút ngắn các quy trình đăng ký xét tuyển trên Cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến của Học viện, nhờ vậy tạo thuận lợi hơn cho thí sinh tham gia quá trình xét tuyển sớm của Học viện” - cô Nguyễn Thị Thìn thông tin thêm.

Chia sẻ về những ngành tuyển sinh “hot” của Học viện Ngoại giao, Trưởng ban Đào tạo cũng cho biết: “Hiện nay Học viện Ngoại giao đang đào tạo 08 ngành, các ngành đều có thế mạnh riêng và thu hút được thí sinh đăng ký xét tuyển. Thực tế tuyển sinh các năm gần đây cho thấy điểm xét tuyển giữa các ngành không có sự chênh lệch lớn. Trong đó, hiện đang có 2 ngành tuyển sinh “hot”.

Sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh niên về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mê Kông (YICMG 2023), ngày 19-23/7/2023, tại Trung Quốc. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh niên về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mê Kông (YICMG 2023), ngày 19-23/7/2023, tại Trung Quốc. Ảnh: NTCC.

Ngành Truyền thông quốc tế: So với các ngành đào tạo truyền thống, ngành Truyền thông quốc tế là ngành học tương đối mới ở Việt Nam. Ngành này thu hút đông đảo sinh viên theo học, bởi đây là một ngành nghề rất năng động, đem lại thu nhập cao, được tự do sáng tạo với tư duy rộng mở, đặc biệt phù hợp với thế hệ “Gen Z” năng động, thích trải nghiệm những điều mới mẻ và khám phá thế giới.

Học ngành Truyền thông quốc tế ở Học viện Ngoại giao, sinh viên không chỉ được đào tạo các kiến thức chuyên sâu về truyền thông quốc tế chuyên nghiệp, truyền thông marketing quốc tế, mà còn được học bổ trợ các kiến thức liên ngành quan hệ quốc tế, luật quốc tế, kinh tế quốc tế… và các kỹ năng đa dạng, hiệu quả khác như: kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và tác nghiệp văn hóa, kỹ năng tổng hợp phân tích tin quốc tế, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng đàm phán ngoại giao…

Thực tế theo báo cáo khảo sát việc làm của Học viện những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành Truyền thông quốc tế luôn rất cao (97-98%). Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đối với nhân sự ngành này cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của sinh viên học ngành Truyền thông quốc tế của Học viện.

Ngành Kinh doanh quốc tế: Mặc dù mới tuyển sinh được 3 năm gần đây nhưng ngành Kinh doanh quốc tế đang ngày càng thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển. Lý do bởi những năm gần đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng vươn mình ra thế giới, bên cạnh đó cũng thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong nước. Do đó, nhu cầu việc làm ngày càng nhiều ở các công ty và tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.

Ngành kinh doanh quốc tế của Học viện Ngoại giao không chỉ trang bị cho sinh viên những nền tảng kiến thức về quản trị kinh doanh, kế toán tài chính… mà còn những kiến thức về đầu tư quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu, các kiến thức về marketing, thanh toán mang tầm quốc tế…

Đặc biệt, sinh viên Học viện được bổ trợ kiến thức về quan hệ quốc tế, luật quốc tế, kinh tế quốc tế… nên có khả năng xem xét đánh giá nền kinh tế theo góc độ toàn cầu. Điều này vô cùng thuận lợi cho những ai mong muốn được làm việc trong môi trường đa quốc gia vươn ra tầm quốc tế.

Tóm lại, xu thế phát triển của thời đại, nhu cầu của nền kinh tế, chất lượng đào tạo… là các nguyên nhân lý giải cho độ “hot” trong tuyển sinh của 2 ngành Truyền thông quốc tế và Kinh doanh quốc tế của Học viện trong những năm gần đây”.

Học viện Hàng không Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên (Học viện Hàng không Việt Nam) chia sẻ: “Năm 2023, Học viện tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu với 11 ngành. Trong đó, có 2 ngành luôn nằm trong “top” tuyển sinh “hot” đó là ngành Quản lý hoạt động bay và ngành Kỹ thuật hàng không.

Ngoài ra, ngành có nhiều chỉ tiêu nhất của Học viện là Quản trị kinh doanh, hằng năm có khoảng 600 chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký cũng khá đông. Ngành Du lịch lữ hành năm nay cũng khá “hot”, số lượng đăng ký từ ngày 01-04/8 là trên 600 thí sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng (ngoài cùng, bên phải) - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên (Học viện Hàng không Việt Nam) trong một giờ học của sinh viên. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng (ngoài cùng, bên phải) - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên (Học viện Hàng không Việt Nam) trong một giờ học của sinh viên. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, có một số ngành Học viện mới mở như Kinh tế vận tải, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện tử xây dựng (với các chuyên ngành: Xây dựng đường ô tô và sân bay, Xây dựng dân dụng và ga hàng không, Quản lý dự án xây dựng). Trong đó, chỉ có ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử xây dựng là có vẻ hơi khó tuyển sinh hơn, có thể do nhiều thí sinh còn tâm lý e ngại học ngành này sẽ vất vả, khi nghe tên ngành học thì nghĩ đến phải làm việc ngoài trời, “dầm mưa dãi nắng”, nên còn “kén” người chọn. Còn đối với các ngành khác, việc tuyển sinh đều rất khả quan”.

“Chúng tôi có thống kê và so sánh phổ điểm qua các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các năm, và dựa trên phân tích phổ điểm năm nay; mặt khác, đối với các phương thức xét tuyển sớm, Học viện tăng lên 60% chỉ tiêu, nên điểm chuẩn của phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tăng lên.

Bởi, như các năm trước, Học viện không dành chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm đối với riêng 2 ngành Quản lý hoạt động bay và Kỹ thuật hàng không. Tuy nhiên, năm nay, chúng tôi đã bổ sung chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển sớm cho 2 ngành học này, nên chỉ tiêu còn lại sẽ ít và điểm chuẩn sẽ có xu hướng tăng lên” - Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng phân tích thêm.

Trước đó, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên (Học viện Hàng không Việt Nam) cũng đã có những chia sẻ khó khăn trong công tác tuyển sinh và cho rằng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu hiện đang tạo ra nhiều áp lực cho các trường đại học.

Cụ thể, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng đề cập: “Hiện nay, việc lọc ảo đã có sự thay đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định, tất cả nguyện vọng xét tuyển sớm của thí sinh đều phải đưa lên cổng đăng ký chung của Bộ. Tuy đã có những hiệu quả nhất định, song, các trường vẫn rất khó để xác định được chính sách số lượng thí sinh. Vậy nên, nếu được, có thể tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học áp dụng tỉ lệ thí sinh ảo trong mùa tuyển sinh năm trước cho tuyển sinh năm sau. Chẳng hạn, năm trước, tỉ lệ thí sinh ảo chiếm khoảng 10% thì năm nay, trong quá trình tuyển sinh, các trường được phép gọi vượt 10% chỉ tiêu; còn nếu năm trước tỉ lệ ảo là 20% thì năm nay có thể gọi vượt 20%”.

Mộc Trà