Đọc chia sẻ PGS Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên môn HĐTN, là GV, tôi thấy buồn

04/01/2023 06:37
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổng chủ biên Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nói: “Hiệu quả còn phụ thuộc vào ý thức của các thầy cô và sự quản lý của lãnh đạo”, liệu có thỏa đáng?

Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết của đội ngũ nhà giáo dưới cơ sở phản ánh về những bất cập về việc thực hiện Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các trường học phổ thông khi các cấp học thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Điều đáng mừng là Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm (tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (trung học cơ sở; trung học phổ thông) đã lên tiếng, giải đáp một số điều mà đội ngũ nhà giáo còn băn khoăn, phản ánh.

Đọc những chia sẻ của Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa, chúng tôi thấy có nhiều điểm đồng tình nhưng cũng có những điều chưa thực sự đồng tình bởi theo Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì việc thực hiện các hoạt động này chưa hiệu quả có một phần trách nhiệm thuộc về “ý thức” giáo viên.

Liệu những chia sẻ của Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thực sự thỏa đáng với những điều mà giáo viên dưới cơ sở mong muốn, chờ đợi sau mấy năm thực hiện hoạt động này?

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa hiệu quả có phải do “ý thức” của giáo viên?

Nếu xét về môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục 2018 thì Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một hoạt động giáo dục bắt buộc duy nhất được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Mỗi năm học, hoạt động này có 105 tiết/ lớp- số tiết bằng với môn học bắt buộc ở cấp Trung học phổ thông là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Và, ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thì thời lượng dành cho Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ đứng sau môn Tiếng Việt (Ngữ văn), Toán và Ngoại ngữ 1 mà thôi.

Như vậy, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng với môn Toán, Tiếng Việt (Ngữ văn) là những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện liên tục từ lớp 1 đến lớp 12 với số tiết/ năm học nhiều nhất.

Điều này cho thấy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất xem trọng, đề cao Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Thế nhưng, để chuẩn bị và triển khai Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì ngành giáo dục đã thực sự xem trọng hoạt động này chưa? Cách bố trí hoạt động này ở các nhà trường này ra sao?

Trở lại với những chia sẻ của Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa - Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo viên không khỏi băn khoăn khi bà cho biết quá trình tập huấn hoạt động này như sau:

Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn khác nhau nhằm giúp giáo viên tiếp cận đúng với chương trình. Tuy nhiên, để hiệu quả còn phụ thuộc vào ý thức của các thầy cô và sự quản lý của lãnh đạo.

Tôi đã từng có những buổi tập huấn trực tuyến với số lượng tham gia vài nghìn người cùng lúc, đó là giáo viên của các tỉnh, thành. Tuy nhiên, ý thức tiếp thu của mỗi giáo viên tôi không nắm rõ được. Vì vậy, để tránh “công dã tràng” cần nâng cao ý thức của các thầy cô, cùng với đó là sự giám sát của lãnh đạo nhà trường trong việc quản lý giáo viên tham gia tập huấn”. [1]

Chỉ có 5 câu văn trích dẫn nói về việc tập huấn cho giáo viên ở trên, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã có 3 lần nhắc đến từ “ý thức” của giáo viên, cùng với 1 vế trong thành ngữ “dã tràng xe cát”.

Đọc, ngẫm những chia sẻ của Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa, có lẽ nhiều giáo viên như chúng tôi sẽ cảm thấy buồn…

Bởi, khi đọc những chia sẻ này, giáo viên chúng tôi tự hiểu rằng việc “Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản đã tổ chức rất nhiều buổi tập huấn khác nhau” nhưng vì “ý thức” giáo viên chưa tốt nên việc tập huấn đã biến thành “công dã tràng” vì Tổng chủ biên nói “để tránh “công dã tràng” cần nâng cao ý thức của các thầy cô”.

Thế nhưng, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã quên mất một điều, đó là việc tập huấn của Bộ và các nhà xuất bản đã thực sự hiệu quả hay chưa và giáo viên đã được trang bị gì trước khi dạy, tổ chức cho hoạt động này.

Bởi lẽ, Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa cũng đã chia sẻ: “Tôi đã từng có những buổi tập huấn trực tuyến với số lượng tham gia vài nghìn người cùng lúc, đó là giáo viên của các tỉnh, thành”.

Việc tập huấn online một chiều, thậm chí ghi hình rồi phát qua phần mềm trực tuyến phải nói thẳng với Tổng chủ biên rằng công việc này rất khó mang lại hiệu quả. Hay, nói đúng hơn, đơn vị đứng ra tập huấn chưa đặt nặng vấn đề hiệu quả trong quá trình tập huấn cho giáo viên.

Năm học trước, dịch bệnh thì tập huấn online đã đành, đầu năm học 2022-2023 này, dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi hoạt động đã trở lại bình thường trong tình hình mới nhưng các nhà xuất bản vẫn triển khai tập huấn online.

Thời gian tập huấn, có môn học, hoạt động giáo dục tập huấn trong vòng 1 buổi; có môn học, hoạt động giáo dục tập huấn trong vòng…20 phút thì giáo viên lĩnh hội được cái gì đây? Thậm chí, khi được phân công dạy Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì nhiều giáo viên chưa hề được tập huấn, bồi dưỡng gì.

Những giáo viên được tham gia tập huấn thì ngồi trong hội trường (nhiều trường tập trung lại một điểm cầu) rồi xem, nghe qua màn hình ti vi nên tiếng được tiếng mất, màn hình thì chỉ có hàng ghế đầu tiên nhìn thấy.

Đó là chưa kể đường truyền có nơi chập chờn, lúc có, lúc mất. Trong khi, “những buổi tập huấn trực tuyến với số lượng tham gia vài nghìn người cùng lúc” nên có lẽ tính hiệu quả kinh tế của các nhà xuất bản cao nhưng hiệu quả của việc tập huấn sẽ rất thấp.

Vậy nên, Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa đã khẳng định rằng: “Hoạt động nghe tên gần gũi nhưng không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ. Thậm chí, một số giáo viên tổ chức hoạt động này cũng chưa hiểu rõ bản chất của nó, mang kinh nghiệm cũ của mình để hiểu cái mới thì không thể tường tận được”. [1]

Vậy, làm thế nào để tất cả giáo viên “hiểu rõ bản chất của nó” đâu phải là lỗi của giáo viên bởi thực tế nhiều thầy cô giáo có được trang bị gì đâu mà “hiểu rõ bản chất”. Vì thế, họ “mang kinh nghiệm cũ của mình” để giảng dạy cũng là điều dễ hiểu.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã thực sự được xem trọng?

Theo định hướng của chương trình tổng thể, chương trình môn học, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm 4 nội dung: Hoạt động phát triển cá nhân, Hoạt động lao động, Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng.

Ở cấp tiểu học, nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, có các hoạt động lao động, xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi cũng được tổ chức thực hiện.

Cấp trung học cơ sở, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động phát triển cá nhân, lao động vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Ở cấp trung học phổ thông, chương trình Hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm bao gồm: Thực địa - thực tế, tham quan, cắm trại, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hóa, dự án và nghiên cứu khoa học... Khi tổ chức, các trường chủ động lựa chọn hình thức tổ chức cụ thể phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương…

Mục tiêu chương trình thì đã được đặt ra khá cụ thể nhưng cách thức thực hiện hiện nay thì khác nhau. Có nơi phân công cho giáo viên phụ trách cả 3 tiết/ tuần cho hoạt động này; có nơi chia ra 1 tiết giáo viên chủ nhiệm dạy, 1 tiết sinh hoạt dưới cờ, 1 tiết sinh hoạt lớp cuối tuần nên hiệu quả cũng khác nhau.

Chính vì vậy, giáo viên dưới cơ sở nói Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không hiệu quả vì họ không được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để đảm nhận hoạt động giáo dục này.

Trong khi, Tổng chủ biên Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lại nói: “Hiệu quả còn phụ thuộc vào ý thức của các thầy cô và sự quản lý của lãnh đạo”.

Vì thế, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên chúng tôi mong muốn, trên vai trò là Tổng chủ biên Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp - Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa sẽ có những tham mưu, đề xuất với Bộ và các nhà xuất bản cần tập huấn cho giáo viên một cách thấu đáo, tường tận.

Những năm học tới đây, trong điều kiện bình thường, các nhà xuất bản nên tập huấn trực tiếp cho giáo viên, đừng online nữa. Một khi giáo viên còn mơ hồ, làm sao họ giảng dạy, tổ chức Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có hiệu quả.

Mỗi tuần, học sinh được bố trí 3 tiết học, mà lại là hoạt động giáo dục bắt buộc, xuyên suốt cả 3 cấp học thì phải làm sao để nó tương xứng với số tiết và mang lại hiệu quả thiết thực cho học trò và mục tiêu của chương trình đã đề ra.

Còn, vẫn tập huấn, triển khai giảng dạy như hiện nay vẫn rất manh mún, tự phát, khó mang lại những hiệu quả thiết thực.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/gv-than-mon-hdtn-tong-chu-bien-pgs-dinh-thi-kim-thoa-len-tieng-post232072.gd#232072|zone-timeline-5|20

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO