Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định chắc nịch trong lần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo sắp tới. Mới đây, trả lời trên VTV Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói, lần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục lần này xứng tầm là một cuộc cách mạng.
Đổi mới toàn diện không phải là làm lại từ đầu
Vừa qua Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và đào tạo, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo sẽ tạo điều kiện đưa nền giáo dục Việt Nam phát triển hơn nữa. Ảnh minh họa |
Trung ương cũng xác định, trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.
Tổng tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong quá trình chuẩn bị Đại hội XI bên cạnh phương án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo cũng có những ý kiến đề nghị coi đây là một cuộc cải cách giáo dục. Sau khi cân nhắc ở tất cả các khía cạnh của vấn đề thì Đại hội XI quyết định đổi mới căn bản và toàn diện.
"Cá nhân tôi nghĩ nếu chúng ta làm một cuộc cải cách căn bản và toàn diện theo nội dung đã triển khai của Đề án và được Trung ương thảo luận và thông qua thì không kém gì một cuộc cách mạng. Nói đơn giản công cuộc đổi mới mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 với những thành quả vĩ đại thì nó xứng tầm là một cuộc cách mạng" Bộ trưởng Luận xác định.
Trước thắc mắc của nhân dân, so với ba cuộc đổi mới lần trước thì liệu đổi mới lần này quan điểm có phải là cuộc đổi mới lại từ đầu trong giáo dục hay không? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, nếu so sánh với ba cuộc cải cách lần trước thì mỗi cuộc cải cách triển khai đều có những mục tiêu xác định và quá trình triển khai cũng đạt được những kết quả nhất định, nhưng cả ba lần đó đều làm theo một cách chung, đó là thay đổi căn bản về nội dung chương trình dạy và học, còn phương pháp dạy và học để đạt được những mục tiêu là căn bản và ổn định.
"Lần này chúng ta xác định có một sự thay đổi khác hẳn, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới. Đó là sự thay đổi khác" người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định.
PGS. TS. Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì nhận định, nói đây là một cuộc cải cách đó là một cách nói theo thuật ngữ, vì cũng có người phân định trong thay đổi giáo dục theo những thuật ngữ như, cải tiến, đổi mới và có người gọi là canh tân, cải cách và cách mạng. Sự thay đổi đó tiêu chí tập trung vào như cường độ, thời gian, nội dung...
"Sở dĩ cũng có những ý kiến băn khoăn về đổi mới căn bản và toàn diện mà không dùng từ cải cách như một số văn bản trước đây của Trung ương đã nêu. Tôi cho rằng đối chiếu nội dung của 3 lần cải cách trước đây thì kỳ này gọi đổi mới căn bản và toàn diện thực chất cũng là một cuộc cải cách" PGS. TS. Trần Kiều nêu quan điểm.
Sau lớp 9 sẽ phân hóa mạnh
Có thể nói triết lí giáo dục được thể hiện trong Đề án đổi mới lần này đã thay đổi dẫn đến phương thức đào tạo cũng thay đổi theo. Theo đó, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lí tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lãnh trách nhiệm cao nhất trong công cuộc đổi mới lần này. |
Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015. Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Như vậy, hệ thống và quan điểm trường phổ thông đã được tư duy lại, xác định đúng hướng đi chung của thế giới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, hệ thống là một quá trình rất quan trọng trong quá trình dạy và học ở nhà trường, nên để tiến hành đổi mới, nhất là đổi mới đúng định hướng, để thành công thì phải cân nhắc, tính toán lại hệ thống này. Trên cơ sở đó xác định cho chính xác chức năng nhiệm vụ, mục tiêu cần đạt được của bậc học trong hệ thống đó.
Về nội dung phân hóa mạnh sau bậc THCS (sau lớp 9), Bộ trưởng Luận cho biết, nhiệm vụ giáo dục bắt buộc ở bậc phổ thông cần phải đảm bảo cho tất cả các em đều có học vấn ở mức độ hết THCS (lớp 9), lúc đó cả về mặt nhận thức, kiến thức, nhất là kĩ năng và phẩm chất của một con người mới đã phải được chuẩn bị căn bản. Sau lớp này các học sinh có thể đi theo các hướng khác nhau, có thể có một số ít học sinh có khả năng học tập, bộc lộ những năng lực riêng (năng lực học và năng lực nghiên cứu) sẽ vào học các trường đại học.
Còn phần lớn sẽ theo sở trường, sở thích, theo năng lực riêng của mình sẽ đi theo học nghề nghiệp khác nhau, như vậy sẽ phân hóa và phân luồng sớm hơn. "Nhưng tôi cũng nhấn mạnh lại là không phải các em nào đủ điều kiện thì lên kia (học đại học – pv) mà không đủ điều kiện thì phải thế này, mà nếu chúng ta làm tốt thì rất nhiều các cháu sẽ tự nguyện đi làm một thời gian để thể hiện bản thân và giúp đỡ cha mẹ, giúp đỡ gia đình để giảm bớt khó khăn về kinh tế, rồi sau đó các cháu sẽ học tiếp. Vì trong đề án lần này chúng ta nói tới việc tổ chức liên thông để đảm bao cơ hội học tập suốt đời của các cháu chứ không phải học liên tục như trước đây" tư lệnh ngành giáo dục cho biết.
Nhận định về cách tiếp cận về giáo dục phổ thông trong Đề án của Bộ GD&ĐT, PGS. TS. Trần Kiều cho biết, hệ thống là vấn đề rất quan trọng, các cuộc cải các mà chúng ta tiến hành trước đây đều đề cập tới và thực sự giải quyết vấn đề hệ thống giáo dục, trước hết là hệ thống giáo dục phổ thông. VD: Cải cách lần một là hệ thống 9 năm, cải cách lần hai là 10 năm và lần ba là 12 năm.
"Thực chất cải cách lần một, lần hai là 10 và 11 năm chứ không phải là 9 và 10, hồi đó chúng ta đặt lớp vỡ lòng ra ngoài. Tôi cho rằng giữ hệ thống 12 năm có khía cạnh hợp lí của nó. Là hệ thống tồn lại rất lâu dài ở nước ta, nhìn ra thế giới có một tỉ lệ lớn các nước thuận hơn chúng ta, họ vẫn duy trì hệ thống 12 năm" PGS. Trần Kiều bày tỏ.
Để đóng góp xây dựng cho Đề án đổi mới toàn diện giáo dục, vừa qua nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành nêu quan điểm, hệ thống trường phổ thông của chúng ta không nên duy trì 12 năm như hiện nay, điều đó là lãng phí, thừa, vô bổ thời gian học của học sinh.
Ở góc nhìn khác, PGS. TS. Trần Kiều cho rằng, nhiều người quên mất một điều là chúng ta có thể có thừa nhưng cũng còn rất thiếu. "Tất nhiên trong bối cảnh hiện tại, tôi rất tán thành một ý trong Nghị quyết của Trung ương là: “Nên tiếp tục nghiên cứu để làm sao hệ thống của chúng ta đơn giản không phải là mấy năm mà phải phát huy hết hiệu lực giáo dục của nó…" PGS. Trần Kiều nói.
Kiến đề nghị giảm số năm học cũng có lí do thuyết phục, chủ yếu là giảm thời gian học do tâm sinh lí của các cháu sớm hơn so với thời của chúng ta đi học. Thời buổi này phương tiện truyền thông, thông tin của xã hội cũng đến với các cháu nhiều hơn, có thể học bên ngoài nhà trường nhiều hơn, và cũng cần giảm những kiến thức thừa đi, đó là những lí do cũng đúng.
Nhưng lí do chúng tôi đề nghị trước mắt giữ ổn định 12 năm vì xét tương quan giữa chương trình phổ thông của chúng ta và phổ thông của các nước thì tương đương nhau, nhưng thời gian học sinh Việt Nam chỉ học có 1 buổi/ngày, số lượng trường học 2 buổi/ngày có nhưng rất ít, chủ yếu là ở thành phố. Như vậy, nếu cùng học 11 năm thì mình chỉ học có một nửa so với thời gian học so với các nước khác, đấy là chưa nói tới các cháu ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nên trên thực tế các cháu chỉ học có 2/3 buổi, nên nếu rút thời gian xuống thì các cháu sẽ bị quá tải".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Xuân Trung