Du học từ năm 13 tuổi, nữ sinh Việt giành học bổng toàn phần vào ĐH tốp 1 Canada

13/09/2024 08:50
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Huỳnh Ngọc Anh Thư đã cảm thấy rất tự hào khi được đại diện Việt Nam để đứng cùng những tài năng trẻ ở khắp năm châu với học bổng toàn phần của mình.

Nhờ cơ hội được tiếp xúc với môi trường học tập và giao tiếp bằng tiếng Anh từ nhỏ, Huỳnh Ngọc Anh Thư (sinh năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh) đã sớm bắt đầu hành trình du học từ năm 13 tuổi. Sau khi tốt nghiệp một trung học phổ thông tại tỉnh bang Ontario, Canada, vừa qua, em đã nhận được Học bổng Lester B. Pearson International Scholarship.

Tháng 9 sắp tới đây, em sẽ chính thức nhập học ở Đại học Toronto, theo học ngành Commerce (Thương mại) với học bổng này. Được biết, Đại học Toronto là đại học tốp 1 tại Canada [1] và vốn là ngôi trường mà Anh Thư đã mơ ước theo học từ những ngày đầu đặt chân đến quốc gia này.

Thể hiện được nét riêng của bản thân là yếu tố quan trọng để đạt học bổng toàn phần

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Anh Thư cho biết, Lester B. Pearson International Scholarship là chương trình học bổng nhằm vinh danh 37 học sinh quốc tế có thành tích học tập xuất sắc, có tính sáng tạo và khả năng lãnh đạo nổi bật, cũng như có những cống hiến tích cực đến cộng đồng và thể hiện được tiềm năng đóng góp cho xã hội toàn cầu trong tương lai.

Không những vậy, Học bổng Lester B. Pearson được gọi là “học bổng có tính cạnh tranh cao nhất dành cho học sinh quốc tế” của Đại học Toronto. Bởi, học sinh không thể tự nộp đơn cho học bổng này theo nhu cầu cá nhân mà trước hết là phải thông qua đề cử của trường trung học phổ thông mà mình theo học. Mỗi trường trung học phổ thông chỉ được đề cử một học sinh duy nhất để cạnh tranh với hàng nghìn ứng cử viên xuất sắc khác trên toàn thế giới và chọn ra 37 cái tên cuối cùng.

451807643_1256430912466877_2082971017507872862_n.jpg
Huỳnh Ngọc Anh Thư đã rất nỗ lực để giành được học bổng vào Đại học tốp 1 Canada (Ảnh: NVCC).

“Học bổng toàn phần này sẽ bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt trong 4 năm đại học của em. Đây thật sự là một món quà rất lớn cho những nỗ lực của em cũng như sự đồng hành của đến gia đình, thầy cô và bạn bè trong suốt những năm qua”, Thư bày tỏ.

Nói về lý do đăng ký học bổng toàn phần này, Thư cho biết, bản thân nhận thấy đây cơ hội học tập và phát triển không chỉ về mặt học thuật mà còn về nhân sinh quan và lối sống.

Bên cạnh đó, đối với việc lựa chọn ngành học Thương mại, nữ sinh thông tin, do em có hứng thú với lĩnh vực kinh doanh từ rất sớm cũng như sau khi tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá có liên quan. Hơn nữa, ngành học này ở Đại học Toronto cũng là một ngành học rất phổ biến, thu hút đông đảo thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, tương đương với chất lượng giáo dục hàng đầu này là học phí cũng như chí phí sinh hoạt đắt đỏ tại trung tâm thành phố Toronto.

Chính vì vậy, khi bắt đầu tìm hiểu thêm về trường, em cũng đọc thêm về các chương trình học bổng mà trường có để có thể chuẩn bị tốt nhất, giảm bớt phần nào đó gánh nặng tài chính cho gia đình. Ngoài các loại entrance scholarship (học bổng đầu vào, cấp tự động cho các học sinh đạt yêu cầu) ở trị giá thấp hơn, Đại học Toronto chỉ có một chương trình học bổng toàn phần duy nhất dành cho học sinh quốc tế - đó chính là học bổng Lester B. Pearson. Do đó, em đã quyết tâm nỗ lực để đạt được học bổng này.

Thư kể lại, quá trình nộp hồ sơ của em cũng mất khá nhiều thời gian. Bởi, em phải viết thư trình bày cho Ban giám hiệu trường trung học lí do vì sao nhà trường nên đề cử em cho Đại học Toronto. Sau khi được đề cử, em còn phải dành thời gian để viết các bài luận theo yêu cầu của Đại học Toronto để nộp cho hội đồng xét tuyển.

“Những bạn ứng cử viên khác đều là những học sinh xuất sắc nhất của từng trường mà số lượng học bổng lại chỉ có 37 suất nên Thư cũng lại không dám kì vọng quá nhiều. Vậy nên, khi biết tin trúng tuyển học bổng, em nghĩ bản thân thật sự rất may mắn, đặc biệt là được đại diện Việt Nam để đứng cùng với những tài năng trẻ ở khắp năm châu”, Thư kể lại.

Nói về những yếu tố giúp em đạt được học bổng toàn phần này, nữ sinh cho biết một trong những yếu tố quan trọng chính là sự nhất quán trong bài luận cũng như hoạt động ngoại khoá của em. Điều này đã thể hiện được những đam mê cũng như mục tiêu của cô gái trẻ.

Không những vậy, do đăng ký theo học ngành Commerce nên trong các bài luận em đều nhấn mạnh đam mê của mình ở lĩnh vực này cũng như trình bày cụ thể về việc mình sẽ tận dụng cơ hội giáo dục tại trường để phục vụ cho mục tiêu phát triển sự nghiệp ở lĩnh vực này ra sao. Đam mê này cũng được thể hiện thông qua các hoạt động ngoại khoá của em.

Anh Thư cho rằng, chính sự chặt chẽ giữa các phần trên cũng là một yếu tố rất quan trọng khiến hồ sơ của em mạnh hơn khi nằm giữa hàng ngàn hồ sơ nổi trội khác.

Ngoài ra, một điểm nho nhỏ mà nữ sinh cho rằng đã góp phần khiến hồ sơ xin học bổng của em trở nên nổi bật hơn là từ việc em lồng ghép những kĩ năng tiêu biểu của bản thân như ngôn ngữ, hội hoạ, viết lách,… Từ đó, nhà trường thấy được em có tiềm năng phát triển và mở rộng xa hơn trong lĩnh vực kinh doanh mà không gặp quá nhiều trở ngại.

Anh Thư cũng lưu ý, các bạn ứng viên phải bắt đầu thật sớm để có nhiều thời gian hơn cho từng phần của hồ sơ xin học bổng.

Trên thực tế, việc viết luận không mất quá nhiều thời gian, nhưng để lên ý tưởng và dàn ý triển khai cho bài luận lại không hề đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta không cần thiết phải cố gắng ép bản thân cần nghĩ ra ý tưởng ngay lập tức hay học theo những bài luận đã thành công ở trên mạng. Bởi như vậy bài viết sẽ dễ bị rập khuôn, bị “gồng”, không thể hiện được cá tính riêng. Thay vào đó, mỗi lần bị bí ý tưởng, chúng ta có thể đi chơi, trò chuyện cùng gia đình và bạn bè, nhìn lại những kỷ niệm cũ để qua đó tìm thấy nguồn cảm hứng hoặc nhận ra những điều đặc biệt về mình từ góc nhìn thứ ba mà trước đây không để ý đến.

Đặc biệt, nữ sinh cho rằng, điều quan trọng nhất để đạt được học bổng chính là mỗi ứng viên phải là chính mình. Việc ứng viên kể về những điều tạo nên bản thân mình ngày hôm nay, kể về những đam mê/khát khao và hành trình chinh phục những ước mơ đó sẽ thể hiện được nét riêng của mỗi người. Sau đó, mỗi ứng viên phải truyền đạt được sự đặc biệt đó của bản thân đến Hội đồng Tuyển sinh để họ hiểu được bạn là ai và bạn mang lại giá trị gì.

Thành thạo 6 ngôn ngữ trước khi xin học bổng toàn phần

Để đạt được thành tích như hiện tại, Anh Thư cho biết, em luôn quan niệm học tập không phải là việc mà mình chỉ cần phấn đấu ngày một ngày hai là có thể thấy được kết quả tốt, cũng không phải chỉ có lúc lên lớp hay làm bài tập mới được gọi là học tập. Học là phải học cả đời, học mọi lúc mọi nơi.

Để đạt được thành tích tốt, Anh Thư cho biết, em vẫn luôn đặt ra kỉ luật, những mục tiêu cụ thể và lộ trình phù hợp cho bản thân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là em ràng buộc bản thân đến giờ nào phải ngồi vào bàn học hay trong bao lâu phải hoàn thành được bài được giao. Vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người học, hơn nữa về lâu dài cũng như gây nên sự chán nản trong việc học.

Thay vào đó, em luôn cố gắng tìm kiếm những điều thú vị trong từng môn học để bản thân cảm thấy thích thú hơn và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Thư cho rằng, thước đo chính xác nhất cho những kiến thức đã học không phải là điểm số mà là người học có thể áp dụng những kiến thức đó vào thực tế hay không.

452253757_1903676286727150_2360435274750857289_n.jpg
Anh Thư (đứng thứ 4 từ phải sang) trong bức ảnh chụp cùng các bạn học tại Canada (Ảnh: NVCC).

Bên cạnh việc trau dồi kiến thức trên lớp, Anh Thư còn tích cực tham gia các hoạt động sau giờ học nữa. Đơn cử, vào thời gian rảnh, nữ sinh tham gia hoạt động đi dạy tiếng Anh cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động mang lại rất nhiều niềm vui cho cô gái trẻ, một phần vì em thích trò chuyện với các bạn nhỏ, một phần vì em có thể dùng khả năng nhỏ bé của mình để giúp đỡ cộng đồng.

Không chỉ có thành tích học tập cao ở trên lớp, Anh Thư còn thành thạo đến 6 ngôn ngữ. Nữ sinh cho biết, việc học ngoại ngữ đến với em khá tự nhiên. Có thể nói, việc em “bỏ túi” được 6 ngôn ngữ là một cái duyên, nhờ đó mà em nhận ra mình có đam mê và năng khiếu ở lĩnh vực này.

Ngoài tiếng Anh và tiếng Việt là hai ngôn ngữ em học song song từ nhỏ đến lớn và sử dụng như tiếng mẹ đẻ, ngoại ngữ đầu tiên của Anh Thư là tiếng Hàn.

Nữ sinh kể lại, vào những năm đầu cấp 2, văn hoá Hàn Quốc bắt đầu trở nên rất phổ biến ở các nước lân cận và Việt Nam là một trong những nơi hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Lúc đó, em khá tò mò về cách Hàn Quốc đưa văn hoá của nước họ ra thế giới, nhất là có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn như vậy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Vậy nên em quyết định học tiếng Hàn để có thể tìm hiểu nhiều hơn qua các bài viết và phỏng vấn bằng tiếng Hàn. Về sau, em có cơ hội được nâng cao trình độ tiếng Hàn khi bắt đầu kinh doanh online các mặt hàng văn hoá phẩm của Hàn Quốc. Em có cơ hội được trao đổi nhiều hơn với người bản xứ (các nhân viên kho hàng và seller, cửa hàng ở Hàn Quốc) và học thêm được rất nhiều về thương mại bằng tiếng Hàn.

Song song với tiếng Hàn, em cũng theo đuổi cả tiếng Pháp để phục vụ cho nhu cầu học tập tại Canada. Tại đây, cả tiếng Anh và tiếng Pháp đều được công nhận là ngôn ngữ chính thức. Những học sinh bậc tiểu học (lớp 1 đến lớp 8) ở tỉnh bang Ontario đều bắt buộc phải học cả hai ngôn ngữ này. Do đó, mùa hè năm lớp 7 trước khi lên đường đi du học, em đã dành phần lớn thời gian để cày tiếng Pháp, với mục đích chính là để theo kịp các bạn người Canada vì các bạn đã được học 3-4 năm rồi. May mắn là em tiếp thu ngoại ngữ khá nhanh nên không gặp trở ngại gì khi sang Canada du học.

Ngoài ra, Anh Thư còn học tiếng Tây Ban Nha khi về Việt Nam học lớp 9-10 vào mùa dịch COVID-19. Cuối cùng, ngoại ngữ đến với em muộn nhất là tiếng Trung vì nữ sinh không có nhu cầu sử dụng trong học tập. Thế nhưng, đây lại là một trong những ngoại ngữ mà em sử dụng thành thạo nhất. Vừa qua, em đã thi đạt chứng chỉ tiếng Trung HSK 6, điều này cũng ngoài sức tưởng tượng của cô gái trẻ.

Nữ sinh bày tỏ, việc sử dụng năng khiếu ngoại ngữ này để thực hiện những mục tiêu lớn hơn vì ước mơ và lợi ích cộng đồng cũng chính là một trong những lý do thuyết phục Hội đồng Tuyển sinh lựa chọn em cho học bổng Lester B. Pearson.

Tuy nhiên, trong quá trình ôn luyện để giành được học bổng toàn phần, Anh Thư cũng phải trải qua một số khó khăn.

Trên thực tế, Hội đồng Tuyển sinh nhà trường không chỉ nhìn vào điểm số mà còn xem xét tổng thể hồ sơ của học sinh thông qua các hoạt động ngoại khoá và bài luận. Một trong những khó khăn lớn nhất của Anh Thư có lẽ là việc phải cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khoá. Bởi, những năm cuối cấp 3 thường sẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất khi kiến thức quan trọng rất nhiều và lịch trình thi cử cũng dày đặc.

Do đó, em phải học cách phân bổ thời gian hợp lý để vừa hoàn thành tốt nghĩa vụ học tập của mình, vừa có đủ thời gian để làm các hoạt động bên ngoài. Điều này khiến bản thân em cũng khó tránh khỏi tình trạng áp lực và quá tải bởi những lúc như vậy em không có cơ hội được chia sẻ với gia đình nhiều vì đi du học và sống xa bố mẹ tận nửa vòng trái đất. Những vấn đề xảy ra xoay quanh cuộc sống của em, mặc nhiên là em phải tự xử lý dù em còn rất nhỏ tuổi. Buồn có, thất vọng cũng có nhưng rồi cô gái trẻ cũng phải tập làm quen dần với những cảm xúc đó và học cách giải quyết thay vì để chúng ảnh hưởng đến tiến trình phát triển lâu dài của mình.

Mặc dù đi du học ở tuổi 13, thế nhưng, Anh Thư không gặp quá nhiều trở ngại về việc thích nghi với môi trường mới. Bởi, bản thân em là người luôn tò mò và mong muốn được trau dồi, học hỏi thêm kiến thức. Hơn nữa, các bạn học ở Canada đều rất thân thiện và vui vẻ khi giải đáp những thắc mắc của em.

“Để tóm tắt lại hành trình du học bậc trung học của mình, em muốn đưa ra một lời khuyên cho các bạn học sinh đang có ước mơ du học là hãy mang theo mình sự tự tin, bản sắc cá nhân, và một tư duy cởi mở để luôn sẵn sàng đón nhận kiến thức mới. Du học tuổi nào không quan trọng, cũng không nhất thiết phải thật trưởng thành mới đủ sẵn sàng đi du học, vì “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tuổi nhỏ thì mình đi nhiều, lắp đầy kho tàng kiến thức. Tuổi lớn thì mình đi cẩn thận, dung nạp nhiều trải nghiệm mới lạ hơn để mở rộng kho tàng ấy. Du học sẽ là cơ hội thay đổi tích cực lớn nếu chúng ta biết cách tận dụng nó để làm “giàu” cho bản thân”, Thư chia sẻ.

Nói về dự định trong tương lai, nữ sinh cho biết, từ nhỏ, em vẫn luôn mơ ước được trở thành một nhà kinh doanh mang tầm quốc tế. Ước mơ đó vẫn không thay đổi và em vẫn đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Vậy nên, trong tương lai gần, ưu tiên hàng đầu của em vẫn là hoàn thành tốt việc học tập ở Đại học Toronto để có nền tảng vững chắc về thương mại.

Song song với việc học lý thuyết, em cũng có kế hoạch tìm hiểu sâu hơn về các mảng kinh doanh để xem mình phù hợp với sản phẩm/dịch vụ nào và nên triển khai sự nghiệp ra sao. Nhìn chung, em vẫn muốn tự mình khởi nghiệp và từ từ mở rộng ra quốc tế, trong đó thị trường chính của em chắc chắn không thể thiếu quê nhà Việt Nam.

Anh Thư luôn hi vọng có thể thông qua việc kinh doanh để đóng góp, hỗ trợ cho cộng đồng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, nếu có cơ hội và đề tài phù hợp, em cũng muốn tiếp tục viết sách để chia sẻ thêm về những câu chuyện của bản thân, truyền cảm hứng trong cuộc sống cho các bạn học sinh Việt Nam có nhu cầu du học.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.usnews.com/education/best-global-universities/university-of-toronto-499968

Tường San