Dù thực nghiệm chương trình GDPT mới nhưng khi triển khai vẫn có trường gặp khó

24/03/2023 06:49
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy Ngữ văn cấp THPT có những nhận xét về nội dung chương trình sách giáo khoa bộ môn này lớp 10, và góp ý cho sách lớp 11 của chương trình mới.

Ở cấp trung học phổ thông, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đối với lớp 10 đã trải qua gần một năm học. Năm học tới, sẽ triển khai đến khối lớp 11. Qua quá trình giảng dạy thực tế ở môn Ngữ văn, một số giáo viên bộ môn này đã có những trải nghiệm, đánh giá về nội dung sách giáo khoa của chương trình mới.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tiến Lịch (Tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Tiên Du, Bắc Ninh) cho hay, với môn Ngữ văn lớp 10, giáo viên giảng dạy đánh giá: chương trình sách giáo khoa mới theo hướng hiện đại, chuyển từ đánh giá nội dung (thiên về mức độ tái hiện, nhận biết kiến thức) sang đánh năng lực cho học sinh.

Hiện tại, địa phương giảng dạy hai bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Hai bộ sách này có sự đổi mới như: đưa những tác phẩm đương đại vào bài học, tạo sự phù hợp với tâm lý học sinh, với xu hướng hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, thầy Lịch cũng như các giáo viên khác trong trường có băn khoăn về một vài điểm trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10.

Thứ nhất, lứa học sinh lớp 10 năm nay, được chuyển từ khối 9 học chương trình giáo dục phổ thông 2006, nên khi làm quen với chương trình mới, các em còn nhiều bỡ ngỡ, chưa biết cách tự học, chưa thực sự chủ động.

Thứ hai, tác phẩm văn học gắn với đặc thù thời đại mà tác phẩm ra đời, đời sống cá nhân của tác giả. Tuy nhiên, chương trình mới khi thiết kế bỏ qua những tác phẩm kinh điển, tách tác phẩm ra khỏi hoàn cảnh, cuộc đời tác giả. Người học phải tự tìm hiểu về nội dung này.

“Việc tách tác phẩm ra khỏi hoàn cảnh, cuộc đời tác giả rất khó để học sinh hiểu và phân tích tốt về nội dung, tư tưởng tác giả”, thầy Lịch chia sẻ.

Giáo viên cho biết, trong đề kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn lớp 10 của tỉnh Bắc Ninh vừa qua có nội dung về một tác phẩm mới nhưng lại không bổ sung phần chú giải thông tin về hoàn cảnh ra đời, vài nét về tác giả. Điều này khiến các em học sinh không thể làm bài tốt được.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Bên cạnh đó, chương trình mới ở môn Ngữ văn có những nội dung kiến thức "nặng" với học trò, đây là những phần kiến thức giống như dành cho sinh viên đại học. Chẳng hạn: ảnh hưởng của tác phẩm sử thi trong đời sống văn hoá của Việt Nam (sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 10).

Còn đối với chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 11, qua thời gian nghiên cứu chương trình, bản mẫu sách để góp ý, thầy Lịch đánh giá nội dung còn có những từ ngữ hàn lâm, chưa phù hợp với học sinh đại trà.

Thầy Lịch cũng cho hay, hạn chế trong việc giảng dạy chương trình mới còn về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được hết. Ví dụ như học về chuyên đề, sân khấu hoá văn học đòi hỏi cơ sở vật chất đầy đủ để thực hiện.

Từ những chia sẻ trên, thầy Lịch cho rằng, đề kiểm tra, đánh giá, sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, tác phẩm mới phải bổ sung thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Còn đối với sách giáo khoa, ngoài phần lý thuyết cần có ví dụ minh hoạ cụ thể. Đồng thời cần lấy những tác phẩm gần gũi với cuộc sống hơn nữa.

Cô Nguyễn Thị Tâm (giáo viên dạy Ngữ văn lớp 10 tại tỉnh Bắc Giang) cho hay, chương trình mới giúp học sinh phát huy được tính tự chủ, sáng tạo và sự năng động. Theo đó, học sinh sẽ phải chuẩn bị bài học trước khi đến trường, còn giáo viên là người giới thiệu, gợi ý, giải đáp thắc mắc cho các em.

Về hạn chế, có những học sinh học lực kém, chậm tiếp thu sẽ thiếu sự chủ động trong việc chuẩn bị bài học. Để khắc phục hạn chế này, giáo viên sẽ đưa phiếu học tập để học sinh thảo luận theo nhóm trước hai, ba ngày. Trên lớp, các em có thể trình bày bài học với sự trợ giúp của các phương tiện công nghệ.

“Trong chương trình mới, giáo viên đều phải ứng dụng công nghệ thông tin vào trong việc giảng dạy, từ nội dung đọc, viết đến thực hành tiếng Việt. Mỗi lớp đều được trang bị máy chiếu hoặc tivi, học sinh sẽ kết nối điện thoại với công cụ này, trình bày file PDF, Powerpoint để thuyết trình.

Trước đây, học sinh chỉ học thụ động theo phương pháp bình giảng, vấn đáp, còn hiện nay học sinh là người làm chủ trong buổi học. Với chương trình mới, các em có sự hứng thú hơn, việc học văn mẫu như xưa cũng bị triệt tiêu", cô Tâm chia sẻ.

Một nữ giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 10 tại tỉnh Hoà Bình cho hay, với chương trình mới, chưa thể đòi hỏi tất cả học sinh đáp ứng ngay, có em còn thụ động bởi ở những năm trước, các em quen với cách học cũ, của chương trình giáo dục phổ thông 2006.

“Vẫn có trường hợp, học sinh không chủ động, thiếu sự tích cực, giáo viên nói như nào, các em viết vào vở thế vậy. Với những trường hợp đó, nếu cho các em khai thác văn bản mới (ngoài sách) sẽ phát sinh nhiều vấn đề”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cô Phạm Thị Phượng (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở sở - Trung học phổ thông Na Hang, Tuyên Quang, giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên) cho hay, nhà trường đang giảng dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Cô Phượng cho biết, nhà trường cũng từng là đơn vị thực nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước khi chương trình triển khai trên toàn quốc. Đối với chương trình mới, thay đổi lớn nhất là cách tổ chức giảng dạy và cách học sinh tiếp cận kiến thức.

Số hoá, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong dạy học cũng nhiều. Tại bộ sách mới cũng có kho học liệu với bản mềm, thí nghiệm kèm theo, như bộ môn tiếng Anh nội dung rất đa dạng các bản trình chiếu powerpoint, các trò chơi…

“Dù có lợi thế khi từng là đơn vị thực nghiệm chương trình, nhưng đi vào thực hiện một cách chính thức, đơn vị cũng còn gặp nhiều khó khăn về cách tiếp cận kiến thức, giáo viên phải tìm tòi, nghiên cứu thay đổi phương pháp giảng dạy.

Trường cũng mới triển khai thực hiện là đơn vị liên cấp nên vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, phải linh hoạt để đảm bảo việc học tập cho các em”, cô Phượng nói.

Mạnh Đoàn