Đừng coi học sinh là bình đổ kiến thức

17/04/2018 06:49
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đó là bí quyết giúp cô giáo Đặng Thị Thu Phượng thu hút được sự tham gia chủ động, tích cực của các em học sinh trong mỗi tiết dạy Ngữ Văn.

Thầy Vi Văn Chấn, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Hùng Vương, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã dành rất nhiều lời khen ngợi cho một giáo viên dạy giỏi của trường. Đó là cô giáo Đặng Thị Thu Phượng.

Bản thân cô là giáo viên giỏi môn Ngữ Văn. Đội tuyển Ngữ Văn do cô Đặng Thị Thu Phượng dẫn dắt thi học sinh giỏi tỉnh năm nay thì cả 6 em đều dành giải. Trong đó, 2 em đạt Giải Nhất, 3 em đạt Giải Nhì, một em đạt Giải Khuyến khích.

Thầy Chấn còn bật mí với chúng tôi, bản thân cô Phượng khi còn học Trung học Phổ thông là người hiếm hoi được kết nạp vào Đảng từ năm lớp 12. Chính những lời giới thiệu đầy cuốn hút của thầy hiệu trưởng về cô giáo đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp cô.

Cô giáo Đặng Thị Thu Phượng, Trường Trung học Phổ thông Hùng Vương, Thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Cô giáo Đặng Thị Thu Phượng, Trường Trung học Phổ thông Hùng Vương, Thị xã Phú Thọ, Tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Trẻ trung, năng động, lối nói chuyện cuốn hút làm cuộc trò chuyện về dạy môn Ngữ Văn trong nhà trường không khô khan, mô phạm như tôi tưởng.

Cô Phượng mở đầu bằng quan niệm, kim chỉ nam cho việc dạy học của mình là  “học sinh không phải là cái bình để đổ đầy kiến thức”. Với cô, học sinh phải là ngọn lửa để mỗi giáo viên nhen lên, thắp sáng đam mê, hứng khởi chủ động học tập tìm hiểu của chính cac em.

Dẫn chứng cho quan điểm nhất quán trong dạy, tổ chức môn Ngữ văn, cô Phượng chia sẻ, khi giảng về tác phẩm văn học Vợ nhặt ở lớp 12 Ban A, có 2 luồng ý kiến về người vợ của của anh cu Tràng.

Một luồng ý kiến cho rằng, người vợ theo anh cu Tràng là vì muốn tránh cái đói, vì vật chất không phải vì tình cảm.

Đừng coi học sinh là bình đổ kiến thức ảnh 2Nghề giáo bây giờ là một nghề...đặc biệt nguy hiểm

Một nhóm khác cho rằng, cô vợ nhặt cảm thấy ở Tràng có sự ấm áp, lòng nhân hậu nên muốn gửi gắm cuộc đời của cô cho Tràng.

“Thực sự hai luồng ý kiến này tranh luận rất gay gắt.

Các em nêu quan điểm, tôi không đánh giá, quy chụp ngay là ý kiến nào đúng hoặc sai.

Tôi để các em tranh luận, lấy chứng cứ trong tác phẩm để bảo vệ quan điểm của chính các em.

Buổi học diễn ra sôi nổi, các em bắt buộc phải đọc kỹ từng chi tiết, hiểu sâu về tác phẩm để đưa ra minh chứng bảo vệ cho ý kiến của mình.

Cuối cùng, giáo viên sẽ đánh giá, khái quát lại. Tôi không phê phán các ý kiến chưa đúng của các em mà động viên các em lần sau nhìn vấn đề đa chiều hơn, toàn diện hơn”, cô Phượng kể lại.

Cô giáo Đặng Thị Thu Phượng (ở giữa) và em Trần Thu Hậu (ngoài cùng bên trái), em Lê Thu Hạnh (ngoài cùng bên phải, hai học sinh vừa đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn của tỉnh. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Cô giáo Đặng Thị Thu Phượng (ở giữa) và em Trần Thu Hậu (ngoài cùng bên trái), em Lê Thu Hạnh (ngoài cùng bên phải, hai học sinh vừa đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn của tỉnh. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Một tiết học văn theo cách tổ chức của cô Phượng trở thành sự tranh luận chứ không phải cô đọc, trò chép. Để chính các em nêu chính kiến, sẽ kích thích sự tò mò, tính chủ động tiếp cận của các em với các tác phẩm văn học.

Chia sẻ với phóng viên, cô Đặng Thị Thu Phượng tâm sự: “Đối với phần nghị luận xã hội, đó là các đề tài mở, có tính thời sự. Các em bảo vệ chính kiến của mình rất gay gắt và dẫn chứng thực tế rất sinh động”.

Ở đề tài bàn về bệnh vô cảm, nhiều học sinh nhất mực quan điểm cho rằng, giúp đỡ một người gặp tai nạn giao thông có thể “rước họa” vào thân.

“Các em dẫn chứng ngay chính câu chuyện đời thực là người nhà nạn nhân có thể hiểu lầm, đánh người cứu giúp.

Bản thân tôi lúc đó đặt câu hỏi là nếu người tai nạn đó có thể  là người thân của chúng ta và người xung quanh cũng vô cảm, không giúp đỡ thì sao?

Đừng coi học sinh là bình đổ kiến thức ảnh 4Thi vào lớp 10 tận 6 môn thì khác nào ném trẻ con vào chảo lửa

Bên cạnh việc đặt câu hỏi, tôi cũng có hướng các em tới việc giải thích, gỡ bỏ các hiểu lầm.

Điều này giúp các em nhận ra bảo vệ cái đúng, thấy quan điểm còn phiến diến của học sinh”, cô Phượng dẫn chứng.

“Những tiết dạy như thế tôi không bao giờ lo có học sinh ngủ gật trong lớp. Bởi ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình là đúng”, cô Phượng vui vẻ nói.

Chia sẻ về cô giáo của mình, em Trần Thu Hậu, lớp 12k, người dành Giải Nhất môn Ngữ Văn Tỉnh năm nay tâm sự: “Cô không chỉ là cô giáo mà là một người bạn của chúng em.

Cô hiểu được thế mạnh, hạn chế của từng bạn trong đội tuyển. Từ đó, cô hướng dẫn để hoàn thiện phần còn hạn chế của mỗi thành viên.

Sự hướng dẫn, chỉ dạy của cô mang tính gợi mở để chúng em chủ động tìm hiểu chứ không phải lối truyền dạy một chiều theo kiểu ghi và chép.

Chính điều đó khiến em hứng thú với môn Ngữ Văn, nỗ lực để giành được kết quả tốt nhất tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua”.

Đỗ Thơm