Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết đề cập về các buổi lễ "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự của nhiều trường đại học ở nước ngoài được thực hiện thông qua sự kiện của của tổ chức có tên Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ.
Các bài viết sau khi đăng tải đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ độc giả, trong đó có nhiều doanh nghiệp trong nước đã gửi thêm các thông tin liên quan về tòa soạn.
Ngay sau khi các bài viết trên được đăng tải, nhiều độc giả là lãnh đạo doanh nghiệp gửi thông tin về Tạp chí cho biết, một số lãnh đạo doanh nghiệp sau khi nhận GS, TS danh dự của các trường nước ngoài đã ghi cụm từ "GS, TS" vào tên của họ. Điều này gây nhiều băn khoăn.
Nhiều văn bản gửi đi được "Bầu" Đệ sử dụng danh xưng "GS, TS" nhưng không ghi rõ là "GS, TS danh dự"
Theo thông tin phóng viên được cung cấp, ông Nguyễn Văn Đệ, thường gọi là "Bầu" Đệ (hiện là Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hợp lực; Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam) sử dụng danh xưng "GS,TS" (viết tắt của giáo sư, tiến sĩ - PV) cùng với chữ ký và con dấu trong các văn bản của doanh nghiệp, hiệp hội mà vị này đang làm lãnh đạo để gửi đến cơ quan nhà nước và một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đáng nói, danh xưng giáo sư, tiến sĩ được ông Đệ sử dụng nhưng không ghi rõ là "GS, TS danh dự" khi sử dụng cùng với con dấu, chữ ký trong các văn bản gửi đi đang gây ra nhiều xôn xao.
Một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ: "Việc ông Đệ không ghi rõ là "danh dự" khi dùng danh xưng "GS, TS" khiến cho không ít người nhầm lần và nghĩ rằng ông Đệ đang sở hữu học hàm, học vị rất cao. Mà trên thực tế, để đạt được các học hàm, học vị đó phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức học tập, nghiên cứu mới có được.
Tình trạng ồ ạt nhận "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự từ một số trường đại học nước ngoài và sử dụng dụng nó như học hàm, học vị qua đào tạo, nghiên cứu mới có được dễ gây ra sự xáo trộn, hỗn loạn về bằng cấp. Từ đó làm mất đi sự trang trọng, cao quý của học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ trong nước. Và quan trọng, các trường đại học này "lạ hoắc", giới học thuật, chuyên gia giáo dục chưa nghe đến tên bao giờ".
Theo thông tin phóng viên ghi nhận được, ông Đệ đã sử dụng cụm từ "GS, TS" khá nhiều lần cùng với chữ ký và con dấu trong văn bản, cụ thể gồm:
Văn bản số 27/CV-BVTN gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc "Tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)". Trong văn bản này, ông Đệ ghi "GS, TS Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam" cùng con dấu của Ban Chấp hành Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.
Văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào tháng 2/2024 về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong văn bản này, ông Đệ ghi "GS,TS Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam" cùng con dấu của Ban Chấp hành Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.
Ngoài ra, phóng viên cũng ghi nhận ông Đệ cũng đã sử dụng "GS,TS Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam" cùng con dấu của Ban Chấp hành Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam để tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển y tế tư nhân Việt Nam cho một phó giám đốc của bệnh viện đa khoa tại Hà Nội; Bằng khen cho Trung tâm tại nhà của một bệnh viện đa khoa tại Hà Nội; Giấy mời tham dự hội nghị hội viên Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.
Bên cạnh đó, vị này cũng đã ghi "GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam" cùng con dấu của Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực trong giấy mời Lễ khởi công dự án cụm công nghiệp phía Đông Bắc thành phố Thanh Hóa.
Trên website của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, người chịu trách nhiệm xuất bản trang thông tin điện tử là: "GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam".
Ngoài ra, phóng viên tìm hiểu từ một số bài viết được đăng tải trên website của Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, khi trả lời phỏng vấn hoặc được giới thiệu lãnh đạo công ty thì tên của ông Đệ cũng luôn gắn với cụm từ "GS, TS".
Cụm từ "GS, TS, Viện sĩ" có gắn liền với tên ông Nguyễn Văn Đệ theo ghi nhận của phóng viên đều không ghi rõ là "GS, TS, viện sĩ danh dự".
Đáng chú ý, tìm hiểu về trình độ học vấn của ông Đệ, khi tra cứu thông tin tại cổng thông tin điện tử của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa các khóa XVI, XVII, ông Đệ kê khai trình độ học vấn là: Trung cấp quản lý kinh tế.
Ông Đệ: "Cái bằng danh dự này nó không phải là thi cử nhưng mà được thế giới họ công nhận"
Để có thêm thông tin khách quan về nội dung trên, ngày 11/6 phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ trao đổi với ông Nguyễn Văn Đệ.
Qua trao đổi, ông Đệ xác nhận danh xưng "GS, TS, Viện sĩ" được sử dụng cùng con dấu và chữ ký trong các văn bản gửi đi là có được từ các đợt "sắc phong danh dự". Vị này cũng nhấn mạnh, nếu phóng viên muốn biết chi tiết, cụ thể hơn về các danh hiệu thì có thể liên hệ với Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ để làm việc.
"Đây không phải phải là học hàm, học vấn gì cả mà nó là các "công trình" thực tế của tôi. Nghĩa là tôi có cống hiến cho cộng đồng, xã hội mà thế giới người ta công nhận là thành quả và tôn vinh. Đó đều là bằng danh dự hết", ông Đệ nói.
Phóng viên băn khoăn về trình độ học vấn được ông Đệ kê khai trên cổng thông tin điện tử của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa các khóa XVI, XVII là Trung cấp quản lý kinh tế, vị này cho biết: "Lúc đó tôi chưa phải là Giáo sư".
Ông Đệ cũng cho rằng: "Những thành viên trong Hội đồng (Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ - PV) đều là những người có tầm cỡ và có sức ảnh hưởng nên không thể nào các bằng giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự đó là giả được".
Phóng viên nêu băn khoăn ông Đệ sử dụng các chức danh, danh hiệu "GS,TS, Viện sĩ" cùng chữ ký và con dấu trong các văn bản gửi đi liệu có hợp lệ? Về việc này, ông Đệ khẳng định: "Cái đó là hoàn toàn hợp lệ".
"Cái bằng danh dự này nó không phải là thi cử nhưng mà được thế giới họ công nhận. Nghĩa là trong quá trình làm hồ sơ thì buộc mình phải có những thành tích là gì, quá trình cống hiến ra sao.
Trong quá trình làm hồ sơ tôi được biết, có người dù có nhiều tiền nhưng không có "thành tích" nên cũng chưa chắc đã có được bằng danh dự này", vị lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực cho hay.
Quá trình ông Đệ nhận "GS, TS, Viện sĩ" danh dự từ trường đại học nước ngoài ra sao?
Theo tìm hiểu của phóng viên có thể thấy, trong các năm 2019, 2021, 2022 và 2024 ông Nguyễn Văn Đệ liên tục nhận sắc phong từ tiến sĩ, giáo sư, viện sĩ danh dự.
Cụ thể, vào ngày 27/12/2019, tại khách sạn Radisson Blu, New Delhi, Ấn Độ ông Nguyễn Văn Đệ nhận được Tiến sĩ danh dự do Viện Đại học Kỷ lục Thế giới trao tặng. (1)
Tiếp đó, ngày 12/11/2021, Báo Thanh Hóa dẫn thông tin về việc: "Hội đồng xét duyệt chức danh Giáo sư Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University – WRU) đã chính thức thông qua hồ sơ và công nhận Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực đủ tiêu chuẩn đạt chức danh giáo sư".
Nguồn tin này cũng cho biết, vào tháng 4/2021, ông Nguyễn Văn Đệ cũng đã nhận Giải thưởng Đĩa vàng cống hiến cho các giá trị Kỷ lục do Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới trực thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới trao tặng. (2)
Liên quan đến sự kiện này, trên website của Tổng công ty cổ phần Hợp Lực đăng tải thông tin: "Ngày 11/9/2022, tại Thủ đô New Delhi – Ấn Độ, GS, TS Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực được xướng tên lên bục danh dự nhận bằng công nhận chức danh Giáo sư của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University – WRU) trực thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) trước sự chứng kiến của 2.000 đại biểu khách mời đến từ hơn 30 quốc gia trên thế giới". (3)
Gần đây nhất, ngày 24/4 một trang báo dẫn thông tin về một sự kiện tại Dubai mang tên "Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu năm 2024" do Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu của Ấn Độ tổ chức. Tại đây, ông Nguyễn Văn Đệ tiếp tục nhận bằng Viện sĩ danh dự của Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU) trao tặng. (4)
Như các bài viết trước Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải, theo trả lời của Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) có trụ sở tại Laxmi Nagar S.O, Laxmi Nagar, East Delhi, Delhi, India là tổ chức có pháp nhân thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ, có thành viên trên toàn cầu. Còn tại Việt Nam tổ chức GTTCI có pháp nhân chính thức là Công ty Cổ phần Hội đồng Thương mại & Công nghệ toàn cầu Ấn Độ.
Tư liệu tham khảo:
(1) http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/dien-hinh-tien-tien/doanh-nhan-nguyen-van-de-nguoi-thu-hai-cua-viet-nam-duoc-vien-dai-hoc-ky-luc
(2) https://baothanhhoa.vn/doanh-nhan-nguyen-van-de-chu-tich-hdqt-tong-cong-ty-cp-hop-luc-vinh-du-nhan-chuc-danh-giao-su-do-vien-dai-hoc-ky-luc-the-gioi-trao-tang-148557.htm
(3) https://hoplucgroup.vn/gs-ts-nguyen-van-de-chinh-thuc-nhan-bang-cong-nhan-chuc-danh-giao-su-cua-vien-dai-hoc-ky-luc-the-gioi/
(4) https://daidoanket.vn/mot-uy-vien-ubtu-mttq-viet-nam-duoc-vinh-danh-tai-dubai-10278576.html