LTS: Thật trớ trêu khi những học sinh có năng lực, đam mê nghề giáo lại không được ủng hộ thi sư phạm, trong khi có những em không hề thích dạy học lại được gia đình hướng vào nghề giáo bởi đầu vào thấp.
Bài viết sau đây của cô giáo Đỗ Quyên là những băn khoăn day dứt, lo lắng về một tương lai không có thầy giỏi trong ngành giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.
"Cô ơi! Sau này con không thể là đồng nghiệp của cô được nữa rồi!", mở đầu câu chuyện, Thuỷ - cô bé học trò cũ của tôi thổn thức nói.
Em kể rằng, mình rất yêu nghề giáo, rất thích được đứng trên bục giảng để dạy học sinh, rất thích được chăm sóc các em…nên luôn mang trong mình nỗi khát khao, niềm ao ước sẽ có một ngày được đứng trên bục giảng.
Thế nhưng ước mơ ấy con đành phải từ bỏ vì sự phản ứng quá gay gắt từ cha mẹ.
Tự nhiên tôi thấy tiếc, tiếc cho em một phần nhưng tiếc cho ngành giáo của mình mất đi một cô giáo tốt. Em vốn học rất giỏi.
12 năm liền luôn là học sinh xuất sắc và sở hữu khá nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cấp.
Em dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ lại rất thân thiện, ân cần với mọi người.
Nếu em là cô giáo, chắc chắn sẽ là người mẹ hiền đúng nghĩa mà mọi người thường ngợi ca “mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”.
Bao giờ nghề giáo mới đủ sức hút với những học sinh giỏi? Ảnh minh hoạ: caodangsuphamhanoi.edu.vn |
Em lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, từ trước tới nay khi biết tin em thi vào sư phạm cha mẹ cũng chỉ khuyên và không phản đối kịch liệt như bây giờ.
Nhất là từ sau vụ 600 giáo viên ở Đắk Lắk phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chạy một chân hợp đồng với đồng lương rẻ mạt.
Đã thế, những thầy cô này còn bị đuổi bất cứ lúc nào người ta muốn.
Rồi chuyện lùm xùm quanh việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ, chuyện học sinh lớp 8 bóp cổ cô trong giờ học, chuyện phụ huynh vào trường đánh cô giáo thực tập đến động thai…
Những chuyện buồn liên tiếp xảy ra trong giai đoạn này như một bằng chứng thiết thực để ba mẹ gây sức ép với em.
Bố mẹ còn nói “giá mày chỉ học bình thường, bố mẹ còn đành lòng chấp nhận. Học như con mà đi nghề giáo bây giờ chẳng phí công ăn học bao nhiêu năm hay sao?”
Các trường sư phạm nên ngưng đào tạo một số chuyên ngành thừa |
Tôi nghe mà nghẹn đắng lòng bởi cái nghề của mình lại bị rẻ rúng như thế. Nhưng bố mẹ em nói lại chẳng sai vì chính cuộc đời của bố mẹ đã minh chứng cho những lời nói đó.
Tôi cũng biết, trước đây, cả bố mẹ Thủy đều là học sinh trường chuyên.
Trong khi bạn bè đi học nghề khác giờ ai cũng có cuộc sống đủ đầy lại được đi đây đi đó.
Cha mẹ Thủy nói rằng mình chỉ ru rú xó nhà, kinh tế chỉ nhờ vào mấy đồng lương nên cứ thiếu trước hụt sau. Cái nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy.
Đã thế còn chịu khá nhiều áp lực từ nhà trường, từ phụ huynh, từ học sinh. Nên có lần ba mẹ em đã tuyên bố “có cáp vàng cũng không cho con chọn nghề giáo”.
Nay thì điều đó đã xảy ra, gia đình em kịch liệt phản đối. Thủy nói “con chẳng còn cách nào để bảo vệ con đường mình đã chọn. Thôi đành buông xuôi và gác lại ước mơ của đời mình cô ạ”.
Tôi hiểu những điều em nói, càng hiểu sự phản đối quyết liệt từ cha mẹ em cũng là những nhà giáo đang giảng dạy ở môi trường giáo dục.
Tôi cũng chẳng biết khuyên em thế nào khi chính tôi cũng đã hơn một lần day dứt, ân hận “sao ngày đó mình lại đi nghề giáo? Giá mà thời gian quay trở lại…”.
Học sinh thường đã chả thèm vào sư phạm, sao mơ đến học sinh giỏi! |
Chẳng riêng gì cha mẹ Thủy kịch liệt phản đối việc con thi vào sư phạm mà khá nhiều đồng nghiệp của tôi nhất quyết không cho con nối nghề đặc biệt những gia đình có con học nổi trội.
Một số gia đình nhà giáo có con theo nghề ba mẹ nhưng lại chẳng phải lòng đam mê, yêu nghề.
Còn gì chua xót hơn khi lý do cho con đi sư phạm của không ít giáo viên “nó có lực học không nổi trội, sợ thi các ngành khác không đậu nên đi sư phạm cho chắc ăn”.
Đi sư phạm không vì tình yêu với nghề, không có lực học xuất sắc liệu rồi những giáo sinh này khi đi dạy sẽ thế nào?
Trong giáo dục không phải thầy giỏi mới có trò giỏi. Nhưng dứt khoát trò giỏi thì người thầy ấy nhất định phải giỏi, phải có kiến thức sâu, rộng mới có thể dạy được những học sinh như vậy.
Buồn cho sự nghiệp giáo dục, nếu không có thầy giỏi thì giáo dục nước nhà rồi sẽ đi về đâu?